Lấy nụ cười làm 'đặc sản' cho du lịch TP.HCM

Lấy nụ cười, sự thân thiện, tận tình làm đặc sản du lịch TP là một trong những giải pháp nhằm tăng chi tiêu từ khách du lịch đến TP.HCM.

Theo Cục Du lịch Quốc gia, từ 20 đến 26-01-2023 (nghỉ Tết Quý Mão), cả nước đón 9 triệu lượt khách nội địa; tăng 47,5% so với 2022; có 2 triệu lượt lưu trú, giảm 37,5%; công suất phòng trung bình 45%.

Tổng thu ước đạt 17,5 ngàn tỉ đồng; giảm 30% so với 2022. Những con số trên trong tháng 2 và tháng 3-2023 còn cao hơn vì vào mùa “cả nước lễ hội”.

TP.HCM kéo dài thời gian lưu trú du khách bằng cách làm mới sản phẩm cũ theo hướng khác biệt, độc, lạ.

Khách tăng, doanh thu giảm

Nguyên nhân khách tăng, doanh thu giảm được lý giải là do khách tự đi, đi về trong ngày, đi ngắn ngày hơn, sau dịch khách thắt chặt chi tiêu…

Các công ty du lịch có uy tín chứng minh ngược lại “Hậu dịch, du khách chi tiêu cao hơn, lựa chọn kỹ hơn”.Thực tế là do khách du lịch tự túc chi tiêu ít hơn, khó quản lý hơn và là đối tượng trục lợi của các tệ nạn “chặt chém, trấn lột”; buôn gian bán lận…

Số liệu du lịch lâu nay có quá nhiều điều bất hợp lý như lượng khách nước ngoài đến Việt Nam (inbound), khách Việt và người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound) đều dựa vào số liệu Cục Xuất Nhập cảnh có nhiều mục đích khác nhau nhưng du lịch chiếm nhiều nhất. Riêng khách nội địa không biết dựa tiêu chí nào.

Việc quan trọng và cấp bách nhất của du lịch Việt Nam là tăng doanh thu đầu khách. Thống kê lượng khách nội địa cần tách bạch – khách tham quan (có mua vé và không mua vé) – khách lưu trú (tính đêm, không tính lượt) – tổng doanh thu – Doanh thu đầu khách; Đoạn tuyệt kiểu thống kê áng chừng, cảm tính, làm đẹp báo cáo…

Trước khi bàn chuyện cách mạng 4.0, chuyển đổi số, Chat GPT thì phải làm ngay cách mạng 4 CÓ – "Có thông tin minh bạch – Có số liệu chính xác – Có cách làm hiệu quả - Có người chịu trách nhiệm”. Số liệu không chính xác, kéo theo nhiều hệ lụy.

Làm mới sản phẩm theo hướng độc lạ

Tết 2023, lượng khách đến TP.HCM chiếm 18,8% cả nước (1,7/9 triệu khách) nhưng doanh thu chiếm 36% (6.300/17.500 tỉ đồng). Những nỗ lực của du lịch TP rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, thành quả này chưa là gì so với Thái Lan.

Theo UNWTO, năm 2019 du lịch Thái Lan xếp thứ 8 tổng lượng khách quốc tế (39,8 triệu khách) nhưng xếp thứ 4 tổng doanh thu du lịch (63 tỉ USD). Ngược lại, Trung Quốc xếp thứ 4 lượng khách quốc tế (65,7 triệu khách) nhưng xếp thứ 10 tổng doanh thu du lịch (40,4 tỉ USD).

Để tăng doanh thu đầu khách du lịch cần xác định lại khách du lịch. Số lượng phải tính theo đêm lưu trú. Số liệu thống kê phải cụ thể, chính xác.

Kéo dài thời gian lưu trú bằng nhiều cách như TP có thêm sản phẩm mới, làm mới sản phẩm cũ theo hướng khác biệt, độc, lạ; đẩy mạnh tour tham quan bằng trực thăng, khinh khí cầu. TP mở thêm tour “Đại yến Dinh Độc Lập”, “Một đêm làm Tổng thống”, “Khách sạn địa đạo”…

Ngoài ra, tổ chức các dịch vụ chuyên biệt pháp luật không cấm vào buổi tối (chợ đêm, phố đi bộ, phố dịch vụ, giải trí…); thay đổi giờ hoạt động tham quan, dịch vụ (từ 10 giờ đến 22 giờ); mở thêm các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, hội họa, điêu khắc, thu hình, thu âm, làng nghề, nông nghiệp, giáo dục, nghệ thuật…

TP khai thác hiệu quả nguồn chi tiêu từ hàng lưu niệm, hàng thủ công và sản phẩm tự nhiên, hữu cơ; đặc trưng địa phương. Đồng thời, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất; có lộ trình khắc phục các tệ nạn vệ sinh môi trường, thực phẩm, giao thông, an ninh xã hội…

Đặc biệt, lấy nụ cười, sự thân thiện, tận tình làm “đặc sản” du lịch TP. TP kiến nghị trung ương xem xét mở rộng không gian và thời gian thị thực; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Nguồn PLO: https://plo.vn/lay-nu-cuoi-lam-dac-san-cho-du-lich-tphcm-post722420.html