Lê Anh Vũ - Người đam mê với điêu khắc gốm

Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ, sinh năm 1984, tại Giang Cao, xã Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội). Hiện anh đang là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (MTCN) và đã có nhiều năm làm gốm tại gia đình.

Đam mê từ thủa ấu thơ

Lê Anh Vũ sinh ra, lớn lên trong một gia đình vốn có truyền thống ba đời làm nghề gốm và ngay còn nhỏ, anh đã bộc lộ niềm yêu thích đối với gốm. Ngoài thời gian đi học ở trường, mỗi khi về tới nhà, anh Vũ lại dành thời gian đi đến những cánh đồng gần nhà để quan sát những con vật như trâu, bò và cả những con vật xem trên phim hoạt hình; sau đó, anh tự mày mò nặn đất, tạo hình khối. Trong quá trình làm gốm, anh thường xuyên nhận được sự chỉ bảo, giúp đỡ của cha mình để hoàn thành sản phẩm.

Càng đắm mình trong gốm, Lê Anh Vũ càng đam mê, anh chia sẻ: “Sau những lần tự mày mò làm sản phẩm thành công, tôi rất thích thú được tiếp tục làm thêm nhiều món đồ hơn nữa, thậm chí khi đi ngủ, trong giấc mơ những khao khát đó cũng xuất hiện. Nên sau này, mỗi ngày tôi đều mong tới giờ đi học về để được bắt tay vào làm gốm, thực hiện những ý tưởng của mình”.

Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ.

Nhà điêu khắc Lê Anh Vũ.

Đối với Lê Anh Vũ, con người khi sinh ra đã có khả năng thiên bẩm về thưởng thức nghệ thuật. Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng là nơi sản sinh ra cảm hứng cho cuộc sống, giúp cho con người giải tỏa mọi áp lực, cân bằng trạng thái, kích thích sự tìm tòi và khả năng sáng tạo. Nghệ thuật là nơi cất giữ, lưu trữ nền văn minh của nhân loại.

Tiếp bước theo con đường của cha, Lê Anh Vũ thi đỗ vào Trường Đại học MTCN và tốt nghiệp năm 2007. Sau đó, anh tiếp tục tốt nghiệp cao học chuyên ngành điêu khắc giai đoạn 2008-2011.

Đặc thù của nghề gốm nói chung và nhà điêu khắc nói riêng là những người đưa các chất liệu thô từ đất sét, sắt, đồng… làm toát lên cái đẹp nghệ thuật. Người nghệ sĩ vừa phải suy nghĩ sáng tạo vừa phải trở thành người thợ thủ công lành nghề trong quá trình thực hiện tác phẩm, với sự đòi hỏi cao về độ tỉ mỉ và sức bền.

Theo Lê Anh Vũ, những khó khăn của ngành điêu khắc nhiều năm trở lại đây là sân chơi và độ phổ biến đang bị hạn chế rất nhiều so với các ngành nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc. Chính vì vậy, điêu khắc rất ít không gian để thể hiện, nên khán giả cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt ý tưởng tác phẩm.

Vì những khó khăn đó nên sau khi tốt nghiệp, anh Vũ đã có ý nghĩ muốn bỏ nghề, rẽ sang hướng khác. Nhưng với niềm đam mê lớn từ thủa ấu thơ, nên tình yêu gốm trong anh lại trỗi dậy. Năm 2010, dưới ảnh hưởng từ các cuộc triển lãm nghệ thuật mà anh thường đi tham quan học hỏi, nhất là sự bùng nổ của internet đã mang lại lượng kiến thức khổng lồ về những câu chuyện nghệ thuật, Lê Anh Vũ đã có cái nhìn mới, chuyên sâu hơn về nghệ thuật và chuyển đổi phong cách từ trường phái tối giản sang trừu tượng.

Năm 2016, anh trở về với xưởng gốm của gia đình, đổi lại tên cửa hàng là gốm Vũ Tâm, chính thức gắn bó với nghề điêu khắc và chế tạo dòng sản phẩm chủ đạo là gốm men lam, làm theo truyền thống của nhà Nguyễn.

Cửa hàng là gốm Vũ Tâm của gia đình nhà điêu khắc Lê Anh Vũ.

“Đối với các sáng tác, tôi luôn tìm cảm hứng từ những hình ảnh bình dị mang tính hoài niệm về cuộc sống của người Việt. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bề dày truyền thống về nghề gốm, nên khi sáng tác tạo hình tác phẩm, tôi luôn sử dụng chất liệu gốm với tính chất mộc mạc bình dị lại huyền bí, bởi theo tôi nó đưa tới cho người xem nhiều xúc cảm gần gũi thân thiện, nhưng cũng đầy chiều sâu và sự tinh tế”, Lê Anh Vũ chia sẻ.

Tới nay, điểm mạnh trong sáng tạo nghệ thuật của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ là vẻ đẹp của sự sống, mạch kết tinh sinh sôi trong tự nhiên, cùng với cách thức tổ chức hình khối, không gian bao quanh, kèm theo ý niệm trong suy nghĩ, chính là những yếu tố xây dựng nên các sáng tác của anh.

Không gian nghệ thuật gần gũi

Xưởng gốm của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ nằm trong con ngõ nhỏ với không gian rộng khoảng 500m2 với quy trình sản xuất khép kín, từ đầu vào là các bước thủ công tạo hình tới đầu ra của thành phẩm hoàn chỉnh. Dọc lối vào xưởng là khu vẽ của các nữ công nhân đang miệt mài trang trí sản phẩm, đi sâu vào khu chế tác là các sản phẩm đợi tráng men, bên cạnh khu lò nung là các sản phẩm đang được chồng lò.

Tại xưởng, anh Vũ trực tiếp đào tạo nhiều công nhân thành thục những kỹ năng sản xuất tốt nhất. Là người chủ, kiêm người thầy dạy nghề, nhưng cách anh Vũ trò chuyện với nhân công trong xưởng thật thân tình, gần gũi như những người bạn lâu năm. Tính tới nay anh Vũ đã đào tạo nghề cho khoảng 50 nhân công có tay nghề cao.

Anh Vũ giám sát và chỉ dẫn quá trình sản xuất gốm tại xưởng.

Nhận xét về nhà điêu khắc Lê Anh Vũ, PGS, TS, NGƯT Nguyễn Xuân Nghị, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học MTCN cho biết: “Lê Anh Vũ là một giảng viên trẻ của ngành điêu khắc. Anh có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực điêu khắc nói chung và lĩnh vực điêu khắc gốm nói riêng. Vũ là người con trong một gia đình có nghề gốm của làng gốm cổ Bát Tràng, nên ngay từ những năm tháng khi là sinh viên và hiện nay đang là giảng viên, Vũ luôn đưa những giá trị văn hóa truyền thống lồng ghép tư duy hiện đại vào bài học, bài giảng. Điều này tạo nên một phong cách riêng của Lê Anh Vũ. Nhiều sinh viên được Lê Anh Vũ đào tạo hướng dẫn ra trường hoạt động đều đạt hiệu quả cao. Trong sáng tạo nghệ thuật, với cái nhìn đơn giản, khúc chiết, triết lý trong tạo hình, Lê Anh Vũ đã có nhiều tác phẩm được chọn tham gia các cuộc triển lãm lớn trong nước và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng có giá trị”.

Trên tầng 2 cửa hàng gốm Vũ Tâm, anh Vũ mở một phòng trưng bày mang tên “Bat Trang Ceramic Art Space”, trưng bày các tác phẩm gốm của anh và cha mình cùng nhiều nghệ sĩ điêu khắc khác. Bên cạnh không gian lớn, phía trong phòng trưng bày nhỏ là nơi cất giữ những tác phẩm của người cha quá cố là nghệ sĩ điêu khắc Lê Quang Chiến. Đặc biệt, trong phòng có treo một chiếc khung lớn lồng ghép những tranh, ảnh cha anh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng những dòng chữ về thành công của ông trong lĩnh vực gốm được cố Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương chấp bút.

Phòng trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Lê Quang Chiến, người cha quá cố của nghệ sĩ Lê Anh Vũ.

Nói về câu chuyện làm gốm, ánh mắt anh Vũ sáng lên tình yêu nghề và chia sẻ trong tương lai sẽ quyết tâm gắn bó với gốm, mong muốn tạo ra cho xã hội nhiều sản phẩm gốm, điêu khắc tốt nhất theo từng ngày để phục vụ đời sống con người đương đại.

Tính tới nay các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ được tham gia trưng bày tại hơn 20 triển lãm trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, anh còn vinh dự đoạt nhiều giải thưởng, như: Giải B “Triển lãm mỹ thuật khu vực I Hà Nội” năm 2018; giải C “Triển lãm mỹ thuật khu vực 1 Hà Nội” năm 2015; giải tặng thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - “Triển lãm mỹ thuật khu vực I Hà Nội” năm 2014; giải tặng thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - “Triển lãm mỹ thuật khu vực I Hà Nội” năm 2007…

Thạc sĩ, Giảng viên chính Lưu Việt Thắng, Phụ trách khoa Trang trí Nội, Ngoại thất trường Đại học MTCN nhận xét: “Thầy Lê Anh Vũ là một giảng viên trẻ, mạnh dạn trong sáng tạo đồng thời cũng rất nhiều kinh nghiệm thực tế. Các sinh viên trong ngành luôn coi thầy như người truyền lửa và được sinh viên kính trọng. Ngoài công tác tại trường, thầy còn tham gia rất nhiều hoạt động sáng tác cũng như đóng vai trò tổ chức các hoạt động chuyên môn mang tính cộng đồng”.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/le-anh-vu-nguoi-dam-me-voi-dieu-khac-gom-699650