Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Tri ân những hùng binh mở cõi

Sáng ngày 6/4 (tức ngày 21/2 Âm lịch), tại di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đình làng An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Ban khánh tiết Đình làng An Hải tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2018 nhằm tưởng nhớ, tri ân các dân binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dưới triều nhà Nguyễn đã có công dong thuyền ra đo đạc thủy trình và cắm mốc xác lập chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đọc sớ cầu hồn cho các binh phu Hoàng Sa

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân địa phương và khách du lịch đã tập trung về Đình làng An Hải để tham dự lễ. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa với âm thanh bát âm đã tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm xưa của cư dân trên đảo.

Ông Dương Hữu Nghĩa- Trưởng BQL Đình làng An Hải cho biết: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, động viên những trai đinh trong đội dân binh Hoàng Sa ấm lòng, vững tin trước khi dong thuyền rẽ sóng ra Hoàng Sa - Trường Sa cắm mốc, dựng bia xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thổi ốc u tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa - một nghi lễ không thể thiếu tại lễ khao lề

“Thông qua nghi lễ này giúp người dân trên đảo và du khách hiểu rõ hơn về khó khăn gian khổ cũng như công lao của dân binh đội Hoàng Sa trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền lãnh hải quốc gia, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ đối với quê hương đất nước, đặc biệt là với chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”- ông Nghĩa chia sẻ.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được tổ chức trang nghiêm với hai nội dung chính: Lễ tế cổ truyền và lễ đua thuyền Tứ linh (Lân, Long, Quy, Phụng). Sau phần chủ lễ đọc sớ, lần lượt các dòng, tộc trên địa bàn xã An Hải có người thân ra sa trường năm xưa đã thực hiện nghi lễ cúng tế, rước các hình nhân (hình nộm) thế mạng và mô hình thuyền để thả trôi ra biển (hạ thủy). Người dân Lý Sơn đặt các hình nhân và linh vị, cùng những vật dụng tượng trưng mà những hùng binh Hoàng Sa năm xưa thường mang theo như lương thực, thực phẩm, ngư cụ trên các thuyền tế. Những thuyền này được đưa ra biển thả trôi theo dòng nước với mong ước cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa ngày xưa được siêu thoát; cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân cư trên đất đảo Lý Sơn.

Sau lễ tế ở đình làng An Vĩnh là nghi thức thả thuyền tế ra biển

Riêng phần lễ đua thuyền Tứ Linh có sự tham gia của gần 100 vận động viên, chia làm bốn đội. Các đội đua thuyền trong khoảng chiều dài 800 m dọc bờ biển, mỗi thuyền phải hoàn thành bốn vòng đua để phân định đội về đích trước…

Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được bổ sung vào đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Đến thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn được giao trọng trách này. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ thả thuyền nan và hình nhân thế mạng

Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn được tổ chức hằng năm vào tháng 2 âm lịch tại các tộc họ và vào ngày 16 tháng 3 âm lịch tại Âm linh tự. Hầu hết các tộc họ trên đảo Lý Sơn đều có người đăng lính Hoàng Sa. Vì vậy, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi thức mang đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian của cư dân Lý Sơn, thể hiện khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho tổ quốc và cầu mong linh hồn những người đã hy sinh được siêu thoát.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/le-khao-le-the-linh-hoang-sa-tri-an-nhung-hung-binh-mo-coi-1251594.html