Lẩu - món ăn được số đông yêu thích

Lẩu là món ăn mà vào bất cứ mùa nào, bất cứ thời điểm nào cũng có thể lựa chọn được. Lẩu thì ở đâu cũng có, tuy nhiên mỗi nơi lại có một hương vị, một cách ăn rất riêng.

Không phân biệt vùng miền

Có lẽ lẩu là một trong vô vàn những món ăn được người Việt ưa chuộng. Nó phổ biến đến độ dù đi bất cứ vùng miền nào thì chúng ta cũng không khó để tìm cho mình một bữa lẩu ưng ý. Mặc dù là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc và không biết nó du nhập vào nước ta chính xác từ khi nào, nhưng đây là món ăn có sự phát triển rực rỡ, phổ biến theo cách rất… Việt Nam.

Đồng nghiệp tụ họp sau giờ làm việc, người ta thường rủ nhau ăn lẩu. Gia đình gặp gỡ, người ta cũng rủ nhau ăn lẩu. Bạn bè thân hội ngộ cũng rủ rê chọn lẩu… Chưa hẳn vì ẩm thực thiếu sự phong phú để lựa chọn, lẩu được ưu ái hơn bởi nó là món ăn của sự kết nối nhiều người. Quanh nồi lẩu nghi ngút khói, cùng nhau nhẩn nha uống ly rượu, kể dăm ba câu chuyện “trong nhà ngoài ngõ”, tỉ tê những chuyện vui buồn, tất cả đều vây quanh nồi nước dùng đúng vị ưa thích. Nói là lẩu, nhưng tùy từng nơi tên của nó được gọi theo cách riêng. Có một điều rất thú vị là với những cách ăn có nguồn gốc từ nước ngoài, thường thì chúng ta hay gọi kèm theo địa danh của quốc gia đó, kiểu như lẩu Tứ Xuyên, lẩu Thái, lẩu Đài Loan… Nhưng khi ăn theo kiểu của người Việt chúng ta thường lại đặt tên món lẩu theo vị chính của món ăn, chẳng hạn như lẩu gà tức là ăn gà, lẩu cua đồng với hương vị chính là cua, lẩu cá kèo vì ăn với cá kèo, hay lẩu mắm làm từ các loại mắm của người miền Tây chẳng hạn… chứ chẳng ai gọi lẩu là Hà Nội, lẩu Hải Phòng, lẩu Nha Trang bao giờ cả.

Khi du nhập vào Việt Nam, lẩu là món ăn đa dạng, có nhiều cái tên nhất, chiếm được cảm tình của nhiều người như thể món ăn này của chính người Việt làm ra vậy. Ở đâu người ta cũng có thể tự làm cho mình một nồi lẩu theo hương vị tùy thích mà chẳng cần phải bó buộc vào công thức nào. Thế nên, sẽ chẳng thấy ai rỗi hơi mà đi so sánh lẩu vùng này là ngon hay là lẩu địa phương kia mới chuẩn. Người Hà Nội vẫn ăn lẩu mắm hay lẩu cá kèo miền Tây, người miền Nam cũng chuộng lẩu vịt om sấu của Hà thành, người miền núi vẫn thích ăn lẩu cua đồng dưới xuôi, đó là chuyện hết sức bình thường.

Cách ăn lẩu được ưa chuộng hơn cả có lẽ là lẩu thập cẩm. Nồi nước dùng sẽ được bỏ đủ thứ tùy thích, từ thịt, cá, hải sản… rồi đến đủ loại rau “tả pí lù”, vậy mà vẫn cứ thấy ngon như thường. Cầu kỳ hơn sẽ là những món lẩu chuyên về một vị nào đó, chẳng hạn như lẩu nấm thì ăn với các loại nấm chẳng hạn. Hay như lẩu lòng thì sẽ đủ các loại lòng, rồi lẩu rau rừng thì chủ yếu sẽ là sự đa dạng các loại rau rừng, lẩu hải sản thì sẽ chủ yếu là các loại hải sản… Linh hồn của một bữa lẩu chính là nồi nước dùng. Những món ăn kèm dù tươi ngon đến mấy mà nồi nước lẩu tồi thì cũng mất hết cả độ hấp dẫn. Vì thế, để chế được nồi nước lẩu ngon có khi mất cả nửa ngày trời.

Những món lẩu theo kiểu Hà Nội

Ăn lẩu thì mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi vị, nhưng người Hà Nội thường chọn ăn lẩu theo những nét ẩm thực riêng. Sự phát triển của lẩu ở Hà Nội rực rỡ nhất là vào đầu những năm 2000. Khi ấy có các con phố chỉ chuyên bán lẩu và những quán kinh doanh món này luôn chật kín thực khách. Có thể kể những phố chuyên bán lẩu như Phùng Hưng, Trúc Bạch, Mã Mây, Gầm Cầu…. là những lựa chọn hàng đầu của giới trẻ. Những năm gần đây, các con phố này tuy giảm về số lượng hàng quán lẫn khách hàng, tuy nhiên không vì thế mà người ta ăn lẩu ít đi. Do nhu cầu và gu ăn uống thay đổi thì thay vì ăn lẩu hè phố người ta vào nhà hàng cũng nhiều hơn. Có nhiều điểm đến, nhiều lựa chọn thay vì ngồi vỉa hè và giới trẻ ngày nay cũng “trending” hơn trong việc lựa chọn ăn uống. Từ lẩu vỉa hè, bây giờ họ có xu hướng đi ăn lẩu nướng, lẩu băng chuyền, và gần đây là lẩu buffet.

Tuy vậy, có những món lẩu mang hương vị đặc trưng Hà thành vẫn nhận được sự yêu mến và có chỗ đứng riêng. Người Hà Nội vốn ưa cháo lòng tiết canh, và thế là người ta lại chế ra được cả món lẩu cháo lòng cũng rất… “ra gì và này nọ”. Một nồi cháo nóng hổi được nấu từ nước luộc các loại lòng, dồi, xương hầm, cháo làm lẩu sẽ hơi loãng một chút nhưng nước dùng vẫn ngọt và đậm đà. Khi ăn, người ta sẽ ăn chung với những món lòng đã được sơ chế kèm với rau răm, tía tô… Dù trông món lẩu khá bình dân, nhưng thực tế đây lại là món rất được ưa thích.

Lẩu bò, sườn sụn nhúng mẻ là món được khá nhiều nhà hàng ở Hà Nội thêm vào thực đơn của mình. Mẻ vốn được người miền Bắc, đặc biệt là người Hà Nội ưa dùng để tẩm ướp đủ loại món ăn. Khi kết hợp vào nồi lẩu thì món nhúng mẻ rất hấp dẫn bởi mùi thơm kết hợp với vị chua dịu khá kích thích. Nồi nước dùng thêm chút mẻ, thả vài miếng dứa, chút cà chua thái múi cau đã được xào qua sa tế, thế là có nồi lẩu thơm lừng. Điểm thêm màu đỏ của cà chua, chút bóng bẩy của váng sa tế, khi ăn ta nhúng miếng sườn sụn, thịt bò thái lát mỏng, thêm cọng rau xanh… chỉ cần độ chín tới là có thể thưởng thức. Vị ngon ngọt sần sật của thịt quện với cái chua dịu của nước lẩu thì cứ gọi là dễ ăn mà chẳng hề ngấy. Những ai ở Hà Nội mà chưa từng thưởng thức món lẩu ếch thì quả là thiếu sót. Lẩu ếch ăn với măng cay, lá lốt, rau muống, vị lẩu cay nồng kết hợp với vị chua chua của măng cũng tạo nên sự hấp dẫn đến độ chẳng rời tay gắp ấy chứ. Hay như ở Khương Thượng có thêm cả món lẩu ốc chuối đậu khá lạ, nhưng cũng được nhiều thực khách tìm tới để trải nghiệm.

Ngoài những kiểu ăn lẩu ảnh hưởng từ một số nét đặc trưng trong ẩm thực Hà thành thì mảnh đất vốn rất tinh tế về các món ăn này cũng dễ du nhập, phát triển phong vị ẩm thực từ nhiều nơi khác. Ở đây, lẩu Thái, lẩu Tứ Xuyên, lẩu nướng Hàn Quốc, lẩu cá kèo, lẩu mắm miền Tây, lẩu riêu cua đồng Hải Phòng… cũng dễ dàng chinh phục nhiều người.

Ngoài những kiểu ăn lẩu ảnh hưởng từ một số nét đặc trưng trong ẩm thực Hà thành thì mảnh đất vốn rất tinh tế về các món ăn này cũng dễ du nhập, phát triển phong vị ẩm thực từ nhiều nơi khác. Ở đây, lẩu Thái, lẩu Tứ Xuyên, lẩu nướng Hàn Quốc, lẩu cá kèo, lẩu mắm miền Tây, lẩu riêu cua đồng Hải Phòng… cũng dễ dàng chinh phục nhiều người.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lau-mon-an-duoc-so-dong-yeu-thich-post535627.antd