Lầu Năm Góc chấp thuận bán tên lửa SM-3 và tên lửa AIM-120C-7 cho Nhật Bản

'Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông qua việc bán các tên lửa tiêu chuẩn 3 (SM-3) và các tên lửa không đối không tầm trung cao cấp AIM-120C-7 (AMRAAM) cho Nhật Bản', Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (DSCA), cho biết vào ngày 19-11.

Một tên lửa SM-3 được phóng từ tàu khu trục tự vệ hàng hải Nhật Bản JS Krishima. Ảnh: Defence-blog.

Theo DSCA, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu mua 8 tên lửa SM-3 Block IB và 13 tên lửa SMA 3 Block IIA. Ngoài ra, còn có các hộp tên lửa SM-3 1B và 2A, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần và các yếu tố liên quan khác. Tổng chi phí chương trình ước tính khoảng 561 triệu USD.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã thông qua việc bán cho Nhật Bản 32 tên lửa không đối không tầm trung cao cấp AIM-120C-7 (AMRAAM) với tổng giá trị khoảng 63 triệu USD.

Với việc mua các tên lửa này, Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm bảo vệ đất nước và các nhân viên, binh lính Mỹ đóng quân ở đây.

Tàu khu trục tên lửa JDS Kongo (DDG-173) bắn thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 block IA.

Nhà thầu chính cung cấp tên lửa SM-3 Block IB và IIA Up Rounds là Raytheon Missile Systems, Tucson, Arizona. Nhà thầu cung cấp các hộp Mk-21 và Mk-29 và bộ dụng cụ PHS & T là BAE Systems, Minneapolis, Minnesota.

SM-3 là hệ thống tên lửa trên hạm tàu sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, thậm chí có thể bắn hạ vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp. Hiện nay, SM-3 được xem là thành phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển Aegis của Hải quân Mỹ.

Tên lửa đánh chặn SM-3 nặng 1,5 tấn, dài 6,55m, đường kính thân 0,34m, sải cánh 1,57m. SM-3 được thiết kế với 3 tầng động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ đánh chặn 9.600km/h (gấp gần 8 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn trên 500km, độ cao bay 160km.

Hiện nay, hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 trang bị trên 4 tàu khu trục hiện đại nhất Nhật Bản thuộc lớp Kongo (gồm JDS Kongo, JDS Chokai, JDS Myoko và JDS Kirishima). Kể từ lần bắn thử đầu tiên tháng 12/2007, tính tới năm 2010 cả 4 tàu đã thực hiện 4 lần bắn thử tên lửa SM-3 đánh chặn mục tiêu.

Tên lửa không đối không AIM 120C-7.

AMRAAM là loại tên lửa không đối không tầm trung, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tên lửa AMRAAM được lực lượng Không quân, Hải quân Mỹ và 37 quốc gia khác sử dụng. Đây là tên lửa được trang bị cho nhiều loại phi cơ, trong đó có F-15J, cũng như một số phi cơ do các quốc gia khác sản xuất. Tên lửa này được Công ty Raytheon Missile Systems, có trụ sở tại bang Arizona chế tạo.

Việc thông qua các chương trình bán hàng này sẽ góp phần vào chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Nhật Bản là một trong những cường quốc chính trị và kinh tế lớn ở Đông Á và Tây Thái Bình Dương và là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực đó. Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là giúp Nhật Bản phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và hiệu quả.

Nguyên Thảo (Theo Defence-blog)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lau-nam-goc-chap-thuan-ban-ten-lua-sm-3-va-ten-lua-aim-120c-7-cho-nhat-ban/