'Lễ hội Trà hoa vàng là thương hiệu, sản phẩm du lịch của Ba Chẽ'

Từ ngày 5 đến 7.1.2018, huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ II. Đây là Lễ hội được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh háo hức chờ đợi. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội (ảnh), về nội dung của Lễ hội này.

- Lễ hội lần thứ I được huyện tổ chức năm 2016 với tên gọi "Lễ hội Trà hoa vàng" vậy chủ đề của lễ hội lần này là gì, thưa ông?

+ Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia năm 2018, Lễ hội Trà hoa vàng lần thứ II sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 7.1.2018 tại Quảng trường 4.10, Trung tâm thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ với chủ đề “Rực rỡ Trà hoa vàng”.

- So với năm 2016, Lễ hội lần này có gì khác biệt, thưa ông?

+ Lễ hội Trà hoa vàng 2018 vẫn có 4 nội dung chính như lần đầu tổ chức gồm: Liên hoan, giao lưu sản phẩm đặc trưng của huyện; chương trình khai hội Trà hoa vàng; liên hoan trò chơi dân gian các dân tộc huyện Ba Chẽ; liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc, chủ đề “ Sắc xuân Ba Chẽ”.

Theo đó, 3 ngày diễn ra Lễ hội sẽ trưng bày và bán sản phẩm OCOP đặc trưng của Ba Chẽ và các địa phương; trưng bày 170 cây trà hoa vàng đang độ ra hoa chính vụ và mời quý khách thưởng thức các sản phẩm từ cây trà hoa vàng, ẩm thực tiêu biểu của Ba Chẽ.

Liên hoan trò chơi dân gian các dân tộc Ba Chẽ, gồm các nội dung: Kéo co, tung còn, đi cà kheo, đánh cầu chinh, đá ngựa, đẩy gậy; bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu…; thi nấu xôi màu, cơm gánh, làm bánh; thêu, khâu trang phục dân tộc; đan lát công cụ truyền thống. Bên cạnh đó, các du khách sẽ được trực tiếp tham quan trang trại Trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh. Kết thúc Lễ hội sẽ là Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc, chủ đề “Sắc xuân Ba Chẽ”.

Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra Hội thảo bàn giải pháp phát triển và công bố tuyến điểm du lịch huyện Ba Chẽ; công bố kết quả sáng tác Logo huyện Ba Chẽ và chương trình khai hội Trà hoa vàng Ba Chẽ với 14 màn trình diễn ca- múa - nhạc của 320 diễn viên không chuyên và các nghệ nhân dân gian huyện Ba Chẽ.

So với năm 2016, Lễ hội lần này được tổ chức sôi động hơn và được bổ sung thêm các chương trình như: Hội thảo; mở rộng thêm các nội dung thi trong liên hoan trò chơi dân gian; tham quan trang trại Trà hoa vàng.

Chế biến Trà hoa vàng tại Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ). Ảnh: Nịnh Văn Trắng (CTV)

- Được biết, Lễ hội Trà hoa vàng nhằm tôn vinh một loài hoa-dược liệu quý nổi tiếng ở vùng đất Ba Chẽ. Vậy huyện đã có giải pháp, chiến lược gì để phát triển loại dược liệu quý này?

+ Theo “Camellia International Journal” - Tạp chí chuyên nghiên cứu về Trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của Trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu. Loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu…

Hiện nay, Ba Chẽ đang xây dựng vùng trồng, thương hiệu các sản phẩm địa phương, đặc biệt là Trà hoa vàng gắn với xây dựng Lễ hội Trà hoa vàng trở thành sản phẩm du lịch của huyện Ba Chẽ. Vì thế, trước đó, Ba Chẽ đã hoàn thành quy hoạch vùng trồng dược liệu đến năm 2020 với trên 3.000ha. Trong đó, trồng cây Trà hoa vàng 500ha, phân bổ ở các xã: Lương Mông 90ha; Minh Cầm 50ha; Đạp Thanh 130ha; Thanh Lâm 50ha; Thanh Sơn 120ha; Đồn Đạc 60ha. Hiện nay, diện tích toàn huyện đã trồng được 140,58ha, đạt 28,1% kế hoạch. Diện tích đã cho thu hoạch hoa trà đạt 50ha; lá trà trên 60ha. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu để đầu tư trồng và chế biến dược liệu tại địa bàn Ba Chẽ, trong đó có cây Trà hoa vàng, như: Công ty Cổ phần Phú Khang HT; Công ty Cổ phần Trà và Dược liệu Ba Chẽ; Công ty Cổ phần Dược, vật tư y tế Quảng Ninh…

Những năm gần đây, người dân Ba Chẽ cũng thường thu hái lá, nụ và hoa trà để dùng giúp tăng cường sức khỏe hoặc bán ra thị trường với giá cao, khoảng 15 triệu đồng/kg hoa khô. Việc đưa cây trà hoa vàng vào sản xuất là hướng đi phù hợp, vừa bảo vệ được nguồn dược liệu quý, vừa tạo nguồn lực nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương góp phần giảm nghèo trên quê hương Ba Chẽ.

Song song với việc quy hoạch và phát triển vùng trồng, việc tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng 2 năm 1 lần nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, Lễ hội có mục đích quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện, góp phần xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hằng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/du-lich-c-82/le-hoi-tra-hoa-vang-la-thuong-hieu-san-pham-du-lich-cua-ba-che-78727.html