Lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm

Như một câu châm ngôn của cuộc sống mà nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam PhanQuang đã viết, được in đậm nét trên trang chủ tờ lịch treo tường năm mới 2019, phát hànhrộng rãi trong xã hội: 'Nhà báo có đạo đức là người có đủ bản lĩnh vượt lên trên sự lũng đoạncủa mặt trái xã hội, giữ được cái tâm hướng về lợi ích của đất nước, lấy lợi ích đất nước làmtiêu điểm'.

Người làm báo Việt Nam cần luôn lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm. Ảnh: TL

Vui Tết đón Xuân Kỷ Hợi, 2019 - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc đội ngũ các nhà báo luôn giữ chữ một chữ “Tín” trong hành nghề, coi đó là nét đẹp văn hóa, là phẩm hạnh và đạo đức nghề nghiệp...

Trung thực và chính trực

Cuối năm 2016, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (khóa X) ban hành Quy định (sửa đổi) Đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo Việt Nam. Quy định về Đạo đức báo chí năm 2016 có 10 điều, trong đó có điểm quy định về chế độ tác nghiệp của nhà báo. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản, đặc điểm “then chốt” trong hành nghề và kỹ năng tác nghiệp của một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn.

Nhà báo hành nghề Trung thực - Khách quan - Công tâm - Không vụ lợi. Đấy chính là đức tin - là chữ “Tín”. Trung thực, khách quan, công tâm và không lợi dụng danh nghĩa nhà báo để vụ lợi, vòi vĩnh, làm điều bất tín. Điều 5 của Quy định nêu rõ: Người làm báo phải “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.

Ngày 24/12/2018, đúng 2 năm sau khi Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký quyết định ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan.

Khi nhà báo hành nghề viết bài trên các ấn phẩm chính thức, trên trang cá nhân, trên Facebook, hoặc các trang mạng xã hội khác thì vẫn là con người đó - trái tim và khối óc đó phải luôn luôn bảo vệ cái đúng, những giá trị tốt đẹp của đạo đức và văn hóa dân tộc; chống lại cái xấu, cái ác, đi ngược lại với quyền lợi tối thượng của đất nước, của nhân dân.

Chữ Tín, hiểu theo nghĩa thông thường, như Từ điển tiếng Việt đã nêu chính là sự khẳng định về đức tin, để từ đó con người biết trọng lời hứa và biết tin nhau - ăn ở với nhau, làm việc cùng nhau cốt giữ chữ Tín. Đó là sự chính trực, trung thực. Đạo làm người, dù là ai, thuộc tầng lớp - giai tầng xã hội nào, trong giao tiếp đều phải giữ cho được chữ Tín. Tín thể hiện đạo đức, cốt cách, nhân phẩm của đạo làm người.

Nhà báo có đặc trưng nghề nghiệp là có các mối quan hệ xã hội rộng rãi. Ảnh: TL

Nhà báo, do đặc trưng và sự đòi hỏi của nghề nghiệp, họ còn có quan hệ thường xuyên với các cơ quan Đảng, Chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các quan chức Đảng, Chính quyền - bộ máy quản lý, điều hành mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội v.v..

Đối với nhà báo, do đặc trưng nghề nghiệp có các mối quan hệ xã hội rộng rãi. Trước hết, đó là mối quan hệ của nhà báo với công chúng báo chí rộng lớn - bạn đọc, bạn xem và nghe đài. Họ là công nhân, nông dân, trí thức, là học sinh - sinh viên, người lao động đủ mọi tầng lớp. Đó là mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân - bất kể họ làm nghề gì, kinh doanh lĩnh vực nào. Đó là mối quan hệ của nhà báo với đội ngũ trí thức - đủ mọi lĩnh vực. Họ là giáo sư, bác sĩ, nhà giáo, học giả, chính khách - lực lượng tinh hoa của xã hội.

Nghề báo đòi hỏi kỹ năng quan hệ công chúng - quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng. Các mối quan hệ công chúng, quan hệ xã hội rộng lớn như vừa nêu, tùy đặc điểm riêng biệt của từng đối tượng mà có các mối quan hệ giao tiếp, kỹ năng giao tiếp khác nhau. Nếu không hiểu đối tượng, không am tường về họ, giao tiếp sẽ không thành công, hiệu quả giao tiếp thấp, gây ra không ít hệ lụy. Trong một nhóm đối tượng, tùy theo đặc điểm, sở thích, thói quen từng người, nhà báo sẽ có các cách tiếp cận, giao tiếp khác nhau. Bất luận trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng giao tiếp, chữ Tín - Đức tin luôn được đặt lên hàng đầu, là đòi hỏi mang tính đạo đức, trọng danh dự và lời hứa.

Để bảo vệ thanh danh, danh nghĩa cao quý của nhà báo, cần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ. Ảnh: TL

Luật không cấm, nhưng đạo đức không cho phép

Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 khẳng định, nhà báo tác nghiệp vi phạm đạo đức nghề nghiệp là vi phạm Luật Báo chí, những người vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Có những điều luật pháp không cấm, nhưng chuẩn mực đạo đức không cho phép. Một bà lão 80 tuổi (chưa có chồng) cưới một anh chàng 20 tuổi (chưa có vợ) làm chồng; Luật không cấm, nhưng đạo đức xã hội thì có nên không? Cần tự vấn lương tâm, mới có thể có câu trả lời đúng (!). Đạo đức có phần của lương tâm nghề nghiệp. Làm điều gì mà lương tâm áy náy, cái tâm không an, người làm báo nên tránh, rất cần tránh.

Bản lĩnh giúp ta vượt lên sự lũng đoạn của đồng tiền, của mặt trái đạo đức. Giữ được cái tâm hướng về lợi ích đất nước là điều tối thượng.

Sự thẩm định của tiêu chí đạo đức nhà báo chính là biết lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm, làm mục tiêu phấn đấu và hướng tới. Trọng trách của báo chí và người làm báo là định hướng dư luận, dẫn dắt dư luận, vì lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc và nhân dân. Ứng xử với mạng xã hội, cũng rất cần sự tự vấn lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Nếu nhà báo tham gia mạng xã hội, cần tuân thủ và nhớ đến bổn phận và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình. Đạo đức báo chí đang là vấn đề “nóng”, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển, đồng tiền biết “nhảy múa” tự tung, tự tác làm tha hóa không ít cán bộ, công chức, trong đó có nhà báo. Người viết bài này có dịp tiếp xúc với cộng đồng doanh nhân TP. Hồ Chí Minh và các địa phương bạn. Khi đã tin cậy, các doanh nhân thường nhắc đến tên nhà báo A, nhà báo B với sự lo ngại, bởi sự vòi vĩnh, ăn tiền của họ đã đến mức “cáo”.

Chữ “Tín” trong hành nghề, là nét đẹp văn hóa, là phẩm hạnh và đạo đức nghề nghiệp của bất kỳ nghề gì không chỉ nghề báo. Ảnh: TL

Tổng Giám đốc tập đoàn K. vốn là người đàng hoàng, có nhân cách, bộc bạch tâm sự: “Hoạt động sản xuất kinh doanh làm sao tránh được sơ suất, doanh nghiệp vi phạm điểm này điểm kia, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Với ông A, ông B (nhà báo) chúng tôi thật sự ái ngại. Họ dọa chúng tôi, họ vòi vĩnh. Họ đề nghị hỗ trợ. Họ có thẻ nhà báo, được cơ quan quản lý cấp thẻ hành nghề. Nếu không đáp ứng là họ gây sự. Loại nhà báo này làm gì có lương tâm, càng không có chữ Tín. Thôi thì nhắm mắt cho qua, tránh “hủi” chẳng xấu mặt nào (!)”.

Bộc bạch của Tổng Giám đốc K. cũng là tâm sự chung của không ít doanh nhân khác. Quả là chữ Tín của một bộ phận nhà báo, tuy chỉ là số ít trong đội ngũ hùng hậu gần 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề và hơn 23.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thật đáng suy nghĩ. Chính họ làm “hoen ố”, làm mất thanh danh - đánh mất chữ Tín của báo giới.

Một vụ tống tiền doanh nghiệp hồi tháng 8/2018 ở TP. Cần Thơ của Phạm Lê Hoàng Uyển, phóng viên Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập chưa xử lý xong thì lại thêm vụ tống tiền tiếp theo vào cuối năm. Nhà báo đưa tay nhận 70.000 USD từ một doanh nghiệp nước ngoài ở Bắc Giang, làm bàng hoàng những người làm báo trung thực, chính trực, chân chính. Phóng viên Đào Thị Thanh Bình, Báo Thương hiệu & Công luận đã bị bắt tạm giam, chờ ngày hầu tòa. Hội Nhà báo Việt Nam đã quyết định khai trừ “con sâu” này ra khỏi tổ chức Hội nghề nghiệp của mình.

Trên đây chỉ là hai vụ tống tiền mới nhất của nhà báo, trong số không ít các vụ tống tiền của nhà báo (hoặc mạo danh nhà báo) trong mấy năm gần đây. Để bảo vệ thanh danh, danh nghĩa cao quý của nhà báo, cần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, giữ trọn chữ “Tín” của người làm báo Việt Nam.

Vui Tết đón Xuân Kỷ Hợi - 2019, một chữ “Tín” của báo chí và nhà báo; Lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm, cả trong hành nghề và cuộc sống đời thường, cần lắm thay và thật có ý nghĩa vào lúc này, cũng như suốt cả đời người - sự nghiệp cầm bút./.

Quốc Toàn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/lay-loi-ich-dat-nuoc-lam-tieu-diem-n12187.html