Lâu Văn Mua muốn 'lắng nghe xem có thấy lòng mình'

Sinh năm 1992, quê ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát), anh làm thơ và có những tác phẩm chất lượng được in ở nhiều tờ báo từ khi còn là một chàng sinh viên. Quan điểm sáng tác của anh rất chân thực, hồn nhiên: 'Tôi làm thơ vì Thanh Hóa hiện nay chưa có một ai là người dân tộc Mông làm thơ cả khi mà người Mông ở các tỉnh khác như Lào Cai chẳng hạn đều có những nhà thơ, nhà văn làm rạng danh quê hương làng bản của họ'.

Nhà thơ trẻ Lâu Văn Mua cũng như các nhà thơ miền núi khác, với khao khát “tự đục đá kê cao quê hương” (Y Phương), anh có hướng, có lối đi riêng. Đọc những câu thơ của anh, ta cảm được tình yêu tự nhiên của chàng trai giữa thiên nhiên núi rừng. Một tình yêu quê hương làng bản luôn song hành với tình yêu đôi lứa. Hay nói đúng hơn: Trên nền quê hương thơ mộng, nghĩa tình, trên nền âm thanh núi rừng là chân dung nhà thơ Lâu Văn Mua với tình yêu sâu như thung, dài như sông và cao như núi.

Đọc những câu thơ trong bài “Em gái Mông”, ta thấy những mĩ từ được lựa chọn, những hình ảnh đẹp nhất, duy nhất, tươi sáng ấm áp nhất được nhân vật trữ tình dành cho tình yêu:

Em gái Mông người anh yêu dấu

Sao mẹ em lại rất biết sinh

Được người xinh khuôn mặt

tròn trĩnh

Thốt lên hoa mà nở đầy tim.

(Em gái Mông)

Lời tỏ tình của chàng trai với cô gái được bắt đầu bằng lời khen khéo léo: trước tiên là khen mẹ em là người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, tốt phúc biết sinh ra em - một cô gái như bông hoa, như trăng của rừng. Nhìn thấy em thôi mà muốn nói bao điều tốt đẹp, em là hiện diện của sự hài hòa, có sức chữa lành những vết đau và cảm hóa những lầm lạc. Vì em đẹp cao khiết, hài hòa và thánh thiện “thốt lên mà hoa nở đầy tim”. “Em gái Mông” của nhà thơ Lâu Văn Mua mang vẻ đẹp của núi rừng với khuôn mặt tròn đầy “hồng tươi như cánh hoa đỏ”. Tôi thích lối nói, lối biểu cảm của nhà thơ “đẹp thật đẹp”, “thương quá thương gì thương hơn”, bởi đó là lời của con tim chân thành. Qua bài thơ ta còn thấy thấp thoáng không gian cảnh sắc quê hương của người Mông thơ mộng với đặc trưng là những cánh hoa đỏ trên nền xanh của núi rừng. Lối nói có vẻ hơi “củ chuối”, sắp xếp từ ngữ có vẻ vụng về, không diễn đạt theo trật tự từ thông thường, không thể mang trật tự hay quy định của cú pháp ra để phân tích, đánh giá. Cùng với đó là nét độc đáo, đậm chất phương ngữ, nhiều câu thơ mang cái vỏ diễn đạt mộc nhưng ý thơ lại rất sáng.

Thật khó để phân định rạch ròi thơ viết về tình yêu quê hương hay tình yêu đôi lứa trong thơ Lâu Văn Mua bởi chúng luôn song hành với nhau. Âm thanh, sắc màu của rừng của núi, của mặt trời có lúc là cái phông, cái nền, lúc lại có vai trò cộng hưởng, hoặc “sửa soạn” cho đôi lứa.

Để nói về tình yêu, Lâu Văn Mua sử dụng lối thơ tự do, táo bạo và hiện đại. Lâu Văn Mua rất có sở trường ở việc sử dụng cấu trúc câu, hình ảnh thơ trùng điệp, tự nhiên. Tôi hình dung ra dáng hình, bước chân của những chàng trai cô gái, những bước chân đang mài trên từng vách đá để từng bước ra khỏi cái ranh giới chật hẹp, ra khỏi không gian của núi rừng để vươn xa và cao hơn:

Các ốc đảo sa mạc,

Các vùng nước sông...

Hơi thở của tôi, thế giới của tôi

Trái tim tôi, và tình yêu của tôi.

(Tôi thở em)

Cũng là điệu nhảy xòe của chàng trai cô gái, của người dân bản quanh chu vi ngọn lửa, ngọn đuốc, nhưng không nhắc đến “vía” đến “hồn”, không thung, không suối... mà là ánh mắt đê mê; không phải tiếng khèn mà là từng nhịp violon khóc nỉ non réo rắt. Những ngôn từ táo bạo thể hiện cảm xúc trực tiếp: Trên lưỡi của tôi tôi muốn/ Hương vị nhiều hơn của những nụ hôn của em. Lâu Văn Mua đã tự do trong truyền thông điệp, cách nghĩ, cách cảm của người trẻ đối với các sự vật, với tình yêu. Hình ảnh, ngôn từ trẻ trung, mạnh bạo và dường như còn đâu đó ý nghĩ kiểu không chịu bó mình trong không gian vốn có:

Giống như một chiếc váy bướm

Một điệu nhảy xung quanh

Chu vi của ngọn lửa, ngọn đuốc

Như trên phụ đề.

Đọc thơ của Lâu Văn Mua, chỉ cần vài bài ở các thể loại khác nhau, đề tài khác nhau ta đã có thể định hình được chân dung thơ của anh. Bởi có khi chỉ trong một bài, anh đã nói được cái tự do phóng khoáng, cái hồn hậu chân thành, cái trẻ trung táo bạo bằng cách nói giàu hình ảnh cụ thể, ngôn từ không bó buộc. Bên cạnh đó, lối điệp cấu trúc câu như nhịp của con tim, hình ảnh và cảm xúc tăng tiến như người đang leo lên đỉnh đồi ngọn núi, hay đang băng qua con suối dòng sông nào đó để đến với bờ khát vọng, bờ của tình yêu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Trong vòng tay của em/ Một thế giới của ân sủng/ Tôi biết rằng tôi đã tìm thấy vị trí của tôi/ (...) Điều duy nhất mà có thể là sự thật/ Là tôi đã rơi vào tình yêu với em (ơi).

Những câu thơ tự nhiên như suối, như cái cách người Mông vẫn thở - tự nhiên, tồn tại và thường trực. Qua thơ, có lúc Lâu Văn Mua mổ xẻ con người mình, tâm hồn và lý trí để thấy sự giằng co nhưng lại nhất quán. Anh như nhìn thấu vạn vật, như thấu bản thân. Làm thơ là hành trình đi tìm mình, thể hiện mình. Trong cái “bẫy” tình yêu, bẫy cuộc sống anh như vừa muốn nhốt mình, muốn trói buộc muốn lao vào lại vừa như mốn vùng vẫy thoát ra. Vì cuộc sống luôn biến đổi, con người chẳng thể ở yên một chỗ: Cuộc sống xoay quanh tôi/ Tung và giao động/ Cho đến khi tôi tìm thấy bản thân mình trong những cạm bẫy/ Trong quá khứ vô tận/ Và cố gắng như tôi có thể/ Để bơi ra đến đỉnh/ Nó hút tôi như một lỗ đen/ Điều này cũng từ trong quá khứ (Quá khứ).

Điểm khá lạ của thơ Lâu Văn Mua chính là việc anh tiếp thu và sử dụng thể thơ Haiku với đặc điểm “ngắn không thể ngắn hơn, gọn, không thể gọn hơn” vào trong khá nhiều bài thơ. Lâu Văn Mua bắt được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, đồng thời bắt nhanh chiều sâu cảm thức trước tâm tư và ngoại cảnh: “Cây keo ốm yếu/ Cố dâng lên trời/ Mấy cành lưa thưa” hoặc như “Mảnh vụn cầu vồng/ Ẩn bên trong màu đỏ đu đủ/ Giọt sương buổi sáng”...

Có bài nhịp như bước chân đi, âm điệu thơ phảng phất như đồng dao nhưng lại da diết nhớ. Trong cái vỏ rất trẻ có một giọng thơ, một ý thơ rất già.

Buông lối nhỏ

Tuổi thơ ơi

Em còn nhớ

Bỏ cuộc chơi.

(Tuổi thơ buông lối)

Phải rung cảm trước thiên nhiên, biết chọn chắt “mắt thơ”, biết triết lý một cách sáng tạo nhẹ nhàng mới có thể viết được những câu thơ như vậy. Có lúc chỉ cần ngẫu hứng mà tạo nên bức tranh với không gian đầy sức sống, tinh khôi thoáng đãng như vô trùng, bầu trời như tấm gương màu xanh vừa được lau hết bụi:

Hoa nở sớm mai

Giọt sương long lanh nắng

Bầu trời tiêu khiết thanh.

Phần lớn những bài thơ hay của Lâu Văn Mua lấy thiên nhiên làm trung tâm hoặc làm phông làm cảnh cho con người. Con người với suy ngẫm mang chiều sâu triết lý: Chim bay/ Chóng qua bầu trời/ Biến mất trong một tiếng thở dài...

Nói về cái đói và nạn đói, nói về những nhọc nhằn lẫn sự tần tảo của người nông dân lần hồi đi qua ngày qua tháng có khi phải cần đến một cuốn tiểu thuyết hoặc một truyện ngắn. Nhưng với Lâu Văn Mua chỉ cần 9 âm tiết trong 3 câu hết sức ngắn gọn. Hình ảnh “hạt gạo cõng củ khoai” là hình ảnh có sức gợi đến mức ám ảnh: Tận cùng của cái đói và đó không còn là chuyện của một gia đình thôn bản, mà nó là chuyện của một dân tộc ở thời điểm nào đó đã được hồi tưởng, tái hiện.

Cuối cùng, xin mượn hai câu thơ của chính anh để kết lại bài: Tôi muốn chìm vào đại dương sâu nhất/ Để lắng nghe xem có thấy lòng mình (Giải thoát). Mỗi người chúng ta sống ở đời chính là hành trình giải thoát, tìm kiếm giải thoát để sống trọn vẹn, sống đúng nghĩa. Tôi nghĩ, Lâu Văn Mua chọn cách “giải thoát” vào thơ cũng với ý nghĩa như vậy.

Bài và ảnh: LÊ THỊ ĐÁNG (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lau-van-mua-muon-lang-nghe-xem-co-thay-long-minh-31071.htm