Lễ Kỷ niệm chu niên Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

Trong 3 ngày từ 5 - 7/10 (ngày 7 - 9/9 Âm lịch), Hội đồng gia tộc đã tổ chức lễ Chu niên (Lễ giỗ) lần thứ 200 của Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tại Khu di tích Nghệ thuật Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, thuộc phường Khánh Hậu, thành phố Tân An (Long An).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa dân hương, cúng giỗ Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm 1748, tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng, nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An (Long An). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống ba đời võ nghiệp, có ông nội là Huỳnh Công Châu và cha đẻ là Huỳnh Công Lương. Theo sách “Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức, nhân vật – võ nghiệp và di sản”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông tên thật là Huỳnh Công Đức, thường được gọi theo quốc tính vua ban là Nguyễn Huỳnh Đức. Ông sinh ra ở phương Nam nhưng là phả hệ đời thứ 3 của một gia đình di dân từ đất Thăng Long đến khai hoang, lập làng đầu tiên ở Giồng Cái Én thuộc vùng đất Ba Giồng (nay thuộc địa phận hai tỉnh Long An và Tiền Giang).

Năm 1782, ông được phong chức Tiền quân. Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với chúa Nguyễn. Vì có công, ông được ban “quốc tính” và xem như người trong hoàng tộc, nên ông mang tên Nguyễn Huỳnh Đức từ lúc ấy. Năm 1783, trong trận đánh nhau với quân Tây Sơn, ông bị bắt.

Ông là bậc tướng tài nên chỉ huy quân Tây Sơn là Nguyễn Huệ đã chiêu dụ. Ông chịu theo Tây Sơn nhưng có lời giao kết là ông chỉ đánh quân Trịnh, chứ không đánh nhau với quân của chúa Nguyễn. Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh lấy được Phan Rí, rồi Thị Nại (Bình Định). Năm sau, ông dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn, rồi được cử vào Nam cai quản xứ Định Tường. Đến năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công.

Ông Nguyễn Huỳnh Giàu, 82 tuổi (mặc áo dài khăn đóng), cháu đời thứ 6 Đức Chưởng tiền quân Kiến xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức cùng bà con, người dân đến thắp hương, cúng giỗ.

Tương truyền dân gian và sử sách ghi lại, ông là người nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi ông là “Hổ tướng”. Ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (tức 27 tháng 10 năm 1819), ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, được dân gian xem như một vị thần. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công. Ông có bốn người con trai đều là võ quan, trong số đó có hai người là rể của vua Gia Long.

Lăng Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng vào năm 1817, là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Năm 1993, lăng Nguyễn Huỳnh Đức được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa.

Tưởng nhớ Đức cao tổ, vị công thần của dân tộc, hàng năm, trong 3 ngày (từ 7 – 9/9 Âm lịch), nhân dân Long An và Tiền Giang tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng giỗ ông. Truyền thống này được kế tục từ năm 1819 đến nay.

Tin, ảnh: Đức Hạnh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/le-ky-niem-chu-nien-duc-chuong-tien-quan-kien-xuong-quan-cong-nguyen-huynh-duc-20191007165928893.htm