Lê Trọng Nghĩa và Tiếng Việt ân tình

Lê Trọng Nghĩa - chủ nhiệm trang Tiếng Việt giàu đẹp trên mạng xã hội, chủ biên cuốn sách Tiếng Việt ân tình (Nhà xuất bản Thế giới và Thái Hà Books ấn hành) hy vọng tác phẩm đầu tay này sẽ 'góp phần mang cái hay, cái đẹp của tiếng mẹ đẻ tiếp cận với cộng đồng yêu tiếng Việt một cách mới mẻ, gần gũi và thiết thực'.

Lê Trọng Nghĩa sinh năm 1995, là kỹ sư trí tuệ nhân tạo.

Cuốn sách Tiếng Việt ân tình do tác giả Lê Trọng Nghĩa chủ biên trình bày, giải nghĩa một cách ngắn gọn, súc tích những từ Hán Việt, những câu tục ngữ thành ngữ hay những địa danh trên mọi miền đất nước. Qua đó cho thấy, mỗi tên gọi, mỗi câu từ, đều có công sức của bao thế hệ tiền nhân đi trước tích góp vào kho tàng tiếng Việt, làm ngôn ngữ ngày càng phong phú và phát triển. “Chúng tôi hy vọng người đọc được giải đáp một số thắc mắc, khám phá được nhiều điều thú vị trong ngôn ngữ dân tộc mình, cảm nhận sâu sắc hơn và từ đó hứng thú, thêm yêu tiếng mẹ đẻ của mình” - Lê Trọng Nghĩa nói.

Tiếng Việt phong phú, mến thương

* Tựa sách Tiếng Việt ân tình rất hay. Anh có thể lý giải vì sao chọn tựa sách này?

- Tựa sách Tiếng Việt ân tình được lấy ý tưởng từ bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bài này có câu cuối là “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình”, sau được biên tập thành “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”. Tôi rất ấn tượng với câu thơ đơn giản nhưng gợi lên nhiều cảm xúc da diết, thân thương này. Quả thật với mỗi người chúng ta, “ân” và “tình” của tiếng Việt thật sâu, thật nặng phải không?

“Tiếng Việt đẹp vô cùng bởi cách dùng từ, bởi sự vận dụng linh hoạt những từ mượn; bởi các câu tục ngữ, ca dao; bởi tên địa danh, tên món ăn, đồ uống... Đó là những tinh hoa đã được ông cha đúc kết lại qua lịch sử mấy ngàn năm” - tác giả LÊ TRỌNG NGHĨA chia sẻ.

“Ân” ở chỗ nhờ có tiếng Việt mà tinh thần dân tộc, bản sắc văn hóa được giữ gìn, để nước Việt Nam có thể tồn tại đến ngày nay. Tiếng Việt còn là sợi dây thắt chặt thâm tình giữa người Việt với nhau, để dù đi đến chân trời bốn bể, chỉ cần nghe ai đó nói được tiếng Việt ta đã thấy gần gũi vô cùng. Nhờ có tiếng Việt, thế hệ sau có thể hiểu hơn về thế hệ trước, để biết ông cha đã sống như thế nào, đã có những thành tựu gì để thêm tự hào và phát huy những giá trị của dân tộc.

Tiếng Việt thật sự là một ngôn ngữ đậm chất “tình” khi có vô vàn từ ngữ để diễn tả những trạng thái cảm xúc với nhiều sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, nói về “buồn”, ta không chỉ có “rất buồn”, “buồn lắm”... mà còn có “buồn hiu”, “buồn thiu”, “buồn rười rượi”, “buồn rũ rượi”, “buồn thê thiết”, “buồn da diết”...

Tiếng Việt còn đong đầy cảm xúc trong trong cách vợ gọi chồng: “mình ơi” - coi bạn đời như chính bản thân mình vậy. Ta có thể thấy trong từng câu, từng chữ của tiếng Việt, chất “tình” hiện lên rất rõ.

Lê Trọng Nghĩa cho hay Tiếng Việt ân tình tập 2 tiếp tục ra mắt độc giả dự kiến vào tháng 9-2024, nhân dịp đợt hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt với những buổi tọa đàm, giao lưu thú vị về tiếng Việt từng nhận được sự quan tâm ủng hộ của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, trong đó có giáo sư Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam), PGS-TS Phạm Văn Tình, tiến sĩ Nguyễn Thế Dương, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ…

Tự hào và hiểu tiếng Việt

* Theo anh, điểm cốt lõi của cái hay, cái đẹp của tiếng Việt là gì?

- Cái hay, cái đẹp của tiếng Việt là hệ thống thanh điệu đa dạng, vốn từ phong phú. Tôi xin nhấn mạnh thêm một ý vô cùng quan trọng là tiếng Việt của chúng ta rất linh hoạt. Nhờ sự linh hoạt này mà ta có rất nhiều cách chơi chữ mà không phải ngôn ngữ nào cũng có được. Và cũng nhờ linh hoạt, tiếng Việt sẵn sàng tiếp thu cái hay của các ngôn ngữ khác như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer… rồi vận dụng sáng tạo vào chính hệ thống từ vựng của mình mà không bị mất đi bản sắc. Điều này quý độc giả có thể thấy rất rõ trong những bài viết của sách Tiếng Việt ân tình.

* Anh nghĩ sao về những khác biệt trong phương ngữ vùng miền trong tiếng Việt?

- Có thể nói, phương ngữ tiếng Việt vô cùng đa dạng, phong phú. Là người may mắn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với người thuộc nhiều vùng miền khác nhau, tôi có cơ hội tìm hiểu rất kỹ các phương ngữ này. Đó không chỉ đơn thuần là từ khá phổ biến như miền Bắc gọi “lợn”, miền Nam gọi “heo” mà còn ẩn trong những cách dùng rất vi tế mà bản thân người bản xứ cũng ít khi nhận ra được.

Sách Tiếng Việt ân tình được bạn đọc ủng hộ và tái bản chỉ sau 2 tuần phát hành trong tháng 3-2024.

Chẳng hạn miền Bắc dùng “em bảo này”, miền Nam dùng “em nói nè”. Hay từ “béo” tưởng chừng chỉ phổ biến ở miền Bắc thì thực tế miền Nam cũng dùng nhưng không phải để chỉ thân hình mà để chỉ độ ngậy của thức ăn. Miền Trung thì càng đặc thù hơn với những từ như “chi”, “mô”, “răng”, “rứa” vốn được biến đến nhiều.

Có thể nói, phương ngữ là một đề tài rất thú vị và còn rất nhiều điều hấp dẫn cần khám phá. Điều này giúp chúng ta có thể tự hào hơn về sự đa dạng của tiếng Việt, từ đó thêm yêu, thêm trân quý ngôn ngữ quê nhà.

* Xin cảm ơn anh!

Không phải ai cũng hiểu rõ và sử dụng đúng cách từ ngữ tiếng Việt. Theo anh làm sao để cải thiện vấn đề này?

- Tất cả chúng ta có niềm tự hào về dân tộc mình thì sẽ chủ động bằng mọi cách tìm hiểu sâu rộng tiếng mẹ đẻ, từ đó sử dụng tiếng Việt một cách chuẩn xác hơn. Mà “có hiểu thì mới có thương”, để cộng đồng yêu tiếng Việt thì phải cho họ hiểu về vẻ đẹp, những điều thú vị xoay quanh tiếng Việt. Trong thời đại phổ biến của mạng xã hội và nhu cầu học ngoại ngữ, các bạn trẻ cần hiểu rõ cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ quê nhà hơn bao giờ hết. Đó cũng là điều mà nhóm Tiếng Việt giàu đẹp chúng tôi đang nỗ lực thông qua những bài viết chia sẻ những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt của mình.

Cẩm Điệp (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/le-trong-nghia-va-tieng-viet-an-tinh-2cf4ba4/