Lấy yếu tố con người làm động lực phát triển

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới. Cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn đang tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm... nhằm góp thêm ý kiến xây dựng dự án Luật quan trọng này, trong đó có Hội Luật gia thành phố Hà Nội.

Tại hội thảo góp ý xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Hội Luật gia Hà Nội đã tổ chức đầu tháng 4 mới đây, trao đổi với phóng viên, luật gia Nguyễn Bá Hội, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Viện nghiên cứu đào tạo, quản lý nhìn nhận, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này so với Luật Thủ đô năm 2012 có nhiều tiến bộ, đề cập đến rất nhiều vấn đề một cách toàn diện hơn và chi tiết hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hội cũng nhìn nhận: Nói là dự thảo Luật đã đề cập đến nhiều vấn đề một cách toàn diện, nhưng trong các điều luật nói chung lại đang đề cập đến mục tiêu và định hướng nhiều hơn là những quy định cụ thể. “Tôi mong muốn trong Luật lần này tất cả các cái điều mà mang tính định hướng sẽ được cụ thể, chi tiết hơn, các thuật ngữ mang tính định tính, không định lượng được thì có thể giảm bớt đi, để đảm bảo cho tính khả thi của Luật”, ông Hội nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Hội cũng cho rằng, nên chọn những vấn đề cốt lõi đưa vào luật để làm động lực phát triển Thủ đô thì tốt hơn. Theo ông, muốn xây dựng được Thủ đô văn minh lịch sự, xứng tầm với thế giới thì trước hết phải chú trọng vào công tác giáo dục và đào tạo. Vì chỉ có con người khi đạt được trình độ văn minh, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay thì mới xây dựng được Thủ đô tốt và đáp ứng được cái nhu cầu, mong muốn đặt ra.

Đồng thời, luật gia Nguyễn Bá Hội cũng nhìn nhận, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cố gắng xây dựng được cơ chế, chính sách cho khoa học và công nghệ phát triển, vì khoa học công nghệ phát triển là động lực để Thủ đô phát triển. “Chúng ta đang tập trung vào khoa học ứng dụng, đó chỉ là một hướng. Có lẽ Luật lần này cũng nên đề cập đến việc Thủ đô phải tạo động lực đầu tàu trong cả nước về nghiên cứu khoa học cơ bản. Liệu Hà Nội có đảm đương được việc này hay không, hay phải dựa vào Nhà nước là những vấn đề đặt ra”, theo ông Hội.

Hà Nội lấy yếu tố con người là trung tâm của sự phát triển.

Bày tỏ vinh dự là một công dân Thủ đô được tham gia góp ý xây dựng Luật Thủ đô lần này, luật gia Nguyễn Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Hoàng Mai đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô lần này đã kế thừa và phát huy được Pháp lệnh Thủ đô cũng như Luật Thủ đô năm 2012, đã cụ thể hóa được rất nhiều những điểm chung ở trong Luật Thủ đô năm 2012.

“Ở góc độ cá nhân, tôi rất tâm đắc với vấn đề phát triển văn hóa được quy định trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, tôi có một cái góp ý nhỏ là nên làm rõ những khái niệm, tính định tính trong luật, vì Luật cần phải cụ thể hóa và rõ ràng. Tôi ủng hộ quan điểm phát triển văn hóa và cho rằng, khi các địa phương được tạo điều kiện cho phát triển văn hóa, từ đó thúc đẩy thương mại cũng như kinh tế của địa phương phát triển, thì phải có cái sự đóng góp trở lại”, bà Thư góp ý.

Luật gia Nguyễn Vinh Tùng, hội viên Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho hay, đọc dự thảo Luật sửa đổi lần này ông nhận thấy có những tiến bộ so với Luật Thủ đô năm 2012 và dự thảo Luật năm 2023, cả về cấu trúc cũng như đề cập đầy đủ các mặt, lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, trong dự thảo Luật Thủ đô còn chưa được rõ về yếu tố con người là chủ thể và yếu tố linh hồn, biểu tượng của Hà Nội. Vì vậy cần gắn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, với chiến lược con người, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa để Luật Thủ đô có sức sống mạnh hơn. Đồng thời, dự thảo Luật cần nâng cao chất lượng với cách đặt vấn đề mới và những chương, điều mới có tính cụ thể, căn cứ vào thực tế của của Thủ đô để có những biện pháp đồng bộ và quy định vượt trội hơn.

Nhiều ý kiến nhận xét, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã quy định một số thẩm quyền đặc thù cho Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố thuộc thành phố Hà Nội, đảm bảo quyền chủ động, linh hoạt cho HĐND, UBND; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo quản trị đô thị mới có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt.

Góp ý nội dung này, Chi hội Luật gia phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho rằng, theo Điều 11 và Điều 12 dự thảo Luật Thủ đô thì tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của quận, thị xã và thành phố thuộc Thành phố hoàn toàn như nhau. Tuy nhiên có một vài vấn đề cần được làm rõ như: Thành phố thuộc Thành phố, thị xã và quận có phải cùng cấp chính quyền là cấp quận không, nếu cùng là cấp quận thì ý nghĩa của việc lập thành phố thuộc Thành phố như thế nào, nếu không phải thì chính quyền thành phố thuộc Thành phố có là một cấp không? HĐND và UBND thành phố thuộc Thành phố có quyền hạn, nhiệm vụ gì khác với HĐND và UBND cấp quận, thị xã không...

Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, dự thảo Luật quy định “Thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND Thành phố” (theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tế hiện nay, số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đang là 95 đại biểu).

Theo Chi hội Luật gia phường Giảng Võ, con số này so với bình quân cả nước còn khá thấp. Hiện tại dân số Thủ đô đang tiếp tục gia tăng từ cả 2 nguồn là gia tăng tự nhiên và gia tăng cơ học, dự báo dân số Hà Nội cao hơn so với quy hoạch đã định (quy hoạch điều chỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu người và đến năm 2050 khoảng 14 triệu người). Như vậy, tỷ lệ giữa số lượng đại biểu HĐND so với dân số Thủ đô đang mất sự cân đối, để đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý địa phương thì cần phải xem xét và điều chỉnh số lượng đại biểu HĐND phù hợp với thực tế của Thành phố.

Với những quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, các luật gia cũng cho rằng, chắc chắn sau khi Luật có hiệu lực thi hành, chính quyền các quận, huyện và chính quyền thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội cũng như các xã, phường, thị trấn sẽ được tăng thêm các thẩm quyền và thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Luật gia Lê Trung Đức, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho hay, chúng tôi nhất trí và chỉ tham gia bổ sung thêm và làm rõ thêm về tổ chức chính quyền tại Thủ đô. Cụ thể, tại Chương 2 về tổ chức chính quyền đô thị, cần quy định phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã ban hành. Tại Chương 3 về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, cần quy định rõ từng mục, chia ra làm 4 mục, sắp xếp, bố trí từ điều 17 đến điều 33 vào 4 mục này, gồm: Mục 1 - Xây dựng Thủ đô; Mục 2 - Phát triển Thủ đô; Mục 3 - Quản lý Thủ đô; Mục 4 - Bảo vệ Thủ đô.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lay-yeu-to-con-nguoi-lam-dong-luc-phat-trien-169609.html