Lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc: Vận động không làm thịt trâu chọi

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) năm 2018 sẽ có một số điểm mới theo chỉ đạo của bộ và thực tế tại địa phương.

Hôm nay 3/3 (tức 16 tháng Giêng) BTC sẽ khai hội chọi trâu Hải Lựu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ban Tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu năm 2018 sẽ mở cửa tự do, không thu vé người dân vào xem.

Tuy nhiên, BTC sẽ đóng cửa sân vận động khi số lượng khán giả đầy, để đảm bảo an toàn cho du khách tham dự lễ hội.

Ngoài ra, BTC sẽ vận động, tuyên truyền chủ trâu không giết mổ trâu chọi để bán như mọi năm.

Lễ hội chọi trâu 2018 có nhiều điểm mới

Lễ hội chọi trâu 2018 có nhiều điểm mới

Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu diễn ra trong 3 ngày 15, 16, 17 tháng Giêng âm lịch, tức vào các ngày 2, 3, 4, tháng 3. Theo đó, ngày 15 tháng giêng, Ban tổ chức làm lễ tế thành hoàng làng; sáng 16 tổ chức khai hội và thi đấu vòng loại; ngày 17 thi đấu bán kết, chung kết, trao giải và làm lễ hiến sinh.

Năm nay, có 32 “ông Cầu” (trâu chọi), đến từ 19 thôn trong xã. Sau các vòng đấu, các ông Cầu xuất sắc nhất thắng cuộc sẽ được Ban tổ chức trao 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 40 triệu đồng và 2 giải ba mỗi giải 20 triệu đồng.

Theo sử sách chép lại, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân.

Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm Thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Truyền rằng các quân được ăn thịt trâu chọi thân hình tráng kiện sức khỏe hơn người chính vì thế mà người dân Hải Lựu luôn trụ vững trước quân xâm lược.

Trước ngày lễ hội xã Hải Lựu cử một đoàn người lên tế lễ tại Đền Hùng. Đêm trước lễ hội là lễ tế Thành hoàng làng, cả xã đêm ấy như không ngủ, sau lễ tế Tổ trang nghiêm cả làng uống rượu, ca hát, cùng bàn chuyện làm ăn trong năm mới, cùng chuẩn bị cho trâu vào sới chọi.

BTC vận động chủ trâu không giết trâu chọi

Trâu chọi phải là những con khỏe được chọn lọc kỹ và nuôi dưỡng thật chu đáo.

Làng phân công cho bốn giáp, giáp to nuôi sáu con, giáp nhỏ nuôi từ hai đến bốn con sao cho đủ 16. Các giáp phải cắt cử trai đinh khỏe mạnh chăm sóc từng con trâu cẩn thận từ miếng ăn nước uống sạch sẽ.

Gần đến ngày hội, trâu chọi được nhốt chuồng riêng và ăn riêng thức ăn tinh khiết hợp khẩu vị. Người nuôi trâu cũng phải ngủ riêng và luôn túc trực gần con trâu mình nuôi để tiện chăm sóc tắm rửa.

Trước khi vào cuộc, con trâu nào cũng được uống rượu và dắt đến trước bàn thờ cho gật đầu ba cái làm lễ Thánh.

Những chú trâu ở đây, khi xung trận bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khỏe để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua, không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn.

Do chiến tranh chống Pháp và một số lý do mà từ năm 1947 Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu không được tổ chức. Sau 45 năm gián đoạn, đến năm 2002 lễ hội được khôi phục. Hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ.

Xuân Hòa

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/nhung-diem-moi-trong-le-hoi-choi-trau-hai-luu-tinh-vinh-phuc-a360670.html