Lễ hội làm xấu ẩm thực

Lễ hội ẩm thực là lễ hội đặc biệt, nó không phải là nơi ồn ào như các lễ hội khác, mà đó là nơi chiêm nghiệm món ăn, thưởng thức món ăn để biết văn hóa nơi sản sinh ra món ăn đó. Nhưng nó đã bị lễ hội phá hỏng không thương tiếc. Đó là chưa nói, giá còn đắt hơn bên ngoài.

Tại quán ăn Huế, du khách thất vọng về chất lượng dù trước đó họ rất háo hức đến mua thưởng thức.

Nhiều về "số" không tinh về "chất"

Vừa qua, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019 diễn ra tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây được coi là lễ hội ẩm thực lớn trong năm tại Hà Nội, nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về ẩm thực Việt Nam. Nhìn chung, đa số du khách cảm nhận được sự đa dạng về món ăn nhưng chất lượng kém, trong khi đó, lịch sử về món ăn cũng như văn hóa giao tiếp của người chủ gian hàng lại rất mờ nhạt.

Là người tham gia nhiều lễ hội ẩm thực trong những năm qua, chúng tôi thấy rằng, món ăn, thức uống của người Việt Nam thật không đâu sánh bằng, với đủ loại các món ăn trên rừng, dưới biển, thậm chí những món ăn “độc – lạ” mà không nơi nào có cũng xuất hiện trên đất nước ta.

Ẩm thực là hai từ sang trọng theo tiếng Hán Việt, nghĩa của nó là ăn uống. Việc ăn uống đã giúp con người sinh tồn cho đến ngày nay. Con người không ăn uống được nghĩa là không thể tồn tại được. Thông qua việc ăn uống, chúng ta không những thấy được cái hiện hữu trước mắt là ăn uống, là thức ăn mà chúng ta còn thấy được văn hóa đất nước đó, xứ đó, vùng đó.

Thông qua các thức ăn, đồ uống, chúng ta còn biết được khí hậu ở vùng đất đó như thế nào, vùng biển chiếm đa số, đồng bằng, hay trung du? Ví dụ, bạn về một vùng quê biển, chắc chắn, người ta sẽ tiếp đón bạn với những thức ăn đến từ biển. Và những thức này sẽ chiếm đa số trên bàn ăn vì sẵn có.

Hay bạn về đồng bằng, những thực phẩm như lúa, khoai, ngô sẽ chiếm lượng lớn trong bữa ăn. Về vùng trung du, miền núi, thì những thực khách sẽ được trải nghiệm thịt gia súc, gia cầm, sữa, trứng. Hay như căn cứ vào đồ ăn, thức uống, bạn có thể đoán được rằng, thời tiết quanh năm ở đây sẽ như thế nào?

Ví dụ đến Đà Lạt, dù chưa đọc nhiều về khí hậu nơi đây, nhưng nhìn những thứ rau mọc trên các luống trồng, cũng như các thức quả chỉ có ở xứ lạnh mới có thì bạn cũng đoán được phần nào thổ nhưỡng và khí hậu quanh năm ở đây thế nào. Chắc chắn đó là xứ lạnh, dù bạn không may đến Đà Lạt vào một ngày nóng bất thường.

Như vậy, ẩm thực, hay nói đúng ra là văn hóa ẩm thực đã nói lên được nhiều điều về con người, vùng đất đó. Không những thế, chỉ cần ai tinh ý, căn cứ vào thức ăn thường xuyên của người nào đó, cũng đoán được tính cách sơ qua của họ. Như việc những người hay ăn cá, ăn rau thì thường có tính hiền hòa, và dễ bỏ qua lỗi lầm cho người khác hơn. Người ăn ớt lại hay nóng tính hoặc cục tính.

Văn hóa ẩm thực cũng chính là một phần để một vùng đất hay một đất nước kéo được du khách đến. Hàng năm, khoản tiền thu từ du lịch không phải là nhỏ, đó là nền công nghiệp không khói, vừa kiếm được tiền lại quảng bá được hình ảnh đất nước. Vì vậy, văn hóa ẩm thực vô cùng quan trọng đối với một quốc gia. Và văn hóa đó được tổng hợp, kết tinh từ văn hóa ẩm thực từ nhiều vùng miền trên đất nước.

Thế nhưng, ít ai hiểu được tầm quan trọng của văn hóa ẩm thực. Kể cả những người trực tiếp tham gia góp phần vào Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019 diễn ra tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, từ ngày 7/6 – 9/6/2019.

Lễ hội này, theo phát biểu của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, thì: “Ẩm thực Việt Nam là nét di sản tinh tế được hình thành trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cùng với sự hội nhập và phát triển, Thủ đô Hà Nội là nơi giao thoa ẩm thực của các vùng miền trên cả nước, trở thành nơi hội tụ tinh hoa của ẩm thực dân tộc.

Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019 là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh và giới thiệu di sản văn hóa ẩm thực Hà Nội và một số ẩm thực tiêu biểu riêng của miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Thông qua lễ hội, Hà Nội mong muốn phát huy phong cách văn minh, thanh lịch của người dân Thủ đô trong bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực. Đây là hoạt động góp phần thúc đẩy quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực và phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng” (dẫn theo TTXVN).

Như vậy, Lễ hội ẩm thực này rất quan trọng, nó hấp dẫn du khách ngoài nước, tôn vinh và giới thiệu di sản văn hóa ẩm thực. Thông qua đó, còn phát huy phong cách văn minh, thanh lịch, nhưng thực tế, theo ghi nhận và quan sát của phóng viên, thì những người tham gia trực tiếp làm nên lễ hội đã không làm được những điều nên làm.

Như ở gian món ăn Huế, cơm hến là món ăn nổi tiếng của người Huế nhưng được bày bán không đẹp mắt và dường như không có một “chút Huế” nào trong đó như du khách hình dung, từ bát đũa đến bàn ghế, các lọ gia vị... Món ăn cũng được người bán làm rất nhanh, dù du khách không đông. Và đương nhiên, với kiểu làm này thật khó có một bát cơm hến ra trò.

Còn món bún Huế thì càng tệ, nhiều du khách không cảm nhận được đó là món bún, đó là chưa nói nó còn là bún Huế, thịt nhiều mỡ, cảm giác không tươi ngon, những sợi bún cũng không có vị gì là ngon lành, đặc trưng như một vài du khách nhận định. Còn tại gian hàng ẩm thực Quảng Ninh, bán bún hải sản và các thức uống. Riêng món bún hải sản, hỏi mấy người đến ăn thì ai cũng lắc đầu.

Nước lèo quá ngọt, hải sản ít lại không tươi, trong khi giá lại quá đắt, những 40 nghìn đồng cho một bát phở bình thường không ra gì mà lại đi đại diện cho một tỉnh tham gia Lễ hội ẩm thực ở thủ đô.

Văn hóa giao tiếp của người bán chưa sâu

Không những món ăn không ra gì, mà không gian thiết kế quán cũng không có nét đặc trưng, chẳng khác gì các hàng quán ở Hà Nội và chung chung mà ở đâu cũng có. Ở các quán bán bún phở, bánh cuốn, chủ yếu là các bạn trẻ, họ nói năng thì kiệm lời, thậm chí rất ít tỏ ra tươi cười với du khách.

Nhiều du khách đã thất vọng khi đến tham gia lễ hội. Đa số ai cũng mong muốn đến đây để mong được ăn thử nhiều món ăn ở nhiều vùng miền mà không phải cất công đi xa, nhưng họ thật sự không hài lòng. Chúng tôi đã tiếp cận một số người cao tuổi tham gia lễ hội. Họ có chung ý kiến món ăn thì đa dạng nhưng chất lượng kém, giá thành đắt.

Chúng tôi tạt vào quán có thể được coi là mang dáng dấp cũ nhất là quán cốm Mễ Trì, nhưng cũng không được như mong muốn. Cách bài trí gian hàng nhốn nháo, người ta dùng thứ cốc ăn một lần vứt đi để đựng cốm bán cho khách, mọi thứ cũng vội vã như ở ngoài chợ. Người ta không thấy một nét xưa cũ, văn hóa cha ông để lại nào trên món cốm.

Họ đun nấu, chào bán, và thu tiền là mục đích chính ở Lễ hội. Chúng tôi và những du khách hoàn toàn không được nghe họ nói qua về lịch sử món ăn, có muốn hỏi cũng chẳng dám hỏi vì ai cũng tỏ ra bận rộn. Và ở quán Huế và một số quán khác cũng vậy, chẳng ai hiểu được lịch sử món ăn đó như thế nào từ người bán. Không ai tự nguyện hỏi du khách có muốn hiểu về lịch sử món ăn đó không để họ trình bày?

Trong khi đó, một món ăn tồn tại đến ngày hôm nay, bản thân trong nó đã chứa đựng sự sáng tạo, kết tinh văn hóa cha ông, hun đúc tinh hoa đất trời. Đối với du khách Việt Nam còn cảm thấy sự nhạt nhòa về văn hóa trong mỗi món ăn tại lễ hội lớn này, thì không biết, những vị khách nước ngoài khi tham gia lễ hội sẽ nghĩ ra sao?

Vũ Gia Hà - Đỗ Đăng Huỳnh |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-hoi-lam-xau-am-thuc-70010