Lấy đồ của người bị tai nạn giao thông: hành vi trộm cắp hay công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Thấy người bị tai nạn, đối tượng đã giả vờ giúp đỡ người bị nạn để lấy trộm đồ của nạn nhân.

Hình ảnh đối tượng đã lợi dụng nạn nhân bị tai nạn để lấy đồ. Ảnh cắt từ clip

Diễn tiến vụ việc

Ngày 6/3, CA huyện Củ Chi đang tạm giữ Hoàng Quốc Anh (SN 1984, ngụ xã An Nhơn Tây) để điều tra về hành vi Công nhiên chiếm đoạt tài sản. Trước đó, khoảng 0h5 ngày 1/3, anh T.A.T (ngụ huyện Củ Chi) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Thị Chì, hướng từ đường ấp Bến Đình đi Tỉnh lộ 7. Đến ấp Gót Chàng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), anh T loạng choạng tay lái rồi té ngã, làm cả người và xe trượt dài trên đường. Tai nạn làm anh T bị thương nặng nằm bất động, chiếc xe cũng hư hỏng.

Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông đội mũ lưỡi trai điều khiển xe máy thấy anh T nằm trên đường nên dừng lại giả vờ hỏi thăm, giúp đỡ. Lợi dụng lúc đêm khuya vắng, người này lấy ví có khoảng 4 triệu đồng, sợi dây chuyền vàng trị giá 15 triệu đồng, 1 điện thoại di động cùng một số giấy tờ của anh T rồi rời đi. Sau đó, anh T được người đi đường phát hiện và báo cho gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị gãy xương vai…

Vào cuộc điều tra, CA huyện Củ Chi xác định người lấy tài sản của anh T là Hoàng Quốc Anh nên tiến hành bắt giữ vào chiều 5/3. Tại cơ quan điều tra, Hoàng Quốc Anh đã khai nhận hành vi giả vờ giúp đỡ người gặp tai nạn trên đường để ra tay lấy trộm tài sản của nạn nhân.

Hành vi trộm cắp tài sản hay công nhiên chiếm đoạt?

Luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm: thấy người gặp nạn ra tay cứu giúp vốn là một nghĩa cử cao đẹp, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại những người lợi dụng hoàn cảnh đó mà trộm cắp tài sản của người bị tai nạn. Theo luật sư Yến, với hành vi này, pháp luật đã có những quy định hết sức cụ thể. Mặc dù chưa có quy định cụ thể nhằm định nghĩa về hành vi trộm cắp tài sản, tuy nhiên dựa vào các yếu tố cấu thành hành vi, thì trộm cắp tài sản có thể được hiểu là cá nhân cố ý thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức khác để thu lợi bất chính từ giá trị tài sản đó mang lại.

“Trong trường hợp cụ thể nêu trên, hành vi lấy tài sản của người bị tai nạn là hành vi lợi dụng tình trạng không thể chống cự của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản” – luật sư Yến phân tích. Mà theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi này phải đối mặt với những mức hình phạt sau: phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp: tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng rơi vào những trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175, 290 Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật.

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trong trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; tài sản là bảo vật quốc gia; tái phạm nguy hiểm. Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, người trộm cắp tài sản này còn chịu xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, hành vi chiếm đoạt tài sản của Hoàng Quốc Anh là công khai. Đối tượng lợi dụng tình trạng nạn nhân bất tỉnh, đường vắng, đêm khuya nên đã công khai lấy tài sản rồi bỏ đi. Xét hành vi của đối tượng đã có đủ yếu tố cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Thơm, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được thể hiện bởi hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần phải che giấu hành vi phạm tội trước mặt người đó. Đây cũng là mặt khách quan duy nhất của tội phạm này. Người phạm tội chỉ thực hiện hành vi khi lợi dụng sự sơ hở, chủ quan của người khác trong quá trình quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, tai nạn giao thông…

Những hoàn cảnh này thường kéo dài và diễn ra một cách bất ngờ, khiến họ không thể có đủ khả năng để có thể bảo vệ tốt tài sản của mình, chỉ có thể đứng nhìn người khác lấy tài sản đi một cách công khai. Những hoàn cảnh này xảy ra phải là do khách quan, chứ không phải do người phạm tội tạo ra. Nếu người phạm tội gây ra tai nạn (vô ý) mà tranh thủ lấy tài sản thì được coi là hành vi Cướp tài sản. Bên cạnh đó còn bị xử lý về hành vi gây tai nạn giao thông.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/lay-do-cua-nguoi-bi-tai-nan-giao-thong-hanh-vi-trom-cap-hay-cong-nhien-chiem-doat-tai-san-372532.html