Lẽ ra phải đối xử với người nộp thuế như 'thượng đế'

'Mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến tích cực'; Lẽ ra phải đối xử với người nộp thuế như 'thượng đế'; 'Cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm'... là một số phát ngôn ấn tượng của các chính khách, chuyên gia được BizLIVE ghi nhận trong tuần qua.

“Mô hình tăng trưởng bước đầu có chuyển biến tích cực”

Chiều 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế, đặt ra các đầu bài về tìm động lực mới, các nhân tố mới, các dư địa cho phát triển.

Theo đó, tại cuộc làm việc lần thứ 5 này, Tổ tư vấn đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát 37 vướng mắc phổ biến đối với doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư trong 9 luật và văn bản dưới luật. Tổ tư vấn cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với các vấn đề kinh tế nóng mới nổi lên như biến động thị trường chứng khoán, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc…

Đánh giá cao báo cáo của Tổ tư vấn về chương trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng nhất trí cho rằng, 2 năm qua, chương trình này đã đi vào thực chất hơn, tạo chuyển biến rõ nét hơn và đề nghị các thành viên Tổ tư vấn góp phần thông tin rõ hơn, đầy đủ hơn về kết quả tích cực trên các mặt của đất nước, góp phần tạo không khí phấn khởi, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong làm ăn kinh doanh.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Tổ tư vấn kinh tế.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, cần thẳng thắn nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế còn có mặt hạn chế, bất cập như nhiều ngành, lĩnh vực chuyển dịch còn chậm, chưa thực hiện được một số mục tiêu, yêu cầu đề ra… (Xem tiếp)

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Lẽ ra phải đối xử với người nộp thuế như “thượng đế”

Dự luật quản lý thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Nhiều ý kiến đánh giá cao những quy định tiến bộ về kê khai, xóa nợ thuế… Tuy vậy, đại lý thuế lại là vấn đề nan giải khi các công ty tư vấn thuế, trong một hội thảo gần đây lại yêu cầu phải siết chặt điều kiện.

Theo đại diện các công ty này, hiện nay các văn phòng luật sư cũng đang hành nghề… đại lý thuế. Họ lo ngại các luật sư không có nghiệp vụ kế toán sẽ không giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp được thuế.

"Với những quy định về kinh doanh đại lý thuế, tôi cho rằng có thể đây là một trường hợp điển hình cho việc dùng chính sách để loại đối thủ cạnh tranh trên thị trường", theo PGS.TS. Trần Đình Thiên. (Xem tiếp)

Cần kiên định không trả lãi tiền gửi bằng USD

Trước xu hướng tăng của USD, có ý kiến cho rằng, nên nâng trần lãi suất tiền gửi so với mức 0% hiện nay để "giữ chân" dòng vốn ngoại tệ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để ổn định tỷ giá, chống tình trạng đô-la hóa..., Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiên định với chính sách không trả lãi suất đối với tiền gửi bằng USD.

Việc khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán khiến không ít người cho rằng, là do USD tăng giá và gửi USD sẽ nhận lãi suất hấp dẫn hơn, dòng kiều hối theo đó cũng sẽ quay ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất cao, khi mà Việt Nam đang duy trì lãi suất huy động USD ở mức trần 0%.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc khối ngoại bán ròng thời gian qua chủ yếu là để tái cơ cấu danh mục, chứ không xuất phát từ nguyên nhân USD tăng giá, đồng thời cũng không tác động nhiều đến dòng kiều hối. (Xem tiếp)

Câu chuyện đằng sau 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân là gì?

Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD, chưa được huy động hết, theo nhận xét của ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của World Bank.

Ông Alatabani cho biết nguồn vốn nhàn rỗi này là một tiềm năng lớn, trong dài hạn, Việt Nam cần tìm cách để huy động được số tiền này.

Ở một khía cạnh khác, một lượng tiền lớn nhàn rỗi trong dân cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách, khi mà tổng tiết kiệm trong nước và tiết kiệm bên ngoài trong nhiều năm đã lớn hơn tổng đầu tư, theo ý kiến của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

"Việt Nam cơ bản đã tự do hóa cán cân vãng lai nhưng cán cân vốn vẫn còn hạn chế", ông nói và nhận xét "chỉ có cách khéo léo mở dần, như thế vừa thu hút được nguồn lực bên ngoài, vừa kết hợp được nguồn lực tài sản tài chính hàng chục tỷ USD chưa tận dụng được". (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/le-ra-phai-doi-xu-voi-nguoi-nop-thue-nhu-thuong-de-3466397.html