Lê Hồng Nhi xả thân diệt địch

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Một góc đường Lê Hồng Nhi tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

Đồng chí Lê Hồng Nhi, sinh năm 1954, quê quán xã Hưng Thiện, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngành an ninh năm 1973. Trong quá trình công tác, đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 15 Bằng khen, Giấy khen các loại.

Đồng chí Lê Hồng Nhi sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Quê hương đồng chí trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều là khu căn cứ cách mạng, do đó, Lê Hồng Nhi đã sớm được sự giáo dục của cán bộ cách mạng. Khi còn niên thiếu, anh là một đội viên tích cực của đội thiếu niên. Năm 17 tuổi, anh tham gia dân quân bảo vệ xóm làng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Năm 1972, phong trào đấu tranh cách mạng tại quê hương Lê Hồng Nhi lên cao và sôi nổi hơn bao giờ hết, đến năm 1973, anh chính thức được tuyển vào Đội An ninh vũ trang, thuộc Tiểu đoàn 1 khu Tây Nam bộ.

Huấn luyện xong lớp tân binh, Lê Hồng Nhi được tặng thưởng 1 Bằng khen và được phân công về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 An ninh vũ trang, với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan quân khu ủy. Căn cứ khu ủy là một vùng xung quanh có nhiều đồn bốt địch, địa hình lồi lõm, đi lại khó khăn, phức tạp. Lê Hồng Nhi thường xuyên tranh thủ học tập chính trị, quân sự, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, bảo vệ, đồng thời, luôn có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.

Tuy còn trẻ tuổi, mới vào lực lượng, nhưng Lê Hồng Nhi luôn tích cực tham gia mọi công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Ngoài thời gian canh gác, đưa đón cán bộ, cấp ủy, anh đã cùng đồng đội đào hàng chục chiến hào, hầm bí mật, đảm bảo an toàn cho cán bộ cũng như anh em ẩn nấp mỗi khi có địch tấn công, bắn phá vào căn cứ.

Trong quá trình làm công tác bảo vệ khu căn cứ, Lê Hồng Nhi đã trực tiếp tham gia chiến đấu hàng chục trận chống càn, chống bình định, lấn chiếm của địch vào căn cứ. Đồng chí Nhi đã tiêu diệt 146 tên địch, phá hủy hàng trăm súng, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Tiêu biểu là trận đánh tháng 12-1972. Nhận nhiệm vụ đánh trận này, đồng chí đã cùng đồng đội nghiên cứu nắm quy luật hành quân của địch. Đêm phục kích, chờ đến trưa thì phát hiện một đại đội địch di chuyển từ Cà Mau qua căn cứ của ta. Chờ địch lọt vào trận địa, Lê Hồng Nhi nhanh chóng nổ mìn và súng vào đội hình của chúng. Bị đánh đau, địch tản đội hình, anh vận động theo và bám sát chúng, tiêu diệt nhiều tên và anh đã góp phần cùng đơn vị phá hủy 7 khẩu phóng pháo, thu 1 khẩu AR16, bẻ gãy đợt hành quân này của địch.

Trong các tháng 2 và 8-1973, tháng 7 và 11-1974, tháng 1-1975, địch mở nhiều đợt tấn công càn quét vào khu căn cứ. Lê Hồng Nhi luôn luôn chặn đánh địch ở các mũi chính diện và thường là chiến sĩ dẫn đầu đơn vị dùng lựu đạn, bắn B.40, B.41 đạt hiệu suất cao, tiêu diệt nhiều địch. Có trận tưởng chừng không giành được thắng lợi, như trận đánh đồn Ông Sáu. Đồn này địch lợi dụng hầm hào, lô cốt kiên cố, đánh trả ta quyết liệt, một số anh em bị thương vong. Trước khó khăn đó, Lê Hồng Nhi được phân công dẫn đầu một mũi chủ công chọc thẳng vào lô cốt địch, dùng B.40 diệt từng lô cốt quan trọng, mở đường cho đồng đội xông lên tiêu diệt hoàn toàn địch, thu nhiều vũ khí đạn được, bắt một số tù binh. Sau trận này, Lê Hồng Nhi được kết nạp vào Đảng.

Để ghi nhận công lao của Anh hùng, liệt sĩ Lê Hồng Nhi, ngày 2-11-2006, UBND tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định số 26/2006/QĐ-UBND về việc đặt tên, đổi tên một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thị xã Bạc Liêu, trong đó có việc đổi tên đường cũ Đinh Tiên Hoàng thành đường mới mang tên Anh hùng, liệt sĩ Lê Hồng Nhi.

Tháng 2-1975, lực lượng ta bao vây đồn Vàm Sáng, thuộc huyện Vĩnh Thuận, địch cho một tiểu đoàn đến hỗ trợ hòng giải vây cho đồn. Để bảo vệ an toàn khu căn cứ, Lê Hồng Nhi được phân công chỉ huy 6 đồng chí chặn đánh lực lượng chi viện của địch. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt giữa đơn vị Lê Hồng Nhi với một tiểu đoàn địch, kéo dài suốt từ sáng sớm đến chiều, buộc địch phải rút quân, bỏ lại hàng chục xác chết.

Tuy bị đánh đau, nhưng địch chưa chịu từ bỏ. Cuộc hành quân càn quét, chi viện cho đồn của chúng bị ta chặn lại, bao vây, nên chúng càng tăng cường quân, tiến công ta quyết liệt. Sự tương quan lực lượng giữa 2 bên quá chênh lệch và cuộc chiến kéo dài, ác liệt nên đơn vị của Lê Hồng Nhi đã bị thương vong 6 đồng chí. Đến khi chỉ còn lại một mình, anh phải đương đầu với cả một tiểu đoàn địch. Vừa đánh địch, Lê Hồng Nhi vừa tranh thủ cướp súng giết giặc. Lúc anh lấy được 1 khẩu AR16 và 300 viên đạn càng tạo điều kiện cho anh đánh trả quyết liệt vào đội hình địch. Đạn hết, đồng chí Nhi bị thương nặng và anh đã hi sinh anh dũng. Nhờ trận đánh kéo dài quyết liệt đó của Lê Hồng Nhi mà cuộc họp của các đồng chí Khu ủy đã nhanh chóng di chuyển về địa điểm an toàn tuyệt đối.

Đồng chí Lê Hồng Nhi đã hiến dâng cả cuộc đời tươi trẻ của mình cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Khi còn sống, tuy còn trẻ, nhưng đồng chí luôn là một tấm gương về tinh thần tận tụy, tích cực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Khi chiến đấu, đồng chí là một điển hình về lòng dũng cảm, mưu trí và gan dạ, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Liệt sĩ Lê Hồng Nhi đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 24-1-1976.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/le-hong-nhi-xa-than-diet-dich-post429683.html