Lễ hội tiêu cực: Nhiều ý kiến khác nhau

Không có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi không thuận mắt.

Ngày 18-1, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018; phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.

Công chức vẫn đi lễ giờ hành chính

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể vẫn còn xảy ra những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội.

Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Vẫn còn hiện tượng khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.

Tại hội nghị, bà Ninh Thị Thu Hương đã điểm lại một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam) đi lễ đền Trần (Nam Định); hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đi lễ ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Bên cạnh đó, hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như đền Sóc, chùa Hương (TP Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...

Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...

Bà Ninh Thị Thu Hương cũng trích dẫn một số nội dung của Nghị định số 110/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó có quy định trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội.

Đây cũng là nội dung được đại biểu đến từ nhiều địa phương đề cập. Theo một số đại biểu, lễ hội khi có tiêu cực thì ngành văn hóa vẫn là đơn vị bị “réo” tên đầu tiên. Trong khi để xảy ra hiện tượng đó là trách nhiệm của nhiều đơn vị.

Để xảy ra tiêu cực tại lễ hội, trách nhiệm không chỉ thuộc ngành văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội đền Trần năm 2018. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Để xảy ra tiêu cực tại lễ hội, trách nhiệm không chỉ thuộc ngành văn hóa. Trong ảnh: Lễ hội đền Trần năm 2018. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Lễ hội là sự thăng hoa

Đóng góp vào báo cáo của công tác quản lý và tổ chức lễ hội, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lại cho rằng báo cáo cần có diễn đạt nhẹ nhàng hơn về câu chữ. Cụ thể theo bà Châm, đề cập hiện tượng tranh cướp giành lộc thì năm nào cũng có và các năm sau vẫn còn, bởi đó là bản chất của lễ hội.

“Văn hóa truyền thống của chúng ta về lễ hội là gì, là vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội. Chúng ta thừa nhận giá trị lễ hội là sự thăng hoa của cộng đồng…, thăng hoa thì phải có sự va chạm, chen lấn” - bà Châm nói.

Cũng theo bà Châm, lễ hội phải có cái gì đó khác ngày thường, khác ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó phải có sự thăng hoa hơn ngày bình thường. “Chúng ta cũng nên khuyến khích những khoảnh khắc thăng hoa đó, chỉ có điều từ góc độ quản lý làm thế nào để đừng thăng hoa quá” - bà Châm bày tỏ.

Ở một góc độ khác, bà Châm cũng cho rằng báo chí đưa thông tin không chính xác về lễ hội và cho rằng: “Làm gì có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi mang tính chất không thuận mắt mà thôi. Ví như lễ hội làng Ném Thượng chứ không phải lễ hội chém lợn. Chém lợn chỉ là nghi lễ, nghi thức trong cả diễn trình. Nếu cứ cấm là mất đi bản sắc văn hóa. Nhiều nơi thèm khát lễ hội của chúng ta. Vì thế quản lý thế nào thì quản lý, nếu mất đi màu sắc riêng là thất bại”.

Lễ hội đền Trần, các cụ muốn quay lại giờ thiêng

Tại hội nghị, đại diện ban quản lý di tích đền Trần chuyển tải lời của các cụ ở địa phương tới Bộ VH-TT&DL về việc nghiên cứu đến thời điểm hiện nay có thể đưa về khung giờ như cũ hay không.

“Chúng tôi không dám đề xuất bằng văn bản. Vì để đảm bảo tính nghi lễ truyền thống, trong các văn bản chúng ta luôn hướng đến tất cả nghi lễ phải đảm bảo tính truyền thống... Khó khăn của chúng tôi là sức ép rất lớn của du khách thập phương là muốn nhận ấn vào giờ thiêng” - đại diện ban quản lý di tích đền Trần cho biết.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa/le-hoi-tieu-cuc-nhieu-y-kien-khac-nhau-813745.html