Lễ hội Xuân Lào Cai - bản hòa ca của những di sản miền biên viễn

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn truyền thống, gần một nửa số các di sản văn hóa ở Lào Cai là lễ hội Xuân hoặc một nghi lễ trong lễ hội Xuân.

Thi kéo cày tại Hội xuống đồng của người Giáy Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Thi kéo cày tại Hội xuống đồng của người Giáy Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Với 25 dân tộc anh em cùng chung sống, các lễ hội Xuân của Lào Cai đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng cao, trong đó có Lễ hội Xuống đồng, còn được gọi là Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Roóng poọc của dân tộc Giáy... để cầu mùa màng bội thu, người yên, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa.

Những đường cày khai mở hội Xuân

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày Thìn tháng Giêng, đồng bào Tày, Giáy ở vùng Tả Van (Sa Pa), Quang Kim (Bát Xát), Làng Giàng (Văn Bàn) lại náo nức tổ chức Lễ hội Xuống đồng với các nghi lễ dựng cột nêu, kéo co, ném còn, thi trâu cày... mang tính biểu tượng phồn thực, âm dương điều hòa.

Nổi bật nhất ở lễ hội chính là đường cày thi của những chú trâu béo khỏe trong làng. Hoạt động này được ví như nghi lễ “tịch điền” của người vùng cao Tây Bắc, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi vừa thu hút du khách đến Lào Cai.

Sau phần lễ, khi các trò chơi trong phần hội dần đi đến hồi kết, các già làng làm lễ khấn và hạ cột còn. Đó cũng là lúc những thanh niên khỏe mạnh cùng các chú trâu được chọn cày 5 đường "xuống đồng" tượng trưng cho vụ mùa mới bắt đầu.

Với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, những người tham gia thi đều cố gắng điều khiển trâu để cày thật nhanh, đường cày thẳng và đẹp.

Thầy mo Liềng A Sinh (Tả Van, Sa Pa) cho biết nghi lễ này rất được coi trọng bởi đồng bào tin rằng bên thắng cuộc có đường cày thẳng sẽ đem may mắn về cho bản làng.

Từ những đường cày khai mở hội Xuân, bà con dân bản được ra đồng cày cấy mùa vụ mới, lên nương gieo hạt… Sau khi kết thúc nghi lễ, những chú trâu lại trở về với gia chủ, cần mẫn lên nương.

Bản hòa ca của những di sản văn hóa

Lào Cai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản được công nhận với gần 40 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và một số di sản đại diện nhân loại.

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn truyền thống, gần một nửa số các di sản văn hóa ở Lào Cai là lễ hội Xuân hoặc một nghi lễ trong lễ hội Xuân.

Trong số đó, Lễ hội xuống đồng của người Tày ở thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà) với nghi lễ kéo co - loại hình nghi lễ đã được tổ chức UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2015.

Theo truyền thuyết, vào đời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), dân làng Trung Đô và cả vùng người Tày ở Bắc Hà dưới sự lãnh đạo của Gia Quốc công Vũ Văn Mật (1493-1571) đã nhiều lần tổ chức kháng chiến đánh bại quân xâm lược biên giới. Vì vậy, nghi lễ kéo co được phục dựng, thực hành hàng năm để tưởng nhớ công lao Gia Quốc công Vũ Văn Mật và các tướng quân.

Hiện nay, nghi lễ kéo co vẫn được tổ chức thường xuyên trong các ngày lễ Xuống đồng. Trong tiếng trống âm vang, tiếng hò reo náo nhiệt, Ngày hội kéo co "được co được mùa," ngày hội của chiến thắng giặc ngoại xâm vẫn luôn được tái hiện, nhắc nhở con cháu giữ gìn văn hóa truyền thống, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Người dân và du khách tham gia chơi trò chơi tại Hội xuống đồng của người Giáy Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Ngoài ra, những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Lào Cai như: Lễ hội “Roóng poọc” của người Giáy ở Tả Van (Sa Pa), lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Pút tồng, lễ hội Cấp sắc, lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ, Nghệ thuật the (múa) của người Tày ở Tà Chải, lễ hội Đền Thượng tại thành phố Lào Cai... đều là những lễ hội Xuân lớn nhất trong năm tại từng địa phương, mang ý nghĩa tưởng nhớ các vị anh hùng, tổ tiên, cầu mùa, cầu may...

Nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sửu cho biết mỗi lễ hội lại cộng hưởng nhiều loại hình sinh hoạt biểu diễn của từng tộc người như múa, trống, chiêng, kèn, hát dân ca giao duyên... đặc sắc, tạo âm hưởng độc đáo cho phần nghi lễ, trở thành bản hòa ca đậm màu sắc linh thiêng của những di sản văn hóa phi vật thể tại miền biên viễn Lào Cai.

Trong định hướng phát triển kinh tế, Lào Cai xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tạo đột phá. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Văn Thắng, những di sản văn hóa phi vật thể là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, thu hút khách du lịch đến với địa phương./.

Hương Thu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/le-hoi-xuan-lao-cai-ban-hoa-ca-cua-nhung-di-san-mien-bien-vien/844034.vnp