Lễ Thất Tịch ở Trung Quốc: Ngày các cô gái chứng minh sự trưởng thành, tìm kiếm mối tình sắt son như Ngưu Lang- Chức Nữ

Lễ Thất Tịch là ngày hội truyền thống ở Trung Quốc để các cô gái trẻ thể hiện sự khéo léo, đảm đang và cầu mong có được tình yêu sắt son như Ngưu Lang - Chức Nữ.

Nếu ngày 14/2 Dương lịch là ngày Valentine của các nước phương Tây thì ngày Thất Tịch mồng 7/7 Âm lịch được coi là lễ tình nhân ở Trung Quốc.

Một số quốc gia Đông Á khác cũng kỷ niệm ngày lễ này. Ở Hàn Quốc gọi là lễ Chilseok. Ở Nhật Bản, lễ hội này để kỷ niệm ngày gặp gỡ của Orihime (sao Chức Nữ) và Hikoboshi (sao Ngưu Lang), gọi là lễ Tanabata, nhưng theo Dương lịch.

Lễ Thất Tịch, hay còn gọi là lễ Khất Xảo, Theo các thông tin xuất hiện trong các ghi chép lịch sử và tắc phẩm văn học, người Trung Quốc tin rằng lễ Thất Tích bắt nguồn từ thời nhà Hán (206 TCN – 220).

Tuy nhiên, cũng có nhiều chứng cứ cho thấy lễ thật Tịch thậm chí còn tồn tại từ 3.000 - 4000 năm trước, khi con người bắt đầu quan tâm đến thiên văn học, và sự sùng bái các chòm sao được hình thành tự nhiên, không chỉ có mỗi sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ.

Thất Tịch còn được coi là lễ tình nhân ở Trung Quốc với truyền thuyết về tình yêu vĩnh cữu của Ngưu Lang - Chức Nữ.

Về truyền thuyết về ngày lễ Thất Tịch có rất nhiều dị bản, tuy nhiên chỉ xoay quanh đến chuyện tình vĩnh cửu của hai nhân vật Ngưu Lang và Chức Nữ, một trong Tứ đại truyền thuyết dân gian của Trung Quốc.

Truyện kể rằng: "Ngưu Lang là một thanh niên nghèo, chỉ có một chú bò già bầu bạn. Một hôm, nhân lúc các tiên nữ xuống trần gian tắm rửa, Ngưu Lang đã lấy cắp một bộ quần áo của họ. Các tiên nữ hoảng loạn vội vàng mặc quần áo trở về trời, duy chỉ có Chức Nữ không thể rời đi.

Chức Nữ sau đó đã đồng ý với lời cầu hôn của Ngưu Lang, hai người trải qua cuộc sống nông điền bình dị, nhưng vô cùng hạnh phúc và có với nhau hai người con một trai một gái.

Chẳng bao lâu, chuyện đến tai Ngọc Hoàng và Vương Mẫu, vô cùng tức giận, liền cử thiên tướng hạ giới bắt Chức Nữ về. Ngưu Lang vội vàng đuổi theo đến tận cổng Thiên Đình. Vương Mẫu thấy vậy liền tạo một dòng thiên hà khổng lồ, sóng cuộn ngập trời chia cách đôi tình nhân.

Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ có thể ngày ngày rơi lệ, cách bờ trông ngóng. Tới một ngày, các con quạ thấy thương cảm mối tình của hai người và chúng bay lên trời tạo ra cây cầu Ô Thước để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng Bảy âm lịch".

Truyền thuyết xa xưa dần trở thành một nét văn hóa, và dấu ấn tình yêu vĩnh cữu của Ngưu Lang - Chức Nữ là cũng khiến lễ Thất Tịch trở thành dịp để những ai yêu thương nhau bày tỏ cảm xúc trân trọng đối phương và thể hiện một tình yêu thuần khiết đáng quý nhất trên đời.

Một cô gái tham gia thử thách "xâu kim Khất Xảo".

Tại Trung Quốc, các hoạt động mừng lễ Thất Tịch diễn ra sôi nổi hơn cả. Vào ngày này, các cô gái còn độc thân thường đi chùa cầu duyên và tham gia các hoạt động thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay như "xâu kim Khất Xảo".

Người phụ nữ tham gia trò chơi sẽ xâu sợi chỉ ngũ sắc xuyên qua liên tiếp 7 hoặc 9 lỗ kim dưới ảnh trăng. Ai có thể xâu thành công trong thời gian ngắn nhất sẽ được gọi là "Đắc Xảo", như một danh hiệu chứng minh cho sự khéo léo và được nàng Chức Nữ ban phúc trong đường tình duyên.

Ngoài ra, vào ngày này người Trung Quốc còn gieo các 5 loại hạt đỗ hay tiểu mạch trong chiếc đĩa thấm ẩm, đến khi chúng nảy mầm lại dùng một sợi dây đỏ kết thành 1 bó, gọi là "Ngũ Sinh bồn", với mong muốn cầu phúc trong đường con cái.

Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như thả hoa đăng, sơn móng tay, rửa lược,...

Bánh Xảo Quả, món ăn không thể thiếu trong ngày Thất Tịch ở Trung Quốc.

Bánh Xảo Quả là một món ăn không thể thiếu trong ngày lễ Thất Tịch ở Trung Quốc. Một loại bánh ngọt rán mỏng với thành phần chính gồm dầu, bột mỳ, đường, mật ong và mè đen.

Xảo Quả không đơn giản chỉ là một món ăn, tặng Xảo Quả cho người thương trong ngày Thất Tịch đồng nghĩa với lời tỏ tình ngọt ngào say đắm nhất, như vị ngọt của chính loại bánh này.

Tại Việt Nam, các hoạt động trong ngày lễ Thất Tịch không đa dạng và đặc sắc như các quốc gia Đông Á. Tuy nhiên, những năm gần đây, giới trẻ trong nước cũng bắt đầu hình thành những trào lưu nhằm kỷ niệm ngày lễ này.

Nhiều cặp đôi còn đưa nhau đến chùa để cầu nguyện hay ăn đậu đổ để hi vọng sẽ tìm được tình yêu son sắt vững bền như tình yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ dành cho nhau.

Hoa Vũ (Theo Sohu)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/le-that-tich-o-trung-quoc-ngay-cac-co-gai-chung-minh-su-truong-thanh-tim-kiem-moi-tinh-sat-son-nhu-nguu-lang-chuc-nu-a336365.html