Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Ngày 23/8 (tức ngày 26/7 năm Nhâm Dần) Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 80 của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tại Khu lưu niệm mang tên đồng chí (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Quang cảnh Lễ giỗ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Nguồn:baonghean.vn

Tại lễ dâng hương, tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Hưng Nguyên và đại diện dòng họ Lê xã Hưng Thông.

Trong không khí thiêng liêng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cùng các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương trước anh linh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; bày tỏ lòng thành kính trước những công lao, sự hy sinh của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Diễn văn tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Bí thư huyện ủy Hưng Nguyên (Nghệ An) Nguyễn Thị Thơm nhấn mạnh, lễ giỗ thứ 80 của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là dịp đặc biệt để chúng ta tưởng nhớ đến công lao to lớn của đồng chí, ôn lại thân thế, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng, với đất nước, quê hương, cũng như đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồng thời, đây là dịp để nhắc nhở chúng ta tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa mong muốn của đồng chí khi rời quê hương đi tìm đường cứu nước "Nếu không làm rạng rỡ non sông đất Việt thì không trở về".

Đồng chí Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Dục, sau đổi là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Năm 1924, Lê Huy Doãn và những người cùng chí hướng tìm đường sang vùng Đông Bắc Thái Lan hoạt động cách mạng và đổi tên mới là Lê Hồng Phong. Tại Quảng Châu, tháng 4 năm 1924, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Tâm tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước.

Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và từ đây, dưới sự dẫn dắt, đào tạo của Người, Lê Hồng Phong trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sĩ cộng sản Quốc tế kiên cường. Tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc chọn Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sau đó trở thành nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Các đại biểu dâng hương, dâng hoa tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Nguồn baonghean.vn

Tháng 3 năm 1934, tại Ma Cao (Trung Quốc) đồng chí Lê Hồng Phong cùng với các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt bàn kế hoạch thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để thống nhất lãnh đạo các tổ chức Đảng, tiến tới tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài.

Tháng 6 năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị các đại biểu tổ chức Đảng từ trong nước sang họp với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Sau cuộc họp quan trọng này, theo triệu tập của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài cử các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow, tại Đại hội, đoàn được gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Trong khi đoàn đang ở Moscow, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng được triệu tập. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký của Đảng (Tổng Bí thư). Đại hội cũng đã chuẩn y việc Ban Chỉ huy ở ngoài cử đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và chỉ định thêm các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc (đang ở Moscow), Phạm Văn Xô, Nguyễn Chánh Nhì tham gia đoàn.

Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, được Đại hội bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho thành công của Đại hội.

Sau nhiều năm hoạt động cách mạng và có những đóng góp quan trọng cho Đảng, đất nước và dân tộc, nhận thấy vai trò chủ chốt của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc, ngày 22/6/1939, thực dân Pháp đã bắt đồng chí Lê Hồng Phong. Đồng chí bị Tòa án Sài Gòn kết án 6 tháng tù giam, 3 năm quản thúc, sau đó cho về giam lỏng ở quê.

Đến năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man. Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.

Do nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe đồng chí suy kiệt. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942. Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn lại, "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Lê Hồng Phong là tấm gương sáng của một nhà hoạt động cách mạng quốc tế nhiệt thành, kết hợp nhuần nhuyễn Chủ nghĩa yêu nước chân chính với Chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Trong những năm học tập tại Trung Quốc và Liên Xô, đông chí Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau này, trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng Sản, đồng chí đã có điều kiện để cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta gắn kết phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, giúp phong trào Cộng sản Quốc tế hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Bốn mươi tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí Lê Hồng Phong đã luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình của mình. Vì Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từ biệt gia đình để bôn ba đi tìm con đường cách mạng cho đất nước. Khi Đảng và nhân dân cần, Lê Hồng Phong đã nhiều lần quay trở về để hoạt động cách mạng, gây dựng phong trào cách mạng dù biết rằng kẻ địch nguy hiểm, tính mạng của mình luôn bị đe dọa", Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Nguyễn Thị Thơm nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/le-tuong-niem-co-tong-bi-thu-le-hong-phong-n56956.html