LĐLĐ thành phố Hà Nội đề xuất 5 giải pháp để phát triển đoàn viên Công đoàn

Tham gia thảo luận tại diễn đàn 'Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở' do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức chiều 30/11, đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã đề xuất 5 giải pháp để phát triển đoàn viên Công đoàn.

Theo đồng chí Nguyễn Chính Hữu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều thời cơ cũng như thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Cụ thể, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet, truyền thông di động, cán bộ Công đoàn có điều kiện kết nối và tương tác với đoàn viên và người lao động nhiều hơn; kịp thời nắm bắt thông tin về những vấn đề người lao động khó khăn, bức xúc và cả những mong muốn, nhu cầu của họ.

Mặt khác, các nội dung Công đoàn cần tuyên truyền, phổ biến và triển khai để người lao động thực hiện như chủ trương đường lối của Đảng, chế độ chính sách, pháp luật lao động của Nhà nước, quy chế nội quy, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các phong trào hoạt động của Công đoàn cũng diễn ra rất kịp thời và sâu rộng. Từ đó, giúp Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích cho đoàn viên và người lao động.

Đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội tham gia thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Mai Quý

Tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với người lao động, tác động đến việc làm, thu nhập và các lợi ích kinh tế khác của người lao động. Từ đó, đòi hỏi tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn phải có những thay đổi để đáp ứng với tình hình mới.

Từ việc đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với tổ chức Công đoàn, thay mặt LĐLĐ thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Chính Hữu đã đề xuất các giải pháp trong việc vận động, tập hợp người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Thứ nhất, tổ chức Công đoàn cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, cũng như việc phải thích ứng nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ thông tin. Hiểu đủ, hiểu đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ sở để thúc đẩy những thay đổi về hành động góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn.

Thứ hai, đổi mới phương thức kết nạp, phát triển đi đôi quản lý đoàn viên, tập trung thành lập Công đoàn cơ sở, chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng chủ động, thân thiện với đoàn viên, đơn giản về thủ tục, ấn tượng về sự quan tâm và chăm lo của tổ chức Công đoàn ngay từ đầu.

Đổi mới sinh hoạt Công đoàn đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt Công đoàn. Đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn, thành lập Công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi có nguyện vọng gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn hoạt động đối với các Công đoàn cơ sở khó khăn, các Công đoàn cơ sở mới thành lập.

Thứ ba, đổi mới mô hình tổ chức để thích ứng với các phương thức tập hợp mới, tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động để thu hút, tập hợp đoàn viên; tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi này, mang lại ngày càng nhiều hơn các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, đảm bảo chu đáo, kịp thời, hiệu quả, tạo niềm tin để người lao động tham gia và gắn bó với tổ chức Công đoàn.

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Mai Quý

Thứ tư, nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách, quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn, giảng viên kiêm chức làm nòng cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng là vấn đề hết sức quan trọng, có vai trò nâng cao năng lực và trình độ cho cán bộ Công đoàn; xây dựng quy định về chế độ riêng của Công đoàn để phục vụ công tác đào tạo.

Bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở đây được thể hiện ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động. Để có được những Chủ tịch Công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phải được coi như một giải pháp cấp thiết, tiên quyết, làm sâu sự tương tác với nhau.

Thứ năm, tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ quan tâm công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, để thích ứng kịp thời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng, tạo động lực và môi trường để người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, sẵn sàng chuyển đổi nghề nghiệp.

Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai hiệu quả các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; phong trào “Tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề”, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho người lao động... để người lao động có đủ trình độ tay nghề vượt qua thách thức đạt cơ hội, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ldld-thanh-pho-ha-noi-de-xuat-5-giai-phap-de-phat-trien-doan-vien-cong-doan-163376.html