Lấy phiếu tín nhiệm: Không chỉ dựa vào báo cáo

Hôm nay (24.10), Quốc hội (QH) bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Trước khi sự kiện này diễn ra, những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo đến ĐBQH. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB họ sẽ căn cứ vào 'nhiều nguồn' để có đánh giá thật khách quan về các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

ĐBQH Vũ Trọng Kim. Ảnh: CAO NGUYÊN

Nhìn vào số phần trăm để biết mà sửa mình

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp này được thực hiện theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28.11.2014. Hoạt động này được tiến hành ngay những ngày đầu Quốc hội họp, trước khi diễn ra các phiên chất vấn.

Theo Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng, hôm nay (24.10), QH sẽ bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh, việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này là rất quan trọng vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ, đã đi được nửa chặng đường rồi, do đó, kết quả đánh giá để chúng ta nhìn nhận, nhắc nhở, để người được đánh giá cố gắng hơn nữa, nếu không đủ tín nhiệm có thể thay đổi. Cũng thông qua con số phần trăm tín nhiệm, cơ quan Đảng cũng biết người mà Đảng giới thiệu làm các nhiệm vụ của Nhà nước có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giữ trọng trách này hay không. Tuy nhiên, ông Nhưỡng cho rằng, nếu một nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần thì chưa đảm bảo vì việc đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ lãnh đạo đứng đầu các bộ, ngành địa phương cũng phải như chúng ta đánh giá cán bộ thường xuyên, có như vậy mới đồng bộ.

Đánh giá không phải chỉ ở... báo cáo

Trao đổi với PV Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho biết: Để chuẩn bị cho việc đánh giá tín nhiệm của các Tư lệnh ngành, trước kỳ họp các ĐBQH đã nhận được bản kiểm điểm của cá nhân, Bộ trưởng các ngành trong diện được đánh giá. Tuy nhiên cần căn cứ vào quá trình thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ vào quá trình điều hành trong công tác đảm đương nhiệm vụ, thể hiện năng lực hoạt động điều hành của các bộ, của Quốc hội. Các ĐBQH nghiên cứu xem xét không chỉ riêng về giải quyết của ngành mà thể hiện cả lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm tại bộ, ngành đó.

Còn Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho biết, các đại biểu cũng sẽ căn cứ những vấn đề ĐBQH chất vấn các vị bộ trưởng, các thành viên Chính phủ qua các kỳ họp. Xem xét việc thực hiện lời hứa đến đâu cũng là một khía cạnh để đánh giá.

Ông Hòa nói thêm, còn một kênh thông tin quan trọng nữa là qua các phương tiện truyền thông, qua những kiến nghị, ý kiến của cử tri được giải quyết như thế nào. Cùng với đó, cần phải đặt những người được lấy phiếu tín nhiệm trong công việc của họ ở cơ quan đó rồi trong quan hệ với các đơn vị khác.

Còn ĐBQH Vũ Trọng Kim cho hay, cá nhân tôi sẽ bỏ phiếu cho từng người một. Mỗi người tôi sẽ nhận diện một cách đầy đủ rồi mới bỏ phiếu. Phương châm của tôi là thận trọng. Làm sao sau khi quyết định rồi mình không thấy ân hận. Đầu tiên là anh có hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn có sử dụng hết không. Thứ hai là trách nhiệm với dân anh thực hiện như thế nào. Thứ ba là đức, lối sống. Tôi mong muốn nhiệt tình, hết sức vì dân đó là gốc. Chứ không phải lên rồi tặng hoa ung dung vui vẻ rồi thế này thế khác. Người nhiệt tình nó khác, người làm cho lấy lệ, lấy phiếu thì không ổn. Thứ tư là xung quanh vấn đề tài sản, có điều tiếng gì không. “Anh làm gì thì làm nhưng cuối cùng anh có động tác láu cá làm cho tài sản dôi lên nhiều lần so với thu nhập đó là một điều lợi dụng chức vụ quyền hạn. Điều đó không ai chấp nhận được.

Không phải ngành lắm dư luận là tư lệnh yếu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận, khi bỏ phiếu tín nhiệm, ĐBQH không chỉ quan tâm đến sự phát triển của ngành để đánh giá tiêu chí mà còn có những vấn đề khác. “Có những ngành ban đầu có dư luận này, dư luận khác nhưng khi phát hiện ra thì các bộ trưởng đã xử lý ra sao. Chứ không có nghĩa, ngành này có vấn đề này, vấn đề khác, dư luận xã hội lại đổ lên đầu các bộ trưởng” - ông Lợi nói.

Theo ĐBQH Cao Văn Trọng (Bến Tre), vấn đề là người có trách nhiệm phản ứng, xử lý vấn đề dư luận quan tâm như thế nào, có nhanh nhạy không, có quyết liệt không, có đến nơi đến chốn hay không?. Đó mới là vấn đề. Tôi cho rằng phải nhìn vào việc điều hành của các trưởng ngành mà đánh giá.

XUÂN HÙNG - CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/lay-phieu-tin-nhiem-khong-chi-dua-vao-bao-cao-637686.ldo