Lazada 'bán mình' cho Tập đoàn Alibaba, ai được hưởng lợi?

'Bán mình' cho Tập đoàn Alibaba với khoảng 1 tỷ USD, Lazada VN kỳ vọng: Biến Thương mại điện tử trở thành một phần đời sống hàng ngày của người VN.

Lazada nói gì về việc “bán mình” cho Tập đoàn Alibaba?

Mới đây, Tập đoàn Alibaba và Tập đoàn Lazada đã thông báo về việc Alibaba ký kết thỏa thuận đầu tư sở hữu cổ phần kiểm soát vào Lazada, trang thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Giao dịch bao gồm khoản đầu tư 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua lại cổ phần của một số cổ đông của Lazada, tổng giá trị đầu tư của Alibaba là khoảng 1 tỷ USD.

Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp những nhãn hàng và nhà phân phối trên toàn thế giới đang kinh doanh trên nền tảng của Alibaba, cũng như những nhà bán hàng địa phương, có thể tiếp cận được thị trường tiêu dùng Đông Nam Á.

Trang thương mại điện tử Lazada hiện vận hành tại Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tổng dân số của sáu quốc gia này vào khoảng 560 triệu người, cùng với khoảng 200 triệu người sử dụng Internet, theo Internet Live Stats. Hiện chỉ có 3% doanh thu bán lẻ của khu vực đến từ thương mại điện tử, Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ mang đến tiềm năng tăng trưởng vượt bậc khi tỉ lệ thâm nhập của internet tiếp tục tăng.

“Toàn cầu hóa là một chiến lược quan trọng của tập đoàn Alibaba ở thời điểm hiện tại và trong tương lai”, ông Michael Evans, chủ tịch Alibaba cho biết.

“Cùng với việc đầu tư vào Lazada, Alibaba sẽ tiếp cận được sàn thương mại điện tử có đông đảo người tiêu dùng bên ngoài thị trường Trung Quốc, đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm cùng với nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai tại một trong thị trường tiềm năng bậc nhất của thương mại điện tử toàn cầu. Việc đầu tư này rất phù hợp với chiến lược của chúng tôi là kết nối các thương hiệu, nhà phân phối với người tiêu dùng ở bất cứ nơi đâu, đồng thời thúc đẩy sự mở rộng của hệ sinh thái của chúng tôi trong khu vực Đông Nam Á nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn” - Maximilian Bittner, CEO của Lazada cho biết thêm.

Cũng theo vị CEO này, Đông Nam Á là thị trường tiêu dùng hấp dẫn, dẫn dắt bởi xu hướng sử dụng di động, rất phân tán và đa đạng với những rảo cản lớn để thâm nhập, cùng với ngành bán lẻ hiện đại còn non trẻ và giàu tiềm năng phát triển.

Trong thương vụ này, Alibaba đã tiến hành thỏa thuận với một số cổ đông nhất định của Lazada, cho phép Alibaba quyền được mua, và các cổ đông quyền được bán cổ phần còn lại của họ ở Lazada với mức giá thị trường trong 12 đến 18 tháng sau khi giao dịch hoàn thành.

Trang TMĐT Lazada hiện vận hành tại Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trang TMĐT Lazada hiện vận hành tại Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Được thành lập năm 2012, Lazada là cổng thương mại điện tử dành cho các nhà phân phối, thương hiệu nội địa và quốc tế tại sáu thị trường khác nhau tại Đông Nam Á: Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Với sự hiện diện trong toàn khu vực cùng với các năng lực đã được địa phương hóa tại từng nước ví dụ như chuỗi cung ứng, giao vận và thanh toán, Lazada đã phát triển một giải pháp tối ưu cho các nhà phân phối và thương hiệu quốc tế muốn gia nhập vào thị trường đầy tiềm năng này.

Với động thái “bán mình” cho Alibaba, Lazada kỳ vọng: Biến thương mại điện tử trở thành một phần đời sống hàng ngày của người Việt Nam và người tiêu dùng Việt sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Ở Việt Nam, thương mại điện tử được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 30% mỗi năm từ 2016 đến 2020, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM). Lazada Việt Nam rất lạc quan về viễn cảnh thị trường và đang tập trung củng cố hệ sinh thái thương mại điện tử của mình bao gồm các nhà bán hàng và thương hiệu để mang đến sự lựa chọn phong phú và trải nghiệm mua sắm tuyệt vời nhất cho người tiêu dùng.

“Sự hợp tác này phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi về việc biến thương mại điện tử trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam. Với kinh nghiệm về thương mại điện tử của Alibaba, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhà bán hàng tốt hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ trong nước, để đáp ứng sự mong đợi ngày càng cao của khách hàng và giúp họ phát triển kinh doanh,” Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết.

“Chúng tôi còn rất nhiều việc cần phải làm và rất hào hứng khi có cơ hội học hỏi thêm từ công ty dẫn đâùvề thương mại điện tử toàn cầu để phục vụ người tiêu dùng và các đối tác tại Việt Nam tốt hơn” - ông Dardy chia sẻ.

Người tiêu dùng hưởng lợi, dân buôn hàng Trung Quốc sẽ "chết"

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC) cho biết: Ông không ngạc nhiên về việc Lazada “bán mình” bởi Lazada là con của Rocket Internet, mà tập đoàn này nổi tiếng đầu tư để bán, “build to sell” nên việc bán đi sẽ không có gì là lạ.

“Thương vụ này có thể nói là “thiên thời địa lợi” cho cả 2 bên. Rocket Internet luôn tìm cách bán, lại gặp đúng mục tiêu, chiến lược của Alibaba mở rộng thị trường trong thời điểm này.

Toàn cầu hóa là một chiến lược quan trọng của Alibaba ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Đối với Lazada, tại thị trường Việt Nam, mục tiêu của họ không phải vì lợi nhuận mà kinh doanh nhằm phát triển thị trường sau đó bán lại. Alibaba mua lại cũng nhằm mục đích tương tự, bỏ tiền ra đầu tư vào Lazada để phát triển kênh, chứ không phục vụ cho mục đích lợi nhuận” – ông Tú nói.

Vì vậy, ông Tú cho rằng: Rocket Internet rút khỏi Việt Nam theo chiến lược, không phải rút kiểu lụi bại. Rakuten đầu tư ở thị trường Đông Nam Á cũng vừa rút một loạt, nên việc rút không phải bài toán kinh doanh mà là bài toán đầu tư.

Theo ông Tú, thương mại điện tử ở Việt Nam có ưu điểm là về mặt công nghệ, tiếp cận cái mới nhanh, đi tắt được, nhưng nhược điểm là văn hóa tiêu dùng, độ chín thị trường, giao vận còn nhiều bất cập và khó khăn.

Mặc dù vậy, ông Tú vẫn tự tin khi cho rằng: Thương mại điện tử vẫn là kênh màu mỡ, ở dạng tiềm năng và nhiều công ty/doanh nghiệp vẫn đang tận dụng rất tốt kênh thương mại điện tử.

Bình luận xung quanh thương vụ này, ông Phạm Hùng Thắng - Chuyên gia truyền thông & marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy, sáng lập công ty Vitot Seafood cho rằng: Trước đó, Rocket Internet đã dường như không thành công như kỳ vọng với Easy Taxi, Food Panda, Zalora ở khái niệm “Built to sell” lẫn “Built to last” nhưng với việc bán Lazada với mức giá trên 1 tỷ USD này, phải chăng đây có thể coi là 1/5 (Rocket Internet còn dự án khác tại Việt Nam là Carmudi) dự án đầu tư thành công như mong đợi tại Việt Nam của Rocket Internet?!

Bởi nếu Rocket Internet sử dụng Lazada để “Built to sale” thì có thể nói rằng họ đã thành công. Còn nếu đơn vị nào mua Lazada về để “Built to last” thì chúng ta sẽ còn nhiều điều để học hỏi, chiêm nghiệm cũng như càng làm rõ được việc: "Kinh doanh không chỉ là thương hiệu lớn và truyền thông giỏi là được".

Cũng theo ông Thắng, với việc Alibaba mua lại Lazada, bài toán cục diện Thương mại điện tử (TMĐT) về thực tế là dễ hiểu hơn, nhưng bản chất lại là phức tạp hơn.

Vì “nếu Alibaba mua thành công Lazada và với mục tiêu “Built to last” kèm thêm năng lực cốt lõi, cùng tiềm lực kinh tế với những kinh nghiệm khủng khiếp đưa Alibaba dẫn đầu thế giới thì cục diện TMĐT ở Việt Nam sẽ thế nào?” – ông Thắng đặt dấu chấm hỏi.

Các hệ thống TMDT ở Việt Nam nổi bật trong thời gian hiện nay như Vatgia, Chodientu, Sendo, Adayroi liệu có ảnh hưởng gì không? Và nếu có ảnh hưởng thì có đủ sức để chống lại một tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới như Alibaba hay không?

Theo ông Thắng, đây là một câu hỏi quá khó có lời giải, hoặc lời giải là một kết cục rất đáng buồn nếu năng lực cạnh tranh lẫn tiềm lực kinh tế của chúng ta kém hơn.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia: Ailbaba mua lại Lazada sẽ tạo nên một đại siêu thị online về các sản phẩm cạnh tranh với Amazon.

"Trong cuộc chiến này, có thể nói, các đơn vị thương mại điện tử chuyên nhập hàng Trung Quốc rồi bán tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và có thể đóng cửa hàng loạt" - ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam, Founder www.hitrip.vnnhận xét.

Theo ông Tuấn Anh, về lâu dài, điều này tốt cho thị trường Việt Nam. Bởi chúng ta không thể cạnh tranh với đại siêu thị Alibalba sản xuất tận gốc và bán tận ngọn được, do đó, đã tới lúc các doanh nghiệp Việt sẽ buộc phải nghĩ tới việc bán các sản phẩm thuần Việt và gia tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi cung ứng hàng Việt Nam của chúng ta.

>>> Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam toàn ưu ái 'miếng ngon' cho người nhà?

Dương Phương Ngọc

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tap-doan-alibaba-mua-lai-lazada-ai-duoc-huong-loi-d87025.html