Lễ mừng cơm mới của người Tày Bình Liêu

Cứ vào dịp tháng 10 âm lịch hằng năm, người Tày ở huyện Bình Liêu quê tôi lại rộn ràng chuẩn bị cho Lễ mừng cơm mới (lễ ăn cơm mới), với mong muốn tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa vụ tốt tươi, cho nhà nhà no ấm. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình, anh em họ hàng, bạn bè sum vầy, quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả.

Xôi được đồ trong chõ làm bằng gỗ khoảng hơn 40 phút là chín.

Xôi được đồ trong chõ làm bằng gỗ khoảng hơn 40 phút là chín.

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 10 âm lịch khắp các bản làng người Tày trên địa bàn huyện Bình Liêu lại sực nức mùi cơm mới với hương thơm của xôi nếp hòa lẫn với mùi thơm nồng của lá gừng. Cũng như mọi năm, sau khi thóc lúa đã khô và chất đầy bồ, tranh thủ ngày chủ nhật con cháu được nghỉ, mẹ tôi lại tổ chức lễ mừng cơm mới.

Năm nay, nhà mẹ tôi không cấy gạo nếp, chỉ cấy gạo tẻ, nhưng bà vẫn đi lên chợ tìm mua 5 kg gạo nếp “bản” để tổ chức lễ mừng cơm mới. Dù biết rõ nhưng tôi vẫn đùa mẹ là “Sao năm nay nhà mình không cấy lúa nếp mà vẫn phải mất công đi mua gạo nếp về làm cơm mới? Một năm không tổ chức chắc cũng không sao đâu mẹ ạ, bày vẽ như vậy tốn kém lắm”. Bà mỉm cười và giảng giải: “Đây là tục lệ của người Tày mình rồi, dù được mùa hay mất mùa, dù cấy lúa hay không, vào tháng 10 âm lịch nhà nào cũng đều làm lễ cúng cơm mới để dâng lên ông bà, tổ tiên. Thóc lúa mà phơi khô chưa làm lễ cúng cơm mới thì chưa được nấu hay là biếu, bán cho người khác. Đây cũng là dịp để con cháu, anh em và mọi người quây quần bên nhau ăn miếng xôi lá gừng, uống chén rượu tổng kết một năm cấy hái”. Rồi, bà nội tôi ngồi ngay cạnh tiếp lời: “Ngày xưa ấy, thóc phơi khô phải mất bao công sức giã, sàng sẩy đến khi hạt gạo trắng tinh mới được đem ngâm nước để nấu thành xôi, chứ không tiện lợi như bây giờ, chỉ cần cắm điện vèo cái là sát ra hạt gạo. Mà ngày xưa, các nhà thường chọn ngày Tuất để làm cơm mới. Bây giờ tân tiến, hầu hết các nhà đều tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật để mọi người ai cũng đến chung vui cùng”.

Sau khi xôi, gà chín, mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng cơm mới.

Theo bà nội kể, lễ mừng cơm mới có từ rất lâu đời, được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, xuất phát từ ước muốn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa vụ tốt tươi. Mâm cỗ cúng cơm mới không cần cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là thành tâm tưởng nhớ đến tổ tiên. Tuy nhiên, nhất thiết phải có xôi lá gừng, gà, thịt, rượu. Gạo dùng để cúng phải được nấu từ gạo nếp mới trong vụ mùa vừa gặt. Gạo sau khi sát xong được đem ngâm 1 đêm để xôi sau khi đồ xong không bị cứng mà dẻo, mềm. Khi hạt gạo nếp nở to ra sẽ được cho xuống chõ đồ xôi (tiếng Tày là trắng nẩng ngài). Bà cũng lưu ý, khi cho gạo nếp xuống chõ không được đè hoặc ấn hạt gạo, vì như vậy hơi nóng không tỏa lên trên, gạo không thể chín được. Thời gian đồ xôi khoảng hơn 40 phút sẽ chín.

Mâm cỗ mừng cơm mới tuy đơn giản nhưng ấm áp.

Trong quá trình đợi xôi chín, mẹ tôi thường đi ra vườn chọn lấy những lá gừng xanh và non đem rửa sạch, để ráo nước và cho vào cối giã thật nhuyễn. Khi lá gừng nhuyễn sẽ dùng tay vắt, lọc lấy phần nước. Xôi chín, mẹ tôi thường ra vườn chọn lấy lá chuối thật to, rửa sạch, lau khô để đổ xôi ra, đợi xôi bớt nóng mẹ vẩy nước lá gừng lên rồi đảo đều để xôi có màu xanh đẹp mắt. Mùi thơm của gạo nếp hòa quyện với vị thơm nồng của lá gừng xanh tạo nên một vị đặc trưng của cơm mới, khiến tôi cứ hít hà mãi, nước miếng trào ra như muốn ăn ngay cho thỏa cơn thèm. Sau khi gà, xôi chín, bà chuẩn bị ngay mâm lễ để cúng tổ tiên. Đây là nghi lễ quan trọng, bởi người Tày chúng tôi quan niệm sau khi thực hiện nghi lễ này thì mới được sử dụng thóc mới. Mâm cúng cơm mới gồm xôi lá gừng, thịt lợn, thịt gà và rượu. Nghi lễ cúng là do chủ nhà chủ trì với nội dung báo cáo với đất trời, tổ tiên, tổng kết 1 năm sản xuất, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe, dân bản no ấm, vạn vật sinh sôi phát triển.

Lễ mừng cơm mới là dịp để các thành viên trong gia đình, họ hàng, bạn bè sum vầy, mừng thành quả lao động sau một mùa vụ vất vả.

Sau khi nghi lễ cúng kết thúc, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức thành quả lao động của mình. Trong bữa ăn mừng cơm mới thường có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu, thông gia, bạn bè, hàng xóm tụ họp vui vẻ; mọi người dành cho nhau những lời hay ý tốt, động viên nhau cố gắng trong những mùa vụ tiếp theo. Khi được mời đến dự lễ cơm mới, hầu hết các vị khách đều cố gắng thu xếp thời gian đến chung vui với gia đình và không quên mang theo một túi hoa quả.

Trong cái se lạnh đầu đông, tiếng chúc tụng xen lẫn tiếng cười của các thành viên trong gia đình và khách đến dự phá tan màn đêm tịch mịch nơi vùng cao Bình Liêu. Có được dự lễ mừng cơm mới, mới thấy được sự ý nghĩa, ấm áp, tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng người Tày. Quả đúng như lời bà nội tôi nói, đây là nét văn hóa đặc trưng của người Tày, thể hiện nét văn hóa độc đáo, đạo lý làm người, hướng về cội nguồn tổ tiên, trời đất, mang tính cộng đồng, cộng tộc sâu sắc cần phải được các thế hệ người Tày giữ gìn và phát huy./.

La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201911/le-mung-com-moi-cua-nguoi-tay-binh-lieu-2461507/