Lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cán bộ 'tự soi', 'tự sửa', góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân

Đại biểu QH Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để 'tự soi', 'tự sửa', tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; cũng như làm cơ sở để xem xét đánh giá CBCC, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân.

Đề xuất bãi nhiệm đối với người có quá nửa phiếu đánh giá “không tín nhiệm”

Chiều 30/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nghị quyết này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo bổ sung về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là Tổng Thư ký Quốc hội. Bên cạnh đó, dự thảo có sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Dự thảo nghị quyết lần này đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá phù hợp và bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các Ban của HĐND; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có).

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Bởi vì, theo dự thảo thì các trường hợp được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND thường là do phát hiện có dấu hiệu sai phạm hoặc qua lấy phiếu tín nhiệm cho thấy người đó có mức độ tín nhiệm thấp. Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó.

Công khai minh bạch việc lấy phiếu tín nhiệm tới cử tri và nhân dân

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này, Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhìn nhận: “Về đối tượng để lấy phiếu tín nhiệm, tôi rất đồng tình với dự thảo Nghị quyết là đề nghị sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm lại đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay có những nơi đang thực hiện thí điểm HĐND, tôi cũng đề nghị đối với Chủ tịch UBND ở nơi không có HĐND và không phải HĐND bầu thì chúng ta không đưa vào danh sách đối tượng lấy phiếu tín nhiệm lần này. Bởi vì theo quy định, những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm là người do Quốc hội bầu, phê chuẩn và những người được HĐND các cấp bầu”.

 Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc.

Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc cũng bày tỏ đồng tình với việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tổng hợp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, liên quan đến những người được lấy phiếu tín nhiệm trong lần này. Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ là cơ sở để các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp tham khảo khi quyết định lựa chọn tích phiếu tín nhiệm.

Theo nữ Đại biểu Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm phải đảm bảo khách quan, công tâm, dân chủ để thực sự góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ ngày càng chuyên nghiệp, phát huy được năng lực, sở trường, góp phần xây dựng đất nước phát triển hơn. Đại biểu tin tưởng rằng, việc sửa đổi Nghị quyết lần này cùng với hướng dẫn của Bộ Chính trị thì các tỉnh, thành phố sẽ có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

“Việc công khai minh bạch, khách quan các thông tin sau tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần phải kịp thời tới cử tri và nhân dân. Đây sẽ là cơ sở để tuyên truyền rất tốt và cũng giúp cho việc đánh giá, nhìn nhận về công tác đề bạt, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ được tốt hơn. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, là “then chốt của then chốt” nên tôi mong rằng, việc lấy ý kiến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành việc làm hết sức bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để làm xấu hình ảnh hoặc làm ảnh hưởng đến danh dự của các đồng chí lãnh đạo, mà chúng ta phải trên tinh thần dân chủ, khách quan để tìm ra được những cán bộ có tâm, có tầm phục vụ đất nước”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Từ chức được coi là một hành động có trách nhiệm

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng phân tích: Việc sắp tới Quốc hội thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) chắc chắn sẽ là một bước tiến mới để chúng ta cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, giúp đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm trong công việc của các Đại biểu Quốc hội, tăng cường sự độc lập và tính chuyên nghiệp của các cơ quan nhà nước, đồng thời thể hiện quan điểm đặt lợi ích của người dân và đất nước lên hàng đầu.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội trong vai trò làm gương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, quy định về lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ, cho việc từ chức có vai trò quan trọng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Khi dư luận xã hội còn chưa thôi thắc mắc về những lý do của việc từ chức, cũng như quán tính truyền thống luôn xem việc từ chức như một điều gì đó không đúng, chưa phải, dẫn đến việc từ chức trở thành gánh nặng của tất cả các bên liên quan, thì việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Điều đó giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cũng như làm cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ, công chức, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc từ chức được coi là một hành động có trách nhiệm, chỉ làm khi người đó không còn có khả năng hoặc không đủ năng lực để tiếp tục trong vị trí của mình và có thể gây tổn thất cho tổ chức hoặc xã hội. Văn hóa từ chức được coi là một phần quan trọng trong nền văn hóa chính trị của một quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ các giá trị của tổ chức hoặc xã hội. Như vậy, giờ đây, thay vì một hành động mang tính cá nhân, chịu sự đánh giá khắt khe và khác nhau từ xã hội hoặc thậm chí từ chính thành viên trong gia đình, khiến cho việc từ chức trở nên khó khăn thì chúng ta cần hình thành nên một văn hóa từ chức để hành động này trở thành một hành động, phẩm chất của cán bộ trong nền hành chính công hiện đại.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lay-phieu-tin-nhiem-se-giup-can-bo-tu-soi-tu-sua-gop-phan-tang-cuong-niem-tin-cua-nhan-dan-post249903.html