Lễ Vu Lan và nghi thức Bông hồng cài áo – Một nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Hàng năm cứ vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch là ngày lễ Vu Lan trở về. Vào ngày này tại các chùa ở Việt Nam và Trung Quốc thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông để cầu nguyện cho cha mẹ được khỏe mạnh, yên vui. Những ai không còn cha mẹ thì cầu mong cho cha mẹ được bình an nơi cõi Phật. Đồng thời, được nghe các thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành. Riêng ở Việt Nam còn có một hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa là nghi lễ Bông hồng cài áo.

Công cha nghĩa mẹ đong đầy
Vu Lan báo hiếu mong người đừng quên!

Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750 - 801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào. Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.

Lễ Vu Lan báo hiếu tại Pháp Viện Minh Quang Đăng – TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Xuân Vinh)

Xuất phát từ sự tích về bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Đây là ngày lễ hàng năm tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thành thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm đến tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu Lan bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hẵy sắm sử lễ cúng vào ngày đó”. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này (Vu Lan - Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Trong những ngày này khi lên chùa, chúng ta sẽ không xa lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động: dù già hay trẻ, trai hay gái đến dự lễ Vu Lan đều thành kính và tràn ngập trong cảm xúc khi được một bông hoa hồng cài lên ngực áo. Nghi thức bông hồng cài áo, theo GS -TS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, xuất phát từ áng văn viết về Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được viết trong những năm 1960. Trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng ông một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc cùng tên của nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.

Bông hồng ngày Vu Lan cài lên áo (Ảnh: Xuân Vinh)

Bông hoa hồng với ý nghĩa và biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về cha, mẹ và cài lên ngực hoa hồng như thể hiện sự kính trọng nhất đối với bậc sinh thành. Đó là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc cha mẹ. Bông hồng màu đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng màu trắng cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời. Đó cũng như là lời nhắc nhở rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Vì con người khi thực hiện được vẹn tròn chữ “Hiếu” thì mới có thể thực hiện được trách nhiệm công dân của mình với với gia đình, quốc gia, dân tộc. Từ đó mới có thể sống đúng nghĩa là một “con người” với đầy đủ chân – thiện – mỹ.

Khi chúng ta được cài một bông hồng lên ngực áo, thật gần với trái tim, và có lẽ chúng ta cũng cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, mỗi người chỉ có một cha, mẹ, có một gia đình, mất đi những cái đó có thể không bao giờ còn có lại. Vì thế cha mẹ, gia đình là tài sản, là di sản yêu thương nhất, cao quý nhất và thiêng liêng nhất của mỗi cuộc đời chúng ta.

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, hai vai đã mang nặng công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ muôn đời cũng không kể được. Công ơn Mẹ Cha, một đạo lý sâu sắc nhất mà mỗi con người chúng ta ai cũng phải nghĩ đến. Nhớ câu tục ngữ “Nước mắt chảy xuôi”; “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; “Có cha có mẹ thì hơn, Không cha không mẹ như đờn đứt dây”… để nói về công cha nghĩa mẹ đối với con cái là vô bờ, vô bến.

Vì vậy, ngày lễ Vu Lan chính là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hóa Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Một mùa Vu Lan nữa lại về, nhắc nhở mỗi con người chúng ta bài học sâu sắc về chữ Hiếu thiêng liêng, đừng để đến khi cài hoa trắng lên ngực mới hối hận vì chưa tròn chữ Hiếu./.

Xuân Vinh (T/h)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/le-vu-lan-va-nghi-thuc-bong-hong-cai-ao-%E2%80%93-mot-net-dep-trong-van-hoa-cua-nguoi-viet-63486