Lấy học sinh làm trung tâm

Ngày khai giảng năm học mới 2023-2024 đã ở trước mắt. Tuần này, phụ huynh í ới hỏi nhau tại sao đồng phục của các con giờ này vẫn chưa có dù đã đăng ký mua với nhà trường từ lâu. Có người không đăng ký mua qua 'kênh' nhà trường thì ra ngoài tìm mua, có khi tới nơi mới biết là năm nay phải mua màu gì mới hợp với mẫu của nhà trường đối với khối lớp 4...

Tôi biết một nhà nọ, có con học cấp trung học cơ sở, từng than thở vì có cảm giác bó tay trước điều mà họ cho là bất hợp lý (?). Gia đình mua cho con 2 bộ đồng phục mùa hè, 1 áo khoác dùng vào mùa đông và 1 bộ để con mặc khi có giờ học thể dục.

Oái oăm thay, không may là lịch học thể dục trong tuần gồm hai tiết lại được bố trí trong hai ngày liền nhau. Áo ngắn tay, quần dài “đầy nilon” kiểu thể thao có hai nẹp trắng chạy trên ống quần màu xanh. Thứ nào cũng dày cộp, mùa hè mặc vào thì “nóng thôi rồi”; mùa đông học thể dục vẫn không được bỏ đồng phục thể thao, áo ngắn tay nên nhiều trẻ mặc áo giữ nhiệt dài tay ở trong rồi mặc áo ngắn tay ra ngoài.

Nhìn lâu thành quen, chứ theo lời dạy của người xưa “áo trong không được thò ra áo ngoài” thì rõ là không đúng. Hơn thế, ngày nắng ráo thì còn đỡ, gặp kỳ nồm ẩm hay mưa phùn rả rích thì rất khổ, chỉ còn cách cho con mặc lại áo cũ hoặc bấm bụng cho trẻ mặc áo “bốc mùi” bởi nhà không có máy sấy... Người nghe chuyện có hỏi sao anh chị không mua cho cháu nó hai bộ để tiện thay đổi, anh chồng nói cơ bản không muốn mua vì bộ đồng phục thể thao ấy có chất liệu kém quá, không đáng để bỏ tiền chứ không phải không mua được, ai ngờ tình huống “giặt không kịp”.

Chuyện về đồng phục của học sinh đúng như phim dài tập vậy, mỗi tập là một câu chuyện thú vị nhưng có khi khiến người ta cười ra nước mắt. Như cái áo khoác đồng phục mùa đông chẳng hạn. Chất lượng áo “được” hay dở phụ thuộc vào từng trường, nhưng có điểm chung là thể nào cũng có trẻ không hợp với bộ đồng phục mà bố mẹ mua. Đó thường là mẫu áo mỏng, nhẹ được may hàng loạt, nói vui vui “đích thị hàng chợ”. Không phải hàng may đo nên từ cổ áo, cỡ ống tay đến độ dài rộng của thân có vừa với trẻ hay không đều... là may rủi. Mùa lạnh, áo mỏng và cổ hở toang hoác như mời gọi gió về, có nhiều trẻ phải mặc thêm áo khoác dày ra ngoài áo đồng phục rồi đến trường thì cởi ra, để lộ đồng phục cho sao đỏ khỏi ghi sổ...

Quy định về việc học sinh mặc đồng phục khi tới trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành từ năm 2009, đến nay đã mười mấy năm. Quy định cứng, cách triển khai ở cơ sở lại vô cùng "uyển chuyển" nên chuyện tốt có nhiều mà điều gây dị nghị cũng có; tệ nhất là xuất hiện sự lo lắng về sự liên kết thiếu minh bạch giữa lãnh đạo nhà trường với cơ sở được chọn cung cấp đồng phục học sinh. Những bộ đồng phục “bí bách vào mùa hè, thông thoáng vào mùa đông” ở một số nơi có thể khiến sự dị nghị thêm trầm trọng. Bởi thế, từ năm 2009 đến nay, có cảm giác như thể giữa cơ quan quản lý cấp trên và các nhà trường diễn ra một cuộc đuổi bắt chưa thấy đích.

Nói vậy là bởi chốc chốc lại thấy ngành Giáo dục ở tỉnh này, thành phố kia phải ra “chỉ thị” mới liên quan tới đồng phục. Có lúc là yêu cầu phía nhà trường không được sử dụng lô gô và các chi tiết đặc biệt in trên đồng phục để gây khó cho phụ huynh muốn mua đồng phục cho con trực tiếp từ cơ sở kinh doanh bên ngoài. Có lúc là chỉ đạo liên quan tới việc nhà trường thay đổi xoành xoạch mẫu mã, màu sắc, kết quả là dù quần áo mà anh/chị để lại còn tốt nhưng em không thể dùng dù cùng học một trường, khá là lãng phí...

Những chuyện tương tự như đã kể trên hầu như năm nào cũng được đề cập, nhưng do công tác kiểm tra, giám sát chưa tạo được hiệu quả cần thiết nên cuộc “rượt đuổi” chưa dừng lại. Có thể trong tương lai gần, cơ quan quản lý sẽ hướng mạnh hơn nữa vào yêu cầu về chất lượng để bảo đảm sức khỏe cho thế hệ tương lai, ít nhất thì đồng phục phải bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp kín đáo vào mùa đông. Rồi sau đó là yêu cầu bảo đảm tính thẩm mỹ, ngăn chặn triệt để khả năng “tư túi” trong việc chọn nhà thầu đồng phục dẫn đến việc học sinh phải dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe...

Cuộc chạy tiếp sức không mong muốn có mau chóng tới đích để dừng lại hay không phụ thuộc vào trách nhiệm của các bên liên quan. Trách nhiệm đó sẽ được nâng cao nếu ai nấy đều thấm thía quan điểm “lấy học sinh làm trung tâm phục vụ”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lay-hoc-sinh-lam-trung-tam-639257.html