Lễ hội Lăng Ông Nam Hải - Phú Quốc

Vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, người dân Khu phố 9 Thị trấn Dương Đông - Phú Quốc lại nô nức tổ chức lễ hội Lăng Ông Nam Hải. Đây là loại hình lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi, là dịp để bà con chuẩn bị tốt tâm lý để khởi hành những chuyến đi biển trong năm. Đây cũng là nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của cư dân trên đảo Phú Quốc rất có tiềm năng để trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.

Lăng ông Nam Hải – Phú Quốc nơi đang bảo quản nhiều bộ xương cá Ông

Lễ hội hàng năm thu hút nhiều người dân và du khách tham dự

Theo các cụ cao niên trong vạn chài kể lại, lăng thờ Cá Ông (Nam Hả Đại Tướng Quân) ở Khu phố 9 Thị trấn Dương Đông đã có từ lâu đời, ban đầu chỉ là cây lá đơn sơ. Khi ấy những cư dân miền Trung đến đây lập nghiệp chưa nhiều nhưng đã mang theo tín ngưỡng thờ cá Ông. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản. Để chế ngự biển cả, lòng dũng cảm,sự sáng tạo thôi chưa đủ mà còn phải dựa vào sự phù trợ của thần linh, nhất là Cá Ông.

Xương cá Ông

Đến năm 1982, có cá ông lụy (chết) dạt vào bờ. Cộng đồng ngư dân ở đây đã làm lễ chôn cất thật cẩn thận. Ông chủ vạn chài phải ăn chay nằm đất suốt 3 tháng để tổ lòng tiếc thương sùng kính cá ông, một nhiên thần được ngư dân suy tôn là Nam Hải Đại Tướng Quân, luôn che chở, cứu giúp ngư dân vượt qua phong ba bão tố trong những chuyến đi biển. Sau đó còn có thêm 4 con nữa cũng được người dân địa phương kính cẩn chôn cất và sau 3 năm thì bốc dỡ cốt đưa vào Lăng để thờ. Ông Phan Thanh Muông, Vạn trưởng, đồng thời là Trưởng Ban tế tự Lăng Ông cho biết: “Đến nay trong lăng đã có tổng cộng 5 quách đựng xương cốt cá ông. Lăng có diện tích khoảng 80 m² nằm trên bãi biển dài và đẹp, thuộc khu vực quy hoạch Khu du lịch Trần Thái. Lăng Ông được ngư dân vạn chài quyên góp tôn tạo, xây dựng với phong cách kiến trúc truyền thống”.

Lễ cúng Lăng Ông được ngư dân tổ chức vào hai ngày ngày 15 – 16 tháng 2 (âm lịch). Bà Phạm Thanh Thủy – Trưởng Khu phố 9 Thị trấn Dương Đông cho biết : Điểm đặc biệt trong công tác tổ chức là Lễ hội này hoàn toàn do cộng đồng ngư dân vạn chài ở đây đứng ra tổ chức. Ông Phan Thanh Muông, Vạn trưởng, đồng thời là Trưởng Ban tế tự Lăng Ông đồng thời cũng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban tổ chức Lễ hội. Chính quyền địa phương chỉ cử người hỗ trợ về mặt an ninh trật tự. Lễ hội Nghinh Ông gồm phần “lễ” tôn kính và phần “hội” hết sức vui tươi. Đây là dịp khôi phục các hoạt động văn hóa thể thao, các trò chơi dân gian mang tính tập thể, cộng đồng. Ngay từ trước ngày diễn ra chính hội, quang cảnh nơi đây đông vui tấp nập.

Do xuất phát từ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của ngư dân nên mặc dù còn được tổ chức dưới hình thức tự phát song đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng hết sức nồng nhiệt của nhân dân thị trấn Dương Đông. (Dân số thị trấn Dương Đông khoảng 34 ngàn dười, đó là chưa kể lượng khách du lịch cũng muốn tham dự lễ hội để tìm hiểu nét văn hóa bản địa của người dân Phú Quốc). Vào ngày lễ hội, tàu thuyền của bà con tạm dừng việc đánh bắt trở về đậu kín khu vực bãi trước Lăng Ông. Ngoài ngư dân địa phương, tham gia vào lễ cúng còn có những thuyền đánh cá ở nơi khác, tỉnh khác đang hành nghề tại vùng biển Phú Quốc. Ở đầu mũi tàu thuyền chủ nhân có bày trái cây, xôi thịt, hương hoa để cúng cá Ông. Đây là một lễ hội có tính cộng đồng cao. Từ lễ cúng Lăng Ông Nam Hải đơn giản đã được người dân nơi đây nâng cấp lên thành Lễ hội.

Phần Lễ diễn ra vào ngày 16 tháng 3 (âm lịch) được ngư dân tổ chức rất long trọng, trang nghiêm để bày tỏ sự tri ân vì sự phù trợ của cá Ông và các vị tiền hiền, hậu hiền đã có công khai mở vùng đất đảo này. Ai đến với Lễ hội cũng có tâm thế cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi đánh bắt được nhiều hải sản.Phần lễ có Lễ cầu an và Lễ Chánh tế. Trong Lễ cầu an, ngư dân trong vạn chài tùy hỷ gửi tiền và lễ vật cúng. Ông Chánh bái thắp nhang và quay mặt vào điện thờ khấn vái, xin sự chứng kiến của Nam Hải Ngọc Lân tôn thần. Ông Phó chánh bái đội tờ sớ xin cầu an cho vạn lạch. Lá sớ cầu an được đem đốt vào cuối buổi lễ cầu an. Còn Chánh lễ là nghi thức cúng chính với lễ vật dâng cúng gồm: heo quay, trái cây…. Sau các nghi thức thông thường như kiểm soát tế vật, tựu vị, chỉnh y, Ông Trưởng Vạn là một người cao tuổi, có đức độ song toàn, được ngư dân trong vạn lạch kính trọng, làm nhiệm vụ khai trống. Ông bồi tế dâng nến, hoa để ông Chánh bái đọc lời khấn. Sau đó Chánh tế thắp nhang, dâng 3 tuần rượu rồi mới hóa văn tế.…Nội dung lời văn tế nói lên công đức và oai linh của ngài Nam Hải Đại Tướng Quân (Cá Ông) và tâm nguyện của ngư dân vạn chài mong muốn một năm đi biển nhiều thuận lợi.

Lăng Ông Khu phố 9 Thị trấn Dương Đông có lợi thế nằm trên bãi biển dài và đẹp, nằm trong quy hoạch Khu du lịch Trần Thái. Phần hội diễn ra vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) có tổ chức Đờn ca tài tử để phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, kéo co, thi ẩm thực với các món ăn miền biển. Bên cạnh việc tổ chức hát Tuồng xứ Quảng thì nổi bật nhất là hoạt động đua thuyền của bà con vạn chài. Mới khoảng 4 giờ sáng ngày 15/2 (âm lịch) trưởng vạn đã cho đánh trống ở Lăng tập hợp nam thanh, nữ tú trong vạn về khu vực phía trước Lăng Ông để khởi động và chuẩn bị cho ngày hội đua thuyền. Ban tổ chức cho biết năm nay Khu phố có 6 đội nam và 6 đội nữ tham gia đua thuyền. Hiện khu phố 9 đã đóng mới được 6 chiếc thuyền đua. Mỗi chiếc thuyền được đóng bằng khung gỗ, mạn lợp tôn trị giá khoảng 30 triệu đồng/ chiếc. Trên thuyền đua có 14 vận động viên. Đường đua dài khoảng 2 km, đội nam bơi 4 vòng (8.000m) đội nữ bơi 3 vòng (6.000m). Không khí lễ hội đua thuyền hết sức sôi động thu hút hàng ngàn người đứng trải dài gần 2km trên bãi biển reo hò, cổ vũ. Những chiếc thuyền thúng của cổ động viên vẫy cờ, khua chiêng trống hai biên làn biên mép nước càng làm tăng khí thế ngày hội. Các tay chèo mặc đồng phục, nỗ lực bám đuổi nhau từng mét nước để tranh giải.

Các vận động viên tập hợp trước cửa Lăng Ông trước giờ thi đấu môn đua thuyền truyền thống.

Hàng ngàn người dân và du khách thích thú theo dõi màn đua thuyền lễ hội

Có thể nói lễ hội Lăng Ông Nam Hải rất có tiềm năng để trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của huyện đảo Phú Quốc. Lễ hội là dịp để người dân thư giãn, lấy lại thăng bằng tâm linh sau những ngày lao động vất vả, đồng thời để bày tỏ lòng biết ơn đối với một sinh vật “thiêng” ở biển, mà trong tâm thức nhiều ngư dân vẫn chứa đựng một niềm tin về sự giúp đỡ của cá Ông khi gặp nạn. Lễ hội Lăng Ông Phú Quốc đã có từ lâu đời, có sức hấp dẫn, lôi quấn nhân dân nhiều năm qua. Qua đó đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần và khơi dậy truyền thống văn hóa của ngư dân miền biển, đồng thời làm bước đệm trong công tác thu hút du lịch cho đảo.

Để lễ hội Lăng Ông Nam Hải dần mở rộng quy mô tổ chức lên quy mô lễ hội cấp tỉnh, góp phần khai thác hiệu quả một sản phẩm du lịch độc đáo trên huyện đảo Phú Quốc, chính quyền địa phương đang phối hợp với các công ty du lịch lữ hành để quảng bá cho lễ hội và kiến nghị lập Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang lập đề án nâng cấp lễ hội này.

Bùi Công Ba

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/le-hoi-lang-ong-nam-hai-phu-quoc-563899.html