Lễ duyệt binh mừng Quốc khánh lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc

Lễ duyệt binh hùng tráng mừng Quốc khánh của Trung Quốc hôm nay 1-10 đã thể hiện khả năng toàn diện của quân đội Trung Quốc sau 70 năm trưởng thành và phát triển. Đây cũng là dịp hiếm hoi các nhà quan sát bên ngoài có cái nhìn tổng quan về kho vũ khí hùng hậu của nước này.

 Sáng 1-10, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Sáng 1-10, lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc buổi duyệt binh, diễu hành mừng Quốc khánh.

70 loạt đại bác vang lên giữa rừng cờ hoa đỏ rực tại Quảng trường Thiên An Môn, báo hiệu buổi lễ bắt đầu.

Cuộc duyệt binh mừng Quốc khánh và 70 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc là cuộc duyệt binh lần thứ 15 của Trung Quốc và là sự kiện lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Khoảng 15.000 sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, các lực lượng dự bị và dân quân tham gia cuộc duyệt binh.

Dàn nhạc quân của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã biểu diễn bài hát quốc ca hùng tráng mang tên “Bài ca của những người tình nguyện”

Tổng cộng có 580 vũ khí và thiết bị của 32 đơn vị cho thấy sức mạnh của Trung Quốc trong chiến đấu trên bộ và trên biển, phòng không và tên lửa, hoạt động thông tin, nhiệm vụ không người lái, hỗ trợ hậu cần và tấn công chiến lược.

Ngoài ra, hơn 160 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay cảnh báo và điều khiển sớm, máy bay trực thăng tấn công và các loại máy bay quân sự khác trong 12 đơn vị hiển thị sức mạnh không quân của đất nước.

Đây là lần ra mắt đầu tiên trong duyệt binh mừng Quốc khánh đối với Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA và Lực lượng hỗ trợ hậu cần chung của PLA, được thành lập trong những năm gần đây.

Lần đầu tiên Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc tham gia đội hình duyệt binh mừng Quốc khánh

Lực lượng vũ trang hùng hậu thể hiện khả năng toàn diện của quân đội Trung Quốc từ sau cuộc cải cách vào cuối năm 2015.

Đây là dịp phô trương sức mạnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) - quân đội đông nhất thế giới, với 2 triệu quân nhân và sử dụng mức ngân sách lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 5% lên 250 tỷ USD, gấp 10 lần mức chi của năm 1994, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Mức chi tiêu đó đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, với quân số 1,3 triệu người, dẫn trước với 650 tỷ USD.

PLA đang phát triển các dòng máy bay chiến đấu, tàu sân bay nội địa đầu tiên và các tàu ngầm hạt nhân.

Nổi bật trong số vũ khí tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc được ra mắt lần đầu tiên này là tên lửa hạt nhân Đông Phong 41, máy bay không người lái siêu thanh và robot tàu ngầm.

Chưa có chi tiết nào về tên lửa Đông Phong 41 được công bố, nhưng Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington cho rằng tên lửa này có thể đạt tầm xa lớn nhất thế giới, với 15.000km.

Các nhà phân tích nói rằng Đông Phong 41, với tốc độ bay gấp 25 lần vận tốc âm thanh, có thể vươn tới Mỹ chỉ trong vòng 30 phút với tối đa 10 đầu đạn cho các mục tiêu riêng biệt. Công nghệ này được gọi là MIRV.

Tên lửa chính hiện nay của Trung Quốc là Đông Phong 31 có tầm xa hơn 11.200km, đặt hầu hết các khu vực của Mỹ vào trong tầm bắn của mình.

Trung Quốc có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, trong khi Mỹ có 6.450 và Nga 6.850, theo SIPRI.

Bắc Kinh nói rằng họ muốn “năng lực răn đe hạt nhân tối thiểu”, nhưng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước nếu xung đột nổ ra.

“Nếu các bệ phóng di động dành cho tên lửa hạt nhân được đem ra trong cuộc diễu binh lần này, đó có thể cho thấy Bắc Kinh coi thách thức phải duy trì năng lực răn đe hạt nhân”, ông Harry Boyd thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London nói.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang gia tăng số lượng bệ phóng dành cho Đông Phong 41 và Đông Phong 31 từ con số 18 lên 36.

Con số này cho thấy các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc tin rằng lực lượng hạt nhân tối thiểu của họ "cần được mở rộng".

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng được coi là đang đi đầu trong công nghệ máy bay không người lái.

Khả năng phô trương quyền lực được cho là yêu cầu ngày càng cấp bách đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhằm kiểm soát các tuyến hàng hải và vùng biển vốn được Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và các nước khác tuyên bố chủ quyền.

“Trung Quốc đã phát triển các công nghệ về hạt nhân, vũ trụ, không gian mạng và các lĩnh vực khác, để có thể ngang bằng các đối thủ tiềm tàng của nước này trên toàn cầu,” Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo vào tháng 1 vừa qua.

Kết thúc lễ duyệt binh, 20 máy bay trực thăng bay trên quảng trường tạo thành số “70” khổng lồ, mở ra cuộc diễu hành hoành tráng với gần 60.000 người tham gia.

Hải Yến (Theo THX/AP)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/anh-le-duyet-binh-mung-quoc-khanh-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-cua-trung-quoc/827331.antd