Lễ hội Bà Thu Bồn

VH- Ngày 28.3 (tức 12.2 âm lịch), lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn (hội Lệ Bà) long trọng mở hội tại xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam).

Đoàn rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn

Phần lễ vẫn bảo tồn nguyên vẹn giá trị, nghi thức truyền thống đầy màu sắc của làng quê xưa nay với các lễ bài trí, lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế, lễ hoàn sắc cùng những đoàn rước kiệu trong trang phục dân tộc diễu hành qua làng quê thơ mộng.

Từ sáng sớm, thuyền rước nước đi ngược lên thượng nguồn để thực hiện nghi thức rước nước nơi này mang về lăng làm đại lễ tế Bà. Khi thuyền rước nước về đến bến sông, đội hình cờ ngũ hành, lọng, kiệu ngũ hành tiên nương bắt đầu nghi thức tế lễ từ bến sông về đến lăng Bà. Đại lễ xem như kết thúc khi lọng, kiệu, cờ hoa về đến Lăng. Dân làng vào hội đua thuyền truyền thống. Ngoài phần lễ tế chính còn có phần hội với nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn với những những trò chơi dân gian như hô hát bài chòi, hát tuồng, đi cà kheo, kéo co, đua thuyền nam - nữ, bóng chuyền nam - nữ cùng các trò chơi dân gian khác, đêm hội lửa thiêng, thả hoa đăng trên dòng Thu Bồn, hội thi nấu cơm, têm trầu, ẩm thực dân gian.

Hội thi nữ công gia chánh của các chi hội phụ nữ trong vùng là một trong những phần thi tài sôi nổi, thu hút nhiều người xem, cổ vũ và tham gia bình chọn, đánh giá sản phẩm dự thi. Những người bà, người mẹ, các chị, các cô gái xinh tươi, hồn hậu ở vùng đất ven sông Thu Bồn có dịp trổ tài trình diễn cách gói, nấu một số loại bánh đặc sản của địa phương để dự thi và quảng bá, giới thiệu cho du khách đến xem.

Một chương trình khá mới và đặc biệt tại lễ hội Bà Thu Bồn lần này là chương trình Dòng sông di sản với nội dung giới thiệu bài hát, vần thơ về dòng sông Thu Bồn thơ mộng do các nghệ sĩ ở Đà Nẵng cùng phối hợp với các nghệ sĩ Quảng Nam biểu diễn.

Có khá nhiều dị bản về Bà Thu Bồn, có truyền thuyết bà là công chúa vua Mây, có khi bà là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp… Dù là truyền thuyết nào thì hình ảnh về bà cũng là chân dung người phụ nữ đa tài, đức độ, là người mẹ của quê hương, biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.

Lễ hội Bà Thu Bồn mang đậm dấu ấn tiếp biến giữa văn hóa tâm linh truyền thống với văn hóa hiện đại giữa các dân tộc Kinh, Chăm và dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, hỗn dung của tục thờ Mẫu và tục thờ Bà mẹ xứ sở. Đặc biệt, thông qua lễ hội này, chính quyền địa phương mong muốn người dân tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương, trước mắt là hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình nông thôn mới, tạo nên diện mạo làng quê khang trang, hiện đại.

Khánh Chi

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/l%E1%BB%85-h%E1%BB%99i-b224-thu-b%E1%BB%93n