Lấy con người làm trọng tâm, tài nguyên nước làm nền tảng

Định hướng chiến lược chủ đạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lấy con người làm trọng tâm trên cơ sở xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, với mật độ dân số phù hợp, trình độ kinh tế và chất lượng cung ứng dịch vụ ngày càng cải thiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng.

Đồng thời, cũng trên quan điểm phát triển hiệu quả và bền vững, quy hoạch vùng lần này còn lấy tài nguyên nước làm nền tảng, trong đó phân vùng nước cụ thể và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ giúp nguồn nước của vùng chống chọi với sức ép từ nước đầu nguồn, từ ô nhiễm môi trường, từ xâm nhập mặn…

 Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc. (Ảnh: MPI)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc. (Ảnh: MPI)

Những thông tin trên được khẳng định tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 26/11 tại Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt vào tháng 12 năm 2020.

Bộ trưởng khẳng định, ĐBSCL có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Theo Bộ trưởng, có 5 quan điểm cốt lõi của quy hoạch vùng ĐBSCL gồm: Phát triển bền vững; Biến thách thức thành cơ hội; Thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn; Tăng cường liên kết và Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Hơn nữa, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”. Quy hoạch được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBSCL.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng. Trước hết, nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông.

Các đại biểu cũng thảo luận về sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL, quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120 và tính thích ứng với biến đổi khí hậu; việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: MPI)

Thông tin tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với những thách thức và cơ hội đan xen, cần phải có giải pháp, chính sách và công cụ thích hợp để biến thách thức thành cơ hội, lấy cơ hội để phát huy tối đa trong phát triển; coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, con người cần phải vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát để phát triểnkinh tế - xã hội nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và an toàn.

“Đây cũng là điều mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn trong việc xây dựng bản quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng cao mà còn phấn đấu trở thành bản quy hoạch vùng điển hình, mẫu mực từ đó rút kinh nghiệm cho việc xây dựng các quy hoạch vùng còn lại theo quy định” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Có thể nói, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là công cụ để định hướng cho các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác; điều phối liên kết vùng ĐBSCL, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế. Đồng thời, quy hoạch này cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng ĐBSCL tới tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/lay-con-nguoi-lam-trong-tam-tai-nguyen-nuoc-lam-nen-tang-568675.html