Lắt léo thủ tục đưa 8.950m2 đất quốc phòng ngay trung tâm Hà Nội thành đất thương mại

Dự án Artemis Tower đặt tại vị trí đắc địa, trên khu đất diện tích 8.950m2 tại số 3, phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tuy nhiên, dự án này có quá khứ lắt léo tới bất ngờ, trước khi trở thành tổ hợp nhà ở đắt giá như hiện tại.

Sáng kiến BT

Tháng 7.2015, Bộ Quốc phòng (BQP) có văn bản 5740/BQP-Kte gửi Thủ tướng Chính phủ về chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất quốc phòng theo hình thức chỉ định tại số 3 Lê Trọng Tấn. Đây là văn bản mang tính bản lề trong hình thành dự án Artemis sau này.

Theo đó, sau khi rà soát quỹ đất quốc phòng thuộc quản lý, Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) báo cáo BQP trình Thủ tướng cho phép lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng của Quân chủng theo hình thức Hợp đồng BT, và xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất quốc phòng có diện tích 8.950m2 tại số 3 Lê Trọng Tấn để thực hiện Hợp đồng.

BQP cho biết quân chủng đã giao Công ty CP ACC Thăng Long nghiên cứu phương án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 3 Lê Trọng Tấn bằng hình thức BT để lấy kinh phí xây dựng doanh trại, hệ thống kho tàng, công trình phụ trợ của Lữ đoàn 26 và nhà làm việc của Cục Chính trị quân chủng.

Văn bản của BQP nêu: Khu đất quốc phòng 8.950m2 tại số 3 Lê Trọng Tấn đang sử dụng vào mục đích kinh tế và do Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC (ACC) thuộc Quân chủng PK–KQ làm chủ đầu tư, cùng đối tác liên kết thành lập Công ty CP Tower Thăng Long (nay là Công ty CP ACC Thăng Long) để điều hành dự án.

BQP đề nghị Thủ tướng cho phép Quân chủng PK – KQ tổ chức lập dự án theo hình thức BT và được phép sử dụng 8.950m2 tại số 3 Lê Trọng Tấn (do Quân chủng quản lý) chuyển mục đích sử dụng để thanh toán cho hợp đồng BT. Và cho phép chỉ định Công ty CP ACC Thăng Long là chủ đầu tư dự án BT này.

Kết quả, tới 30.11.2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản 2171/TTg-KTN cho phép Quân chủng PK – KQ tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình kiến trúc của quân chủng theo hình thức hợp đồng BT.

Nhưng thực ra là 2 dự án trên đất quốc phòng

Đáng lưu ý, dù 30.11.2015, Phó Thủ tướng mới đồng ý với đề nghị của BQP, nhưng trước đó, hình hài của một dự án thương mại trên khu đất quốc phòng này đã lặng lẽ thành hình, và do đó đã hình thành thế song song có tới 2 dự án, cùng trên khu đất 8.950m2 này.

Cụ thể, ngày 7.10.2009, Bộ trưởng BQP đã ra văn bản 6677/BQP-TM cho phép Công ty TNHH MTV ACC - nay là Tổng công ty ACC được sử dụng khu đất số 3 Lê Trọng Tấn để sử dụng vào mục đích kinh tế.

Tới tháng 8.2010, BQP phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng PK – KQ tại số 3 Lê Trọng Tấn. 4 tháng sau, Bộ Tổng Tham mưu thu hồi khu đất trên để giao cho ACC quản lý, sử dụng vào mục đích kinh tế.

Như vậy, kết thúc năm 2010, 8.950m2 đất quốc phòng đã được chuyển hóa sang mục đích kinh tế với lý do: “Chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng”.

Tháng 6.2014, ACC ký hợp đồng hợp tác với 2 đơn vị IMG và MTGAS để đầu tư xây dựng và kinh doanh Trung tâm thương mại, Căn hộ cho thuê và Văn phòng tại số 3 Lê Trọng Tấn. Tháng 8.2014, Quân chủng PK – KQ khi ấy - đã phê duyệt hợp tác này, và tới tháng 2.2015 thì tiếp tục phê duyệt dự án.

"Tại Công ty CP ACC – Thăng Long, ACC chỉ nắm 30% vốn điều lệ, còn lại là Công ty CP Đầu tư Việt Long (nay là Công ty CP Đầu tư IMG) nắm 50% và Công ty CP MT GAS nắm 20% vốn điều lệ. Tỷ lệ sở hữu của ACC, do thế, không đóng vai trò quyết định tại Công ty CP ACC – Thăng Long. Hay nói cách khác là ngay từ đầu ACC đã chọn là cổ đông không nắm cổ phần lớn nhất tại Công ty CP ACC – Thăng Long, trong khi khu đất mà ACC đang quản lý lại là tiền đề quan trọng nhất dẫn tới việc ra đời Công ty CP ACC – Thăng Long.

Như vậy, tới tháng 11.2015, BQP cùng Quân chủng PK – KQ đang sở hữu cùng lúc 2 dự án dưới hình thái khác nhau (thương mại và BT) trên cùng khu đất quốc phòng này.Nhưng, như trên đã trình bày, tới 30.11.2015, Phó Thủ tướng đã đồng ý cho thực hiện dự án cũng trên diện tích đất 8.950m2 đất quốc phòng của quân chủng PK-KQ theo hình thức BT. Và là đồng ý trên cơ sở đề nghị của BQP.Theo đó, tổng mức đầu tư cho dự án này vào khoảng 909,9 tỷ đồng, thời gian sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế là 49 năm. Chủ đầu tư là ACC cùng các đối tác góp vốn thành lập pháp nhân Công ty CP ACC – Thăng Long để quản lý, đầu tư, vận hành dự án.

Bài toán “song song” này đã được BQP “giải”, bằng Quyết định 1166/QĐ-BQP ngày 28.3.2016. Theo đó, BQP giao Công ty CP ACC- Thăng Long làm chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng, công trình kiến trúc của Quân chủng PK-KQ theo hình thức BT, và thanh toán bằng quỹ đất tại số 3 Lê Trọng Tấn.

Đồng thời, vẫn theo Quyết định 1166, BQP chấm dứt thực hiện Quyết định 2978/QĐ-BQP ngày 16.8.2010 của Bộ trưởng BQP về việc phê duyệt phương án sử dụng đất quốc phòng thuộc Quân chủng PK-KQ tại số 03 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế.

BQP giao Quân chủng PK–KQ chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh 09/2014/HĐHTKD/ACC-IMG-MTGAS ngày 5.6.2014. Bên cạnh đó, Quân chủng được giao ký Hợp đồng BT với Công ty CP ACC – Thăng Long.

Tới tháng 9.2016, TP Hà Nội ra Quyết định 5469/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này (trước đó đã cấp chứng nhận đầu tư ngày 10.2.2015).

Điểm đáng chú ý trong Quyết định 5469 của Hà Nội là: hạng mục “nhà ở để bán” (trước đó chỉ là căn hộ cho thuê); Mức đầu tư 987,38 tỷ đồng; nhà đầu tư là Công ty CP ACC – Thăng Long.

Như vậy là, chỉ trong vài năm, khu đất quốc phòng này đã 2 lần thay đổi hình thái khai thác sử dụng: từ đầu tư thương mại thông thường chuyển qua hợp đồng BT, và kèm theo là thay đổi từ xây dựng Trung tâm thương mại, Căn hộ cho thuê và Văn phòng sang đất thanh toán cho hợp đồng BT, với sự xuất hiện loại hình nhà ở để bán.

Cả 2 lần “đổi tên, đổi chất” này, dự án đều gắn với Công ty CP ACC Thăng Long.

Dự án Artemis Tower (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đặt tại vị trí đắc địa, trên khu đất diện tích 8.950m2

Đáng lưu ý, năng lực vốn (theo quy định) của ACC Thăng Long đã hụt so với tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt.

Cụ thể, Quyết định 5469 của UBND TP Hà Nội cho thấy, vốn điều lệ của ACC – Thăng Long chỉ là 100 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư dự án Artemis vào khoảng 987,4 tỷ đồng. Tức là, năng lực tài chính của ACC Thăng Long chưa đảm bảo chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án – theo đúng quy định trong Luật đầu tư và Đất đai.

Đặc biệt, trong thành phần ACC Thăng Long (MT GAS, IMG và ACC) còn ghi nhận vai trò của TGĐ Lê Tự Minh trong suốt thời gian thực hiện dự án, cùng đồng thời với thực tế tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Tổng công ty ACC dần teo tóp và triệt tiêu hẳn trong ACC Thăng Long.

Vai trò của ông Lê Tự Minh ở MTGAS, IMG thể hiện điều gì? Dấu hiệu của cổ đông ngoại đến từ "thiên đường thuế" tại ACC Thăng Long ra sao... là những nội dung chúng tôi sẽ phản ánh trong bài viết sau.

Anh Minh

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/lat-leo-thu-tuc-dua-8950m2-dat-quoc-phong-ngay-trung-tam-ha-noi-thanh-dat-thuong-mai-19867.htm