Lấy người dân làm trung tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Những năm gần đây, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của vùng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn.

Ông Bùi Văn Thắng.

Phóng viên (PV): Thưa ông, huyện đã đạt được những kết quả như thế nào trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp?

Ông Bùi Văn Thắng: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”, huyện Lạc Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng ngành triển khai thực hiện, dựa trên lợi thế của huyện để xác định nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực quy hoạch phát triển.

Toàn huyện xác định đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là trồng cây có múi, cây dổi, chuyển diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, nhân rộng mô hình gia trại, trang trại. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 phấn đấu giảm diện tích gieo cấy lúa còn 8.500ha, ổn định diện tích trồng ngô cả năm là 4.500ha. Huyện phấn đấu trồng mới hơn 300ha cây cam và nâng số lượng tổng đàn trâu, bò vùng quy hoạch (4 xã) đạt 4.000 con; đến năm 2020 cải tạo khoảng 50% vườn tạp, tương ứng 1.200ha thành vườn chuyên canh, nâng cao hiệu quả kinh tế đất vườn, hiệu quả kinh tế đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Đến hết tháng 6-2018, sau hơn hai năm thực hiện đề án, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng các loại cây khác là 655ha, cải tạo được hàng trăm héc-ta vườn tạp chuyển sang trồng cây có múi, với tổng diện tích đạt gần 600ha, trong đó tập trung chủ yếu là cam và bưởi.

Lãnh đạo huyện Lạc Sơn nghiên cứu quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KHÁNH SƠN

PV: Lạc Sơn đang gặp những khó khăn nào khiến quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện bị cản trở, thưa ông?

Ông Bùi Văn Thắng: Tuy huyện đã có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng sản xuất nông nghiệp của Lạc Sơn vẫn nặng về tự cung tự cấp, manh mún, việc chuyển đổi còn mang tính tự phát. Một số xã chưa có kế hoạch chuyển đổi, chưa xác định được loại cây trồng, vật nuôi chủ lực cho địa phương mình. Tập quán sản xuất của nông dân còn manh mún, tự phát, không theo quy hoạch (thấy được giá thì trồng ồ ạt, rớt giá lại chặt phá bỏ), không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trình độ áp dụng khoa học-công nghệ cũng là một trong những cản trở.

Bên cạnh đó, chính sách về đất đai còn những hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh để khuyến khích hơn nữa người nông dân tích tụ đất, lập trang trại sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, quy cách đồng đều, chất lượng cao... đáp ứng yêu cầu thị trường. Mặt khác, chưa có nhiều doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra, sản phẩm chưa đủ cung cấp cho thị trường, ngành nông nghiệp phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, được mùa mất giá, mất mùa được giá, chưa xây dựng được thương hiệu riêng. Các địa phương chưa có hợp tác xã để ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

PV: Để thực hiện thành công đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, theo ông cần những yếu tố gì?

Ông Bùi Văn Thắng: Để thực hiện thành công đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên toàn huyện, ngoài quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo thì nhận thức của người dân vô cùng quan trọng. Cần xác định lấy người nông dân làm trung tâm và là người giữ vai trò chính xuyên suốt quá trình thực hiện đề án. Bởi vậy, công tác tuyên truyền vô cùng quan trọng và người dân phải tự ý thức nghiên cứu, nắm bắt thông tin để hộ gia đình chuyển đổi dần phương thức canh tác. Cần quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cải tạo vườn tạp. Đồng thời, tổ chức cho nhân dân thảo luận, lựa chọn cách làm hiệu quả nhất và đại diện cộng đồng dân cư, cán bộ xã, xóm tham quan học tập mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các trang trại, gia trại trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả để rút kinh nghiệm cũng như để xây dựng lòng tin khi thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

VŨ QUANG THÁI - TRẦN MINH MINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lay-nguoi-dan-lam-trung-tam-trong-qua-trinh-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-555251