Lễ giỗ và công bố văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Ngày 3/7, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và UBND thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ giỗ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 323 (1700 - 2023) và Lễ công bố nội dung văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Đức lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Dịp này, tại đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bày tỏ lòng biết ơn, ghi nhận công đức của ngài trong việc đặt nền móng cho vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức Trần Hữu Phước cho biết, Lễ giỗ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh hàng năm là dịp để Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử hào hùng của dân tộc; qua đó truyền thừa, tiếp nối tinh thần yêu nước bất diệt, ngọn lửa truyền thống hào hùng dân tộc trong tâm, thức của mỗi người "con rồng, cháu lạc"; trong mỗi công dân thế hệ Hồ Chí Minh; khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tại Lễ giỗ, người dân và các khách mời được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật ngợi ca về vùng đất Nam Bộ của các bậc tiền nhân trong quá trình mở cõi đất phương Nam, vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 300 năm xây dựng và phát triển.

Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tên thật là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1650 tại huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong một gia tộc trâm anh thế phiệt lâu đời có nguồn gốc cùng tổ với chúa Nguyễn. Ông thuộc dòng dõi Đức Nhị Khê Nguyễn Trãi - khai quốc công thần nhà Lê; thân phụ ông là Nguyễn Hữu Dật, là một trong 3 vị đệ nhất công thần của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Ông mất ngày 16/5/1700 (năm Canh Thìn) tại Sầm Khê (Rạch Gầm, nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thọ 51 tuổi. Với những chiến công trong việc xác lập chủ quyền ở Đàng trong và chống giặc ngoại xâm, Chúa Nguyễn Phúc Chu tặng phong Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng doanh, thụy Trung Cần. Năm Gia Long thứ 4 (năm 1805), ông được truy tặng Tuyền lực công thần, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ độ chỉ huy sứ ty, Đô Chỉ huy sứ phủ Đô đốc phủ Chưởng phủ sự Phó tướng chưởng cơ, liệt vào thượng đẳng công thần, thờ phụ vào Thái Miếu. Năm Gia Long thứ 9 (năm 1810), ông được thờ ở miếu Khai quốc công thần.

Đến nay, đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã hoạt động được 7 năm. Công trình được xây dựng trong khuôn viên có diện tích gần 7.500m2, trong đó diện tích đền chính là 631m2. Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá, đồ đồng, đồ gốm…

Các đại biểu thực hiện nghi thức kéo băng giới thiệu Văn bia Đức lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Về quá trình lấy ý kiến thống nhất nội dung văn bia khắc trên bia đá, ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc cho biết, từ năm 2020, sau khi tổng hợp ý kiến từ các Sở, ban, ngành và thống nhất về nội dung và hình thức, Ban quản lý đã in nội dung văn bia và dán bằng decal lên bia đá tại đền thờ. Ông Cao Tự Thanh là tác giả nội dung bài văn bia.

Từ năm 2020 - 2022, Ban quản lý tổ chức lấy ý kiến góp ý trực tiếp tại đền thờ và trang tin điện tử của Ban; đa phần các ý kiến đồng tình. Đến ngày 23/5/2023, nội dung văn bia được khắc lên bia đá tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Nội dung văn bia có đoạn: “... Tướng quân xuất thân tướng môn, trí dũng song toàn, coi quân trị dân đều có công lao chính tích, các triều phong tặng, nhiều đời tưởng nhớ, há chi là loại dũng tướng xung thành hãm trận, chém tướng đoạt cờ bình thường mà thôi đâu”.

Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/le-gio-va-cong-bo-van-bia-duc-le-thanh-hau-nguyen-huu-canh-20230703125347255.htm