Lễ hội Đền Trần Nam Định: Sẽ 'phạt nguội' hành vi phản cảm

VH- Đây là mùa thứ 6 lễ hội Đền Trần thực hiện Đề án Khai ấn được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo, xây dựng và triển khai. Năm nay có gì đổi mới? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện Công điện số 240/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

Theo đó, từ 5 giờ sáng nay (Rằm tháng Giêng), Ban tổ chức lễ hội và nhà đền sẽ đồng thời mở cửa ba địa điểm phát ấn. Đó là đền Trùng Hoa; nhà Giải Vũ; phòng Trưng bày, cùng trong quần thể di tích đền Trần. Tuy nhiên, “bài toán” khó nhất mà nhà đền phải thực hiện là (phát ấn, nhận tiền) hay (phát ấn tùy tâm). Đây cũng là điểm mấu chốt trong quá trình vận hành 6 năm thực hiện Đề án của Bộ VHTTDL và tỉnh Nam Định.

Công đoạn phát ấn các năm trước từng gây một số tai tiếng, cần rút kinh nghiệm và năm nay phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ VHTTDL, thông qua Công văn khẩn số 99/VHCS-QLHĐLH ban hành sáng 27.2. Với nội dung: “Bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm “đưa tiền lấy ấn”...”.

Nam Định đã làm gì khắc phục một số tiêu cực những năm qua tại ba cửa phát ấn?

Có mặt tại đền Trần trước lễ khai ấn (chiều và tối 1.3), phóng viên Văn Hóa nhận thấy, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, nhà đền kết hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh triển khai nhiều phương án mới trong công tác khai ấn và phát ấn. Tại ba cửa phát ấn đều được lắp đặt camera giám sát 24/24 giờ. Thay vì những đồng tiền tự tâm khi nhân dân vẫn có thói quen nhận ấn đưa cho những người phát, nay công khai trên hệ thống truyền thanh nghiêm cấm cả người nhận tiền và đưa tiền. Nếu ai vi phạm, bộ phận kỹ thuật sẽ trích xuất từ hình ảnh ghi được, Thủ từ yêu cầu dừng công việc ngay và kết hợp với Ban quản lý có hình thức kỷ luật.

Nhân dân và quý khách thập phương sau khi nhận ấn sẽ có thùng công đức, đây là thói quen và cũng đã thành lệ được xem như “giọt dầu” tự tâm, nhà đền không bắt buộc và cũng không yêu cầu nhận ấn, trả tiền.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Toàn bộ sân hành lễ và đường rước kiệu BTC đã trang bị hệ thống camera có độ phân giải chuẩn HD độ nét cao, nhận diện mặt người từ xa 100 mét. Ngoài ghi hình ảnh, các “mắt thần” camera được tích hợp trong hệ thống có khả năng tham gia báo động về máy chủ và thiết lập hàng rào ảo, cảnh giới mọi sự bất thường xảy ra ngoài ý muốn của BTC. “Vì thế, nếu du khách nào có hành vi ném tiền hoặc lễ vào kiệu ấn hoặc cướp lộc trên ban thờ Thánh sẽ bị camera giám sát, sau đó lực lượng chức năng trích xuất hình ảnh để kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm, ví như hình thức “phạt nguội”, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban quản lý khu di tích đền Trần cho biết.

Ông Khúc Mạnh Kiên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định cho biết: Không chỉ một mùa lễ hội năm nay, việc ứng dụng camera giám sát sẽ được sử dụng thường xuyên vì qua thực tế đã mang lại những hiệu quả rõ rệt tại những điểm “nóng” đông người, khó kiểm soát. Và lãnh đạo Sở cũng đề xuất với các tiểu ban như Nghi lễ; Tuyên truyền; An ninh trật tự... tăng cường sử dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong lễ hội. Mọi trích xuất từ camera ghi nhận, những vi phạm sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng phạt... nguội để tăng thêm phần nghiêm minh khi tham gia lễ hội.

Lê Ngọc Năm; Ảnh: N.H

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/l%E1%BB%85-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%81n-tr%E1%BA%A7n-nam-%C4%91%E1%BB%8Bnh160s%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A1t-ngu%E1%BB%99i-h224nh-vi-ph%E1%BA%A3n-c%E1%BA%A3m