Lễ hội kỳ phúc đặc sắc ở xứ Thanh

Trong các làng quê Việt Nam, mỗi khi tết đến, xuân về, hầu hết đều tổ chức lễ hội kỳ phúc nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, đời sống mọi nhà yên vui no đủ. Trong các lễ hội kỳ phúc đó thì theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: 'Lễ hội ở làng Cẩm Hoàng, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), có thể nói là một lễ hội độc đáo ít nơi có với mười làn điệu hát múa chèo chải...'.

Việc tế lễ là khâu quan trọng nhất trong lễ hội kỳ phúc, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Ảnh: Mai Anh

Ngược dòng lịch sử thì làng Cẩm Hoàng có nguồn gốc từ hai làng Giáp Hạ và Thái Thôn hợp thành. Theo gia phả dòng họ Phạm ở làng Cẩm Hoàng, đến nay là đời thứ 21, thì làng Giáp Hạ và Thái Thôn đã có gần 700 năm, nghĩa là có từ cuối thời nhà Trần cùng thời với việc xây Thành Nhà Hồ hoặc có thể xa hơn trước nữa.

Hai làng Giáp Hạ và Thái Thôn thuộc tổng Quan Hoàng (huyện Cẩm Thủy ngày nay). Mãi sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới sáp nhập hai thôn thành làng Cẩm Hoàng thuộc xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Thủy. Đến tháng 8-1964, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, chuyển xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Thủy về huyện Vĩnh Lộc thì làng Cẩm Hoàng mới thuộc huyện Vĩnh Lộc, xã Cẩm Minh được đổi thành xã Vĩnh Quang. Do bắt nguồn từ hai làng cổ nên làng Cẩm Hoàng hiện nay có truyền thống văn hóa, phong tục, lễ hội còn lưu giữ... Làng thờ tự hai Thành hoàng làng là: Quản gia Đô Bát Đại vương (Trịnh Ra) được thờ ở đình làng và Thái tử Long Tinh Tràng được thờ ở nghè Cẩm Hoàng. Đình làng Cẩm Hoàng không còn. Hiện nay chỉ còn nghè và bài vị Quản gia Đô Bát Đại vương được dân làng đưa về nghè để thờ tự.

Làng Cẩm Hoàng có hai lễ hội chính là lễ hội kỳ phúc và lễ hội kỵ thần. Nội dung lễ hội chủ yếu là cầu Thành hoàng làng phù hộ cho mọi thành viên trong làng an khang, mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt. Hai lễ hội đó vẫn duy trì cho đến ngày nay.

Lễ hội kỳ phúc được diễn ra tại nghè Cẩm Hoàng vào ngày 6-2 âm lịch hàng năm. Như các lễ hội của các làng quê Việt Nam, lễ hội kỳ phúc làng Cẩm Hoàng gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm tế lễ và hát múa chèo chải. Phần tế có 9 người gồm chủ tế, xướng quan và hầu tế. Chủ tế mặc áo mầu vàng, xướng quan và hầu tế mặc áo mầu xanh. Trong tế lễ đều làm đầy đủ các thủ tục: quán tẩy, dâng hoa hương, rượu, đọc chúc văn và hóa chúc, cuối phần tế là lễ tạ. Thời gian diễn ra tế lễ trong ba tuần. Lễ vật dâng Thành hoàng gồm có: xôi, thịt, hoa quả, bánh kẹo và rượu. Độc đáo trong lễ hội, ngoài phần tế còn có rước kiệu, có phường bát âm, đặc biệt là phần hát múa chèo chải...

Những bài múa là nét đặc sắc trong khâu tế lễ. Một đội múa gồm từ 10 đến 12 nữ mặc áo dài kim tuyến, trâm cài đầu, chân đi hài trắng, tay cầm quạt hoa múa. Hát múa chèo chải với 10 làn điệu khác nhau như sau: múa hát chúc mừng; múa hội thái bình dâng Thánh; hoàng đồ cung cố; múa dang tay bắt lấy mái chèo; múa quạt; múa cờ; múa khăn; múa uốn tay; múa chống sào; múa đội đèn.

Năm 2006 để phục hồi văn hóa phi vật thể do chủ trương của ngành văn hóa, chúng tôi đã đến Vĩnh Quang gặp gỡ các nghệ nhân. Hầu hết, họ đã ngoài 80 tuổi như các bà Phạm Thị Chánh, Phạm Thị Huân, ông Mai Quốc Sự... để sưu tầm ghi lại các lời hát, nội dung các điệu múa. Chúng tôi đã làm đề án xin khôi phục lễ hội và đã được cấp kinh phí thực hiện. Từ nguồn kinh phí đó chúng tôi chọn người tập luyện, mua sắm quần áo trang phục, đạo cụ... cho đội tế, đội múa, bồi dưỡng kinh phí cho đội hát múa tập luyện. Sau gần một tháng tập luyện khi nghiệm thu đề tài, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cùng một số cán bộ của Viện Âm nhạc Việt Nam đã về nghiệm thu và quay băng để lưu giữ.

Lễ hội kỳ phúc làng Cẩm Hoàng. Ảnh: Mai Anh

Trong các bài múa không thể không nhắc tới múa đội đèn. Múa đội đèn gồm 12 nữ mặc áo dài kim tuyến tay cầm quạt hoa, chân đi hài trắng, trên đầu mỗi chị có một chiếc đĩa, trên đó có từ 8 đến 10 ngọn nến đã được đốt lên. Các chị vừa múa vừa hát có dàn nhạc đệm, ngọn lửa nến trên đầu sáng lung linh huyền ảo... Theo GS.TSKH Tô Ngọc Thanh trao đổi với chúng tôi thì làn điệu "Múa đội đèn” này do tướng quân nhà Trần là Trần Nhật Duật sáng tác sau khi quân nhà Trần thắng giặc Nguyên Mông. Đây chính là điệu múa cung đình để ăn mừng chiến thắng.

Đây là bài múa phải tập luyện rất công phu tốn nhiều thời gian nhất vì trên đầu ngọn lửa nến vẫn đang cháy, người múa vừa phản ánh nội dung lời hát, tay cầm quạt, xoay cổ chân, đi lại uyển chuyển trên sân, giữ thăng bằng để cho đĩa trên đầu không rơi, lửa nến không tắt.

Đào rằng đào lới một mình

Là cô chúc kim loan, tình cái tối

hôm qua

Nguyệt rằng nguyệt lặn bóng cây

sao tàn.

Nói canh khuya, chứ mà canh

khuya

Các cô bỏ vắng cái chốn phòng loan,

các cô lạnh lùng

Là cái chốn cây xanh, thời lá xanh

mà cũng xanh

Ta trót vin cành thì phải hái lấy hoa

Cung đàn tỳ bà khen ai khéo gẩy

Tang, tang, tình tính tang

Trời Nam khai sáng

Chúa ngự ngai vàng

Hội chèo xin bái tạ Thánh vương.

Đến với lễ hội kỳ phúc, Nhân dân trong làng, trong xã và khách thập phương đến dự được thưởng thức những bài hát múa nhẹ nhàng, uyển chuyển vừa có vẻ tưng bừng, vừa có vẻ huyền ảo xa xôi.

Phần hội chủ yếu diễn ra vào buổi chiều do ban tổ chức bố trí tại sân nghè gốm các trò chơi dân gian truyền thống như cờ người, tổ tôm, chọi gà, kéo co làm bánh răng bừa để mọi người tham gia...

Có thể nói lễ hội kỳ phúc ở làng Cẩm Hoàng được lưu giữ và phát huy đến ngày nay là một lễ hội độc đáo ở huyện Vĩnh Lộc và xứ Thanh.

Lê Văn Sự

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/le-hoi-ky-phuc-nbsp-dac-sac-o-xu-thanh/26465.htm