Lấy chồng Trung Quốc nàng dâu nhớ quay quắt Tết Việt Nam, tiết lộ dự định đưa cả nhà chồng về quê cùng đón năm mới

'Nhà mình chỉ lau dọn sạch sẽ thôi, đến sát Tết thì dán chữ Phúc vào cửa coi như mong mỏi cả năm mới gia đình đầy Phúc', Giang kể.

Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, người ta lại nhìn thấy nhiều bài đăng bày tỏ sự nhớ quê hương, nhớ Tết của nhiều nàng dâu Việt lấy chồng ngoại quốc.

Khác với những cô dâu lấy chồng là người phương Tây, chồng Giang Phạm là người Trung Quốc, thế nên cô vẫn được hưởng trọn vẹn văn hóa Tết Âm lịch như tại Việt Nam. Cô cho biết có lẽ vì thế nên cô không quá tủi thân trong những ngày này.

Nàng dâu Việt ăn Tết Âm lịch tại Trung Quốc

Giang Phạm là người Hà Nội, lấy chồng ở Giang Tây (Trung Quốc). Cô kết hôn đã được hơn 3 năm và Tết Nguyên đán năm nay là năm thứ 3 Giang ăn Tết tại nhà chồng.

Cũng giống như không khí đón Tết tại Việt Nam, ở Trung Quốc cũng rất tất bật với chuyện sắm sửa, trang trí nhà cửa đón năm mới. Theo Giang, trước Tết 10 ngày gia đình cô đã xong xuôi tất cả mọi việc. Vợ chồng cô đón Tết với bố mẹ chồng, ông bà lại càng lo toan và lo xa nên việc sắm sửa đã được tiến hành từ sớm.

Cách đây 3 năm, lần đầu tiên ăn Tết quê chồng, Giang cũng có nhiều tâm tư. Tết ở đây cũng có những cái hay, cái lạ nhưng khi đó, cô nhớ quay quắt bánh chưng, hoa đào, cây quất hay không khí đi dạo chợ hoa Hà Nội. Với Giang, Tết Việt bao giờ cũng là số 1 trong lòng.

Bố mẹ chồng muối thịt, tất bật chuẩn bị Tết ở Trung Quốc.

Bố mẹ chồng muối thịt, tất bật chuẩn bị Tết ở Trung Quốc.

Cô chia sẻ: "Bố mẹ chồng thì cũng giống như bố mẹ mình ở Việt Nam, đều sắm sửa đồ Tết từ sớm lắm. Từ bánh kẹo, đồ khô đến đồ trang trí đều sắm xong từ sớm. Mẹ chồng còn muối thịt rồi làm những món ăn khác sẵn đón khách đầu năm.

Đồ tươi thì sát ngày nhà mình mới đi mua. Hai vợ chồng cùng bé con thích theo mẹ đi chợ Tết lắm, không khí rộn ràng, người qua lại tấp nập. Tuy không có mùi hương trầm thoang thoảng hay mưa phùn đặc trưng Tết quê nhưng như thế cũng giúp mình phần nào đỡ nhớ Tết quê nhà".

Ở Trung Quốc, người ta không trưng cây quất, cây đào hay cành mai vào dịp Tết. Họ cũng dọn dẹp và trang trí nhà cửa với sắc màu đỏ ngụ ý mang đến may mắn.

"Nhà mình chỉ lau dọn sạch sẽ thôi, đến sát Tết thì dán chữ Phúc vào cửa coi như mong mỏi cả năm mới gia đình đầy Phúc. Đó là kiểu trang trí đặc trưng với người dân ở đây trong dịp đầu năm mới", Giang cho hay.

Vợ chồng Giang và con gái sắm sửa đồ trang trí.

Trong nhiều hình ảnh cô chia sẻ, vợ chồng Giang cùng đi sắm Tết với mẹ chồng. Ngoài việc mua thực phẩm, đồ khô, người dân Giang Tây quê chồng cô còn mua đồ trang trí chơi Tết. Không khí rộn ràng và sôi động của những phiên chợ cuối năm cũng khiến nàng dâu Việt cảm thấy rất thích thú.

"Trung Quốc rộng lớn, mỗi vùng miền có những phong tục khác nhau và một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung là món cá (để nguyên con). Họ quan niệm rằng ăn món này vào đầu năm thì cả năm sẽ dư dả. Riêng vùng Giang Tây quê chồng mình thì sáng mùng 1 không thể thiếu món bánh gạo xào được", Giang chia sẻ.

Cả nhà chồng quây quần bữa cơm ngày Giao thừa.

Cũng có năm Giang chế biến món ăn Việt trong dịp Tết như nem rán, giò lụa cho gia đình chồng thưởng thức. Bố mẹ chồng rất hoan nghênh và khen con dâu khéo tay, tuy nhiên do khẩu vị người Giang Tây ăn cực kỳ cay nên không hợp khẩu vị món Việt lắm.

Bù lại, chồng Giang lại mê đắm món nem rán Việt Nam. Bởi vậy, trên mâm cỗ của gia đình cô thi thoảng sẽ xuất hiện món ăn đó. Nó cũng là cách Giang khơi gợi lại cảm xúc ăn Tết của người Hà Nội quê hương cô.

Dự định ăn Tết "cực lớn" tại Hà Nội vào năm sau

Giang tâm sự: "Ở Trung Quốc, dịp Tết cũng là khoảng thời gian gia đình đoàn viên, cùng nhau ăn uống, chúc Tết. Mình cũng giới thiệu phong tục lì xì đầu năm mới của Việt Nam cho gia đình chồng và tục lệ xông nhà đầu năm mới. Tại đây, cứ vào đêm 30, sau khi ăn cơm xong bố mẹ chồng sẽ lì xì hết cho cả gia đình, mỗi người 200 tệ (khoảng 700 nghìn đồng)".

Đêm Giao thừa, gia đình chồng cô lại cùng nhau quây quần xem chương trình cuối năm, đến thời khắc chuyển giao thì đốt pháo hoa, chào đón năm mới. Không khí rộn ràng phần nào khiến cho Giang đỡ nhớ quê hương.

Giang tâm sự: "Dự định năm sau mình sẽ mời bố mẹ chồng về ăn Tết với gia đình mình để ông bà biết Tết Việt Nam như thế nào. Những năm xa quê, điều mình nhớ nhất về Tết Việt là sự sum họp, sum vầy và được quây quần bên bố mẹ. Không khí Tết rất ấm cúng, mọi người đều gặp và chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới. Mình nhớ bánh Chưng, dưa hành, hai món mà chỉ nhắc đến tên thôi đã thấy vị Tết Việt Nam ngập tràn".

Gia đình chị Giang đón Tết 2023.

Hiện tại, Giang đang có cuộc sống rất ổn định tại Trung Quốc. Cô cũng phát triển một kênh Youtube kể về cuộc sống hằng ngày của gia đình mình và của một nàng dâu Việt lấy chồng Trung. Cô cũng có nhiều dự định khác cho năm mới 2023 và trên hết, cô gái Hà Nội vẫn nung nấu dự định cùng cả gia đình bên chồng về Việt Nam ăn Tết 2024 để thỏa mãn cái nhớ Tết quê hương.

An Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lay-chong-trung-quoc-nang-dau-nho-quay-quat-tet-viet-nam-tiet-lo-du-dinh-dua-ca-nha-chong-ve-que-cung-don-nam-moi-20230123212744299.htm