Lễ Khai ấn Đền Trần 2018: Không còn ném tiền, cướp lộc

Đêm 14 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018, nghi lễ Khai ấn Đền Trần được tỉnh Nam Định tổ chức, với sự tham dự của hàng vạn du khách trong và ngoài địa phương. Đêm khai ấn diễn ra với sự bảo vệ của lực lượng nhân viên an ninh lên tới hơn 2.000 người...

Lễ Khai ấn Đền Trần 2018. Ảnh: Duy Hưng.

Lễ Khai ấn Đền Trần 2018. Ảnh: Duy Hưng.

Nghi lễ khai ấn
Trước khi diễn ra nghi lễ khai ấn, như thường lệ chính quyền TP Nam Định tổ chức Lễ dâng hương, tri ân công đức 14 đời Vua triều Trần, tri ân công đức Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Trực tiếp dâng hương có tập thể lãnh đạo tỉnh Nam Định, TP Nam Định và tập thể lãnh đạo chính quyền phường Lộc Vượng sở tại. Đọc diễn văn tại lễ dâng hương, ông Lê Quốc Chỉnh, Chủ tịch UBND TP Nam Định bày tỏ sự tri ân công đức to lớn của vương triều Trần- vương triều với “võ công văn trị” lẫy lừng, gây dựng nên hào khí Đông A chói lọi. Trong bối cảnh nghi lễ khai ấn và việc phát ấn tại đền Trần vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, người đứng đầu chính quyền thành phố tái khẳng định cơ sở lịch sử của nghi lễ khai ấn và việc phát ấn, nhìn nhận đây là nghi lễ cổ truyền, mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh cao đẹp...

Tiếp theo nghi lễ dâng hương, cộng đồng dân thôn Tức Mạc (nơi di tích đền Trần đứng chân) đã thực hiện nghi lễ khai Ấn, với các nghi thức: Kiệu Ấn được rước từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường (sau lễ xin rước ấn); dâng hương, tế cáo. Ấn gồm 2 chiếc, khắc các chữ “Trần Miếu”, “Trần miếu tự điển”, “Tích phúc vô cương” sau đó được rước vào nội cung đền Thiên Trường. Đúng vào giờ Tý (23h15)-thời khắc được cho là “thiêng liêng, đất trời giao hòa” nghi lễ khai ấn được thực hiện bởi 14 bậc cao niên làng Tức Mạc (chủ tế ngồi ở chiếu giữa, tập giấy “điệp” được đặt trang trọng ở trước. Trong tiếng chiêng trống rộn ràng, chủ tế trịnh trọng đóng ấn mực đỏ vào tờ giấy điệp). Đáng tiếc là, hàng vạn du khách đổ về đền Trần tham dự lễ khai ấn hằng năm nhưng cho đến nay không mấy người được chứng kiến nghi lễ này bởi lẽ nghi lễ được thực hiện trong nội cung đền Thiên Trường. Việc ghi hình, giới thiệu nghi lễ này qua màn hình cho đến nay chưa được Ban tổ chức thực hiện...
Trước đó, trong khuôn khổ lễ hội khai ấn đền Trần, nhân dân địa phương cũng đã thực hiện nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần (nằm gần chùa), với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái tổ tiên và dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; tri ân công đức các bậc tiên tổ; dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng. Cùng với đó là nghi lễ rước Nước, tế Cá, mang ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ tổ tiên nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới, gắn với sông nước...

Đông người tham gia, nhưng việc phát ấn vẫn khá trật tự.

Nỗ lực của ban tổ chức

Vào các năm trước, trong nghi lễ khai ấn thường xuất hiện những việc, hình ảnh vô cùng lộn xộn, phảm cảm. Điển hình là khi kiệu ấn được rước vào sân đền Thiên Trường, những người có mặt tại đây (thường những đại biểu là cán bộ đang công tác tại các cơ quan của Trung ương, của tỉnh, của thành phố và của các địa phương khác được ban tổ chức mời dự) có hành vi “hối lộ Thánh Thần” bằng việc vo tròn những đồng tiền rồi ném rào rào lên kiệu ấn. Tuy nhiên, năm nay hành vi phản cảm này gần như không còn. Chuyển biến tích cực này được cho là kết quả từ “biện pháp mạnh” của Ban tổ chức, đó là ngoài tuyên truyền, nhắc nhở còn lắp thêm hệ thống camera để ghi hình. Theo đó, khi trích xuất camera nếu phát hiện cán bộ, đảng viên nào vi phạm sẽ được yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương cán bộ đang công tác phê bình, xử lý. Tương tự, năm nay hình ảnh chen lẫn,dẫm đạp, xông vào đền Thiên Trường (sau khi cửa đền được mở) để cướp lộc trên các ban thờ cũng đã hạn chế. Một phần do, sau khi các nghi lễ kết thúc, Ban tổ chức đã cho thu gom hết các đồ thờ, ai đó muốn “cướp” cũng “không còn gì để cướp”. Mặt khác, có lẽ do những người có mặt e ngại hình ảnh phản cảm của mình sẽ bị camera ghi lại...

Từ sáng sớm ngày 15 tháng Giêng- thời điểm nhà đền bắt đầu thực hiện việc phát ấn cho du khách- theo quan sát của phóng viên, việc này diễn ra khá trật tự. Theo đó, tại các điểm phát ấn, người xin kiên nhẫn đứng chờ nhà đền phát ấn (sau khi gửi một ít tiền công đức). Thời gian chờ diễn ra không quá lâu, một phần do ban tổ chức bố trí nhiều điểm phát ấn; thời gian phát ấn liên tục, kéo dài đến hết lễ hội…

Chưa hết phản cảm

Bên cạnh những điểm tích cực, cho đến lễ hội năm nay, một số mặt tiêu cực ở lễ hội khai ấn đền Trần vẫn chưa được Ban tổ chức chấn chỉnh hiệu quả, nhất là tình trạng du khách bị “chặt chém” khi sử dụng các dịch vụ.

Từ đầu lễ hội đến nay, mặc dù giá vé trông giữ xe theo quy định của UBND tỉnh được niêm yết công khai nhưng những người trông giữ ở đây, kể cả những bãi trông giữ do chính quyền sở tại tổ chức vẫn phớt lờ quy định, thu cao gấp nhiều lần. Đơn cử, giá trông giữ xe máy ban ngày, theo quy định là 4.000đ nhưng người gửi đều phải trả 10.000đ, ai phản ứng đều nhận lại những cái hất hàm, chừng mắt, giơ nắm đấm của những người trông giữ, kèm theo câu “muốn gì” đầy hăm dọa.

Phóng viên các cơ quan báo chí được Ban tổ chức mời về dự, tác nghiệp, đưa tin. Tuy nhiên, các năm trước và trong năm nay, tại đây, nhiều phóng viên dù có đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của Ban tổ chức vẫn gặp phải sự cản trở của lực lượng trật tự. Theo quy định, trước giờ diễn ra nghi lễ dâng hương, khai ấn, trừ các phóng viên báo chí, những người có mặt đều được mời ra phía ngoài sân đền Thiên Trường để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều tốp người vẫn được “đặc cách” cho vào hành lễ với sự dẫn đường của lực lượng an ninh. Điều này cho thấy quy định không được thực hiện nghiêm, tạo cảm giác ngay trong đời sống tâm linh cũng có sự bất bình đẳng, có sự tiêu cực...

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/le-khai-an-den-tran-2018-khong-con-nem-tien-cuop-loc-tintuc396351