Lễ hội nổi tiếng với điệu múa 'Con đĩ đánh bồng' được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ngày 10 tháng Giêng (tức 14/2), nhân dân làng Triều Khúc vinh dự được đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cách đây 1237 năm, người anh hùng dân tộc Phùng Hưng chính thức lên ngôi vua xưng là Bố Cái Đại Vương và chọn làng Triều Khúc làm đại bản doanh trên đường đánh tan quân xâm lược nhà Đường. Để tỏ lòng nhớ ơn công lao trời bể của ông, dân làng đã suy tôn ông là Thành hoàng làng.

Lễ hội Làng Triều Khúc được công nhận là di sản VHPVT cấp quốc gia.

Lễ hội Làng Triều Khúc được công nhận là di sản VHPVT cấp quốc gia.

Hàng năm, cứ vào ngày 9/1 âm lịch, dân làng Triều Khúc lại tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Mở đầu lễ hội là một đám rước long trọng, với đầy đủ những nghi lễ cần thiết rước mũ áo hoàng đế Phùng Hưng từ đình Sắc về đình Đại.

Lễ rước kiệu và triều phục.

Đoàn khiêng kiệu toàn những thanh niên trai tráng chưa vợ, vừa rước kiệu, nghi trượng che lọng vàng, lọng tía... vừa múa hát các điệu múa cổ như: múa trống bồng, múa sênh tiền trong tiếng nhạc của đội nhạc phụ họa.

Điều đặc biệt ở đám rước này, người rước hai bên vừa đi vừa ngoảnh mặt vào nhau. Khi đám rước đến nơi, các bô lão kính cẩn đọc văn tế, làm lễ dâng hương, mở hòm sắt lấy bút và chính thức bắt đầu cuộc tế lễ.

Ngoài phần lễ còn có phần hội rộn ràng hơn với các điệu múa cổ như: múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa bồng và múa chạy cờ.

Đáng chú ý và đặc sắc nhất trong ngày hội làng là múa “con đĩ đánh bồng”, một điệu múa có tính ước lệ cao, do trai làng độ tuổi từ 15 – 22 (chưa vợ) hóa thân làm những cô gái với áo váy đủ màu, đeo trống, múa bồng…

Điệu múa "Con đĩ đánh bồng" được thể hiện trong đình.

Tích xưa truyền lại sở dĩ điệu múa nam giả nữ biểu diễn, là do từ xưa nữ giới không được tham gia vào chốn linh thiêng.

Tuy nhiên những điệu múa của những nam nhi giả nữ này vẫn toát lên sự uyển chuyển, nhẹ nhàng, khoan thai trong điệu múa. Bên cạnh đó cũng thể hiện sự mạnh mẽ, thượng tôn võ thuật của những người lính xung trận xưa.

Các cụ bô lão trong làng dự lễ công nhận di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Nguyễn Duy Lưu – Chủ tịch UBND xã Triều Khúc chia sẻ: “Đây là một Lễ hội đặc sắc, thể hiện rõ nét những đặc trưng văn hóa của làng Triều Khúc nói riêng và nét văn hóa của làng quê Việt Nam. Mặc dù đã qua hàng thế kỷ, với bao đổi thay nhưng Triều Khúc vẫn giữ được sắc thái đậm nét của một miền quê vùng đồng bằng châu thổ với những giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn, duy trì và phát huy.

Điều này được thể hiện thông qua Lễ hội làng Triều Khúc”

Lễ hội làng Triều Khúc được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nay Lễ hội làng Triều Khúc vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ vốn có, là một trong những Lễ hội mang đậm nét dân gian, nét đẹp tâm linh trong các Lễ hội ở Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Để tôn vinh, giữ gìn những nét văn hóa độc đáo trong Lễ hội Làng Triều Khúc, ngày 29/01/2019 Bộ trưởng VHTT và DL đã ký quyết định số 446/QĐ – BVHTTDL về việc quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứng nhận Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều – Thanh Trì – Hà Nội) là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lã Vinh - Nguyễn Thượng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/le-hoi-noi-tieng-voi-dieu-mua-con-di-danh-bong-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia-d90634.html