LDP liệu có 'đắt hàng'?

Mới đây, Cổ đông Nhà nước SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 2,49 triệu cổ phiếu, tương đương 32% vốn nắm giữ tại Dược Lâm Đồng - công ty do đại gia Nguyễn Kim nắm giữ cổ phần chi phối.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về đợt bán đấu giá cả lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty CP Dược Lâm Đồng - Ladophar.

Giá khởi điểm cao hơn 21% so với thị giá

Theo đó, SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 2,495 triệu cổ phiếu LDR, tương đương gần 32% vốn nắm giữ tại doanh nghiệp sản xuất dược này.

Giá khởi điểm cổ đông Nhà nước đưa ra là 28.100 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu bán thành công số vốn nói trên, SCIC sẽ thu về khoảng 70 tỷ đồng.

Dược Lâm Đồng chính là công ty do đại gia điện máy Nguyễn Kim sở hữu hơn 51% vốn.

Dược Lâm Đồng chính là công ty do đại gia điện máy Nguyễn Kim sở hữu hơn 51% vốn.

Theo quy chế bán đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài không được mua cổ phần đợt đấu giá. Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ ngày 16/9 đến 9/10 và phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 10/10 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Đáng chú ý, trên thị trường, cổ phiếu LDP đang giao dịch quanh mức 23.200 đồng/cổ phiếu. Giá khởi điểm đấu giá trọn lô cao hơn 21% so với thị giá hiện nay của cổ phiếu LDP.

Tuy nhiên, hiện tại cổ phiếu LDP đang bị HNX đưa vào diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2018 báo số âm. Điều này khiến thanh khoản giao dịch trên sàn của LDP rất nhỏ, trung bình mỗi phiên có khoảng 200 cổ phiếu được khớp lệnh.

Đây cũng không phải lần đầu tiên SCIC mang số cổ phần trên ra đấu giá. Trước đó, tháng 12/2018, SCIC từng mang lô cổ phần này đấu giá cạnh tranh với giá khởi điểm 42.600 đồng/cổ phiếu nhưng thất bại.

Như vậy, sau hơn 9 tháng, SCIC đã phải hạ giá lô cổ phần nắm giữ tại Dược Lâm Đồng xuống 34%.

Dược Lâm Đồng có gì hấp dẫn?

Ladophar tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Dược Lâm Đồng được hình thành từ năm 1982 dựa trên sự sáp nhập hai Công ty Dược liệu và Dược phẩm. Công ty được cổ phần hóa năm 1999 và niêm yết trên thị trường chứng khoán từ 2010. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc và dược liệu.

Năm 2018, công ty bất ngờ thua lỗ do là năm đầu tiên triển khai chiến lược phát triển công ty 5 năm. Ladophar đang dần chuyển dịch hoạt động sang mảng sản xuất và phân phối thành phẩm nhằm tận dụng lợi thế về vùng trồng nguyên liệu và dây chuyền sản xuất được đầu tư từ những năm trước, tuy nhiên doanh số bán thành phẩm chưa đạt kỳ vọng do cạnh tranh cao. Ngoài ra, một số chi phí tăng để đầu tư thương hiệu, marketing, nhân sự, lãi vay để phục vụ sản xuất kinh doanh. Tính đến 30/6, công ty đang lỗ lũy kế 14,4 tỷ đồng.

Doanh thu bán hàng năm 2018 sụt giảm 18%, hàng loạt chi phí cùng giá vốn tăng cao khiến Dược Lâm Đồng lỗ trước thuế gần 20 tỷ đồng, trong khi năm trước đó vẫn lãi hơn 16 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm qua, Dược Lâm Đồng ghi nhận 181 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 14%. Nhờ cắt giảm được giá vốn nên lãi gộp công ty thu về tăng 21%, đạt 34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chi phí trong kỳ tăng, đặc biệt là chi phí bán hàng tăng 45% khiến công ty ghi nhận thêm khoản lỗ trước thuế gần 7 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo, chi phí tăng chủ yếu nằm ở đầu tư cho nhân sự, marketing, và điều chỉnh một số chi phí phân bổ trong 12 tháng sang 6 tháng đầu năm.

Với kết quả kinh doanh đi xuống thời gian vừa qua, điểm hấp dẫn của Ladophar nằm ở những lô đất mà công ty đang quản lý sử dụng. Trong danh sách liệt kê, có 18 lô đất là đất làm những nhà thuốc bán lẻ, văn phòng, khi dự trữ, nhà máy sản xuất dược… với nhiều lô đất diện tích lớn như lô đất rộng hơn 8.100m2 tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, là đất thuê đến năm 2036 làm văn phòng, kho dự trữ, nhà xưởng sản xuất thuốc, hay lô đất rộng hơn 1.385m2 tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng – là đất cơ sở sản xuất kinh doanh do nhà nước cho thuê đến tháng 12/2025, lô đất rộng hơn 942m2 tại thị trấn Di Linh, Lâm Đồng, là đất Nhà nước cho thuê đến năm 2046, lô đất tại Thành phố Bảo Lộc, lâm Đồng rộng 2.525m2 là đất nhà nước cho thuê đến năm 2055…

Ngoài ra công ty còn nhiều bất động sản đầu tư, như lô đất rộng hơn 11.800m2 tại Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, là đất trồng cây lâu năm, được giao đất sử dụng đến năm 2043 để triển khai kỹ thuật nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP...

Tính đến 26/2, CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim là cổ đông lớn nhất sở hữu 33,72% vốn, tiếp đến là SCIC với 31,88% và bà Nguyễn Thị Ánh Mai nắm 12,44%. Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã hoàn tất mua vào hơn 1,26 triệu cổ phiếu LDP, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu tại đây lên hơn 4 triệu đơn vị, chiếm hơn 51% vốn điều lệ nắm cổ phần chi phối sau chiến dịch chào mua công khai giai đoạn cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua.

Đầu tư Nguyễn Kim có vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, và do đại gia Nguyễn Kim là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Kim còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Thương Mại Nguyễn Kim, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim nổi tiếng tại thị trường phía Nam.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ldp-lieu-co-dat-hang-157960.html