Lễ hội và sự phụng thờ ở di tích Bia Bà, La Khê

Phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 500 năm ngày mất của Dũng Quận công Trần Chân và 480 năm ngày mất của Hoàng hậu nhà Mạc, Trần Thị Hiền: 16-6-2018.

Trong bài phát biểu ngắn này xin có 2 ý chính:

Một vài điều đính chính, bổ sung về tiểu sử Đức Thánh Bà, Trần Thị Hiền.

Kết luận về lễ hội Bia Bà

I. Một vài điều đính chính, bổ sung về tiểu sử Đức Thánh Bà

1. Về đường con cái

Có người viết, bà có hai con, một trai, hai gái. Điều này không đúng, Bà chỉ sinh hạ một hoàng tử, bị mất sớm, bà lâm bệnh hậu sản kéo dài, không chữa được. Cũng có người nói, hai cô gái được thờ trong hầu cung là con gái bà. Không phải như vậy, đây là nhị vị vương cô, hầu cận Bà. Họ đứng ở vị trí Quỳnh Hoa công chúa và Quế Hoa công chúa trong điện thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

2. Về địa điểm qua đời

Có người viết, bà chết trên đường từ kinh đô về quê. Không đúng, văn bia ghi, “Ngày Tân Dậu, 21 tháng 9, bà về dưỡng bệnh tại nhà cũ La Khê”…”Đến giờ Dần ngày Bính Tuất 16 tháng 11 bà qua đời, hưởng dương 28 năm”. Như vậy từ khi bà lên đường đến thời gian qua đời là gần 2 tháng, không thể chết trên đường.

3. Hiện tượng mối xông

Có người viết, khi làm tang lễ, mưa to gió lớn, phải dừng, sau chỗ quan tài bị mối xông lên. Đây là bắt chước theo mô típ mối xông để nói về sự linh thiêng, mộ phát. Nhưng trường hợp này không thể tin, triều đình cử bao nhiêu đoàn đại thần và ngự y về chăm sóc Bà và lo tang lễ, không thể để mối xông quan tài được.

4. Anh trai Đức Thánh Bà

Anh trai Đức Thánh Bà, đồng thời con trai Ngài Quận công Trần Chân có tên là Trần Thực, không phải Trần Lực.

Xin phép đính chính mấy điều như trên, kính mong độc giả chỉ giáo thêm.

II. Kết luận về Lễ hội Bia bà, La Khê

1. Nghiên cứu sự phụng thờ ở di tích La Khê, chúng tội nhận thức đây là một chỉnh thể, và đó là phương pháp tiếp cận của chúng tôi – tiếp cận chỉnh thể. Chỉnh thể này bao gồm:

– Di sản vật thể, quần thể kiến trúc, hoành phi câu đối, tượng, bia, ngai kiệu, bát bửu, hạc trên lưng rùa, ngựa gỗ, bia và văn bia trên lưng rùa,…

– Di sản phi vật thể: văn tế, việc tế thần, rước thần, lời khấn, lời lan truyền, trò chơi và biểu diễn nghệ thuật trong hội,….

Tuy là phân chia vật thể, phi vật thể nhưng khó tách bạch, rạch ròi.

Các yếu tố trên vừa là giá trị thẩm mỹ, giá nghệ thuật (như kiến trúc, điêu khắc, tượng,…), lại vừa là giá trị tư liệu, có tính chất bổ sung cho nhau, hoàn chỉnh pho tư liệu về tổng thể di tích lịch sử văn hóa Bia Bà.

2. Tôi đồng ý lời tổng kết về nguyên nhân phát triển của Tộc ước họ Trần La Khê: “Tóm lại, được như ngày nay, trước hết nhờ công đức của Bà ngày càng sâu rộng, các cấp lãnh đạo quan tâm, con cháu họ Trần La Khê và khách thập phương thành tâm tiến cúng, đặc biệt là dân làng và dòng tộc đồng lòng bảo vệ” (tr 26, Tộc ước…)

Ai cũng biết sự phụng thờ ở đây phát triển rất mạnh, có hôm hàng vạn người đến dự. Về thực tế trên, Lời tổng kết đưa ra ba nguyên nhân chính:

– Công đức của Bà ngày càng sâu rộng,

– Con cháu họ Trần La Khê và khách thập phương thành tâm tiến cúng.

– Đặc biệt là dân làng và dòng tộc hết lòng bảo vệ.

Đây đúng là nguyên nhân mà, Công ước quốc tế về bảo vệ di sản thế giới của UNESCO, một văn có giá trị lý luận và chỉ đạo toàn thế giới đã đề ra. Bản công ước này cho rằng, các di sản văn hóa phi vật thể tồn tại và phát triển nhờ “không ngừng được tái tạo bởi các cộng đồng, các nhóm”: “Di sản văn hóa phi vật thể, truyền qua các thế hệ, không ngừng được tái tạo bởi các cộng đồng, các nhóm, trong sự đáp ứng lại môi trường và các mối quan hệ với tự nhiên và lịch sử của họ” (UNESCO: Công ước quốc tế về bảo vệ di sản thế giới-2003)

3. Hội làng La Khê (hội La Khê) là tiêu biểu cho một hội làng đồng bằng Bắc Bộ với các bộ phận: tế lễ, rước, trò chơi, có hội lệ (năm thường) và có đại đám (năm đặc biệt),… Đây là sản phẩm tất yếu của một làng tối cổ, từ thời Văn Lang, có một bề dày lâu đời về lịch sử và văn hóa. Do đó nó có sức sống mạnh mẽ và bền vững, vượt qua mọi thăng trầm của thời cuộc, đặc biệt là năm 1955, bị bão táp CCRĐ xóa đi, nhưng sau đó, lại trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

4. Hội La Khê là một bộ phận hữu cơ của một tín ngưỡng tôn giáo đa thần có sức hội nhập và hòa hợp cao, không độc tôn mà cuốn hút và tiếp biến cả Phật giáo, tín ngưỡng thành hoàng, đạo Mẫu; trong thần điện đồng phụng thờ Đức Phật, Thần Thành hoàng và Thánh Mẫu.

Lễ vật dâng cúng gồm cả cỗ mặn và cỗ chay; cả tam sinh (bò, heo, dê hoặc gà) và lễ vật sống như trứng sống, gạo muối (dâng các tinh linh núi rừng hoang dã và chúng sinh)

(Nhiều năm trước, chúng ta coi đạo Mẫu là đối tượng số một của việc bài trừ “mê tín dị đoan” . Nhưng nay, đối tượng này đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Hà Tùng Long: Báo Dân trí).

5.Trên nền tảng chung của văn minh đồng bằng Bắc Bộ, hội La Khê có những đặc điểm chính như:

5.1. Phụng thờ nữ thần: Đức Thánh Bà, Đông cung hoàng hậu của Vua Mạc Đăng Doanh. Ban đầu, khi còn ở cánh đồng Vang, “cánh đồng Hoàng Hậu”, Bà mới là một linh thần. Về sau, do linh ứng cao, được nhân dân vô cùng ngưỡng mộ, Bà cùng với Bia Bà được rước vào khuôn viên đình, trở thành một phúc thần nổi tiếng: “Cầu duyên thì đến chùa Hà; Cầu tài cầu lộc, Bia Bà La Khê” (Có dị bản “Xây nhà xây cửa Bia Bà La Khê”). Địa điểm thờ phụng mở rộng nhanh chóng, lúc đầu chỉ có tấm bia lồng kính là chính, sau đó phát triển thành Đền Đức Thánh Bà như ngày nay.

5.2. Đức Thánh Bà cứu giúp nhân dân bằng phương thức, như ngày nay thường nói “xóa đói giảm nghèo” cho dân tài lộc làm ăn vào đầu năm và lễ tạ vào cuối năm “đầu năm xin lộc, cuối năm tạ ơn”, nhờ đó dân chúng nhiều người trở nên giàu có sang trọng.(Tương tự như ở Cổ Mễ “đầu năm đi xin, đi vay, cuối năm đi trả, đi tạ).

5.3.Đức Thánh Bà dần dần chuyển hướng thành một thần chủ theo kiểu đạo tứ phủ, với thần điện có nhị vị cô nương, cộng đồng các quan, cộng đồng tiên thánh, cô bé bản đền, cậu bé bản phủ,… hạ ban.

5.4.Trong sự chuyển hóa này, việc phụng thờ Đức Thánh Bà La Khê dần dần đứng vào một hệ thống cùng với lễ hội Bà chúa Kho , Cổ Mễ, Bắc Ninh và lễ hội bà chúa Xứ núi Sam, Châu Đốc cùng 8 Bà Chúa Kho khác nữa…..[1] Đây là một xu hướng chung của sự phụng thờ các nữ thần/ thần Mẹ và phát triển mạnh mẽ trong cơ chế thị trường.

6.Hội La Khê và việc phụng thờ ở La Khê là một giá trị văn hóa tiêu biểu và đặc sắc, chúng ta phải hết sức giữ gìn và phát huy, coi như là một trong những kiểu mẫu về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

______________

[1] Tám vị Bà Chúa Kho đó là: 1. Bà Chúa Thượng Đồng, làng Lẫm, Phường Văn An, huyện Yên Phong (tr.54). 2.Bà chúa Quả Cảm, xã Hoa Long, T/P Bắc Ninh. 3. Bà Chúa Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (tr.60). 4. Bà Chúa Hạ Đồng (còn gọi là Đại Tảo), xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh (tr.61). 5. Bà Chúa Trung Cơ, phường Vệ An,T/P Bắc Ninh (tr.70). 6.Bà Chúa phường Giảng Võ. Ngõ 162, Đê La Thành, Hà Nội (tr.72).7. Bà Chua Nam Định (tr.79). 8. Bà Chúa , Đường Điện Biên III, Phường Quang Trung, T/P Hưng Yên (tr.82); Trong sách Trần Thị Thủy: Tín ngưỡng Bà Chúa Kho ở Châu thổ Bắc Bộ, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

GS.TSKH. Phan Mạc Đăng Nhật

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-hoi-va-su-phung-tho-o-di-tich-bia-ba-la-khe-62494