'Lên dây cót' cho năm mới

Khai trương là tập tục được các doanh nghiệp, cửa hàng, nơi sản xuất - kinh doanh… thực hiện đầu năm, để bắt đầu cho một năm làm ăn mới. Không chỉ mang ý nghĩa cầu tài, lộc cho gia chủ, cơ quan, đơn vị, khai trương đầu năm còn là hình thức 'lên dây cót' tinh thần để cùng nhau phấn đấu một năm mới đạt nhiều thắng lợi.

Những ngày này, lịch biểu diễn phục vụ Tết và khai trương năm mới ở các Đoàn lân-sư-rồng hầu như dày đặc. Một thành viên Câu lạc bộ lân - sư - rồng Huỳnh Trung Đường cho biết, múa lân đã trở thành một tiết mục biểu diễn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến hoặc lễ khai trương, mở cửa buôn bán trở lại. Múa lân là gọi tắt của múa lân - sư - rồng, theo đó, lân - sư - rồng là 3 con vật thần thoại tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và may mắn. Trong khi biểu diễn, người ta có thể kết hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả 3 thể loại lân - sư - rồng với nhau, làm phong phú thêm các tiết mục biểu diễn. Có những tiết mục quy tụ hàng chục người và thực hiện hàng loạt động tác múa, nhào lộn, với những bài múa đòi hỏi kỹ thuật đỉnh cao như múa trên Mai Hoa Thung.

Múa lân trong nghi thức khai trương đầu năm

Khai trương đầu năm là hình thức tín ngưỡng dân gian, ở mỗi vùng, miền có cách thức khác nhau. Nhưng ý nghĩa của khai trương nhằm mục đích “báo cáo” cho “thổ công” và các vị “thần linh” về việc bắt đầu kinh doanh trong năm mới và cầu mong “thần linh” phù hộ, che chở để gia chủ, cơ quan, doanh nghiệp có một năm làm ăn “thuận buồm, xuôi gió”, nhiều thắng lợi mới.

Tùy theo công việc hoặc tuổi của gia chủ mà lễ cúng khai trương sẽ được tổ chức vào những thời điểm khác nhau. Có người cúng khai trương ngày mùng 1 Tết, nhưng thông thường chọn những ngày chẵn như: mùng 2, mùng 6, mùng 8 Tết hoặc chọn ngày mùng 9 Tết để cầu mong công việc “hanh thông”, “trường cửu”, hoặc cúng ngày mùng 10 Tết là ngày “Vía Thần Tài” để cầu tài lộc, sung túc cả năm. Mâm cúng rất phong phú, như: heo quay, gà luộc, trái cây, bánh bao, bắp luộc, hoa tươi, gạo, muối… dù hoành tráng hay đơn giản cũng phải đủ đầy mâm cúng sao cho tươm tất.

Khai trương đầu năm để mở màn cho một năm làm việc với nhiều kỳ vọng mới

Năm nay bắt đầu làm việc từ mùng 7 Tết, nhiều doanh nghiệp, cơ sở tổ chức cúng khai trương trong ngày này. Mâm cỗ được dọn ra trong khói hương phảng phất là tiếng trống lân rộn ràng với những màn biểu diễn đẹp mắt càng khích lệ tinh thần thêm phấn chấn trong năm mới. Tại các ngân hàng, ngay khi khai trương, rất đông khách hàng đến giao dịch để đón “lộc”, “tài” cho năm mới. Các giao dịch gửi tiền vào tài khoản, gửi tiền tiết kiệm… diễn ra rất nhộn nhịp trong ngày khai trương đầu năm. Có mặt tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội Chi nhánh An Giang, chị Mai (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: “Năm nào mình cũng ghé gửi tiền trong ngày khai trương của ngân hàng để tìm vận may trong năm mới. Chủ yếu là sự tín ngưỡng, đầu năm đi gửi tiền để kỳ vọng năm mới sẽ làm ăn khấm khá hơn”… Ở các doanh nghiệp vận tải, sau khi cúng khai trương còn tổ chức thành đoàn xe hàng chục chiếc “diễu hành” trên đường phố. Còn ở các cơ quan, doanh nghiệp, ngay sau lễ khai trương là thủ tục “lì xì” năm mới của lãnh đạo để nhân viên phấn chấn trong năm mới và bắt tay vào công việc.

Sau Tết Nguyên đán, một năm mới bắt đầu với nhiều kỳ vọng mới. “Lên dây cót” tinh thần để cùng nhau phấn đấu nỗ lực nhiều hơn, vượt qua khó khăn để thực hiện thắng lợi những hoạch định phía trước.

Trong tín ngưỡng văn hóa dân gian, người Việt Nam rất coi trọng nghi thức cúng khai trương đầu năm để mở màn cho một năm sản xuất - kinh doanh thuận lợi, hanh thông. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nghi thức này được giữ gìn, phát huy, bởi là nét đẹp truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/-len-day-cot-cho-nam-moi-a240328.html