Lên Hà Giang, nhất định phải đến 'nhà của Pao'

'Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang' là câu thơ đế miêu tả về vị trí địa lý của tỉnh địa đầu Tổ Quốc này. Đến xứ rừng thiêng, du khách nhất định phải ghé 'nhà của Pao'.

Pao là ai?

Một cảnh trong phim "Chuyện của Pao".

Pao là tên gọi của nhân vật nữ chính trong phim truyện nhựa "Chuyện của Pao" do diễn viên Hải Yến thủ vai. Bộ phim "Chuyện của Pao" được chuyển thể từ tác phẩm "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy, một người con gốc Hà Giang và có những thành công trên văn đàn Việt.

Ngôi nhà hiện đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Giang.

Bối cảnh để quay bộ phim "Chuyện của Pao" được đạo diễn Ngô Quang Hải lựa chọn ở thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Sau khi bộ phim được công chiếu, vẻ đẹp hoang sơ, dân dã, bình yên của "nhà cô Pao" đã trở thành một địa điểm du lịch không thể không nhắc đến mỗi khi du khách lên thăm Hà Giang.

Ngoài "nhà của Pao" còn có Dinh thự họ Vương

Một góc dinh thự nhà họ Vương nhìn từ trên cao.

Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo bậc nhất Hà Giang, dinh thự họ Vương nằm ở thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 125km, cách thị trấn Đồng Văn 15km. Dinh thự này gắn liền với cuộc đời của “Vua Mèo” Vương Chính Đức (1865-1947) và con trai ông là Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành) (1886-1962 ). Vương Chính Đức, người dân tộc Mông, từng là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông ở khu vực Đồng Văn, Hà Giang đầu thế kỷ 20; được gọi là Vua Mèo. Còn Vương Chí Thành là người đi theo cách mạng và trở thành đại biểu Quốc hội khóa 1, 2 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Dinh thự nhà họ Vương được định giá 150 tỷ đồng.

Ghé thăm Phó Bảng

Thị trấn Phó Bảng bình yên và lặng lẽ.

Thị trấn Phó Bảng là bối cảnh chính của bộ phim "Lặng yên dưới vực sâu" vừa phát sóng trên VTV thời gian vừa qua. Cảnh yên bình và lặng lẽ của thị trấn này chinh phục được cảm quan của du khách trăm miền.

Một cảnh trong phim "Lặng yên dưới vực sâu" được quay tại Phó Bảng. Sau khi bộ phim lên sóng, rất nhiều du khách đã tìm đến thị trấn này để khám phá và nghỉ ngơi.

Có thể nói, với những tiềm năng sẵn có về cảnh thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ và độc đáo, Hà Giang từ một tỉnh nghèo đã dần "tiếp thị" được bản thân với du khách, mở rộng tiềm năng khai thác du lịch sinh thái tại địa phương, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.

Thuộc huyện Đồng Văn, thị trấn này cách tuyến đường Yên Minh - Đồng Văn khoảng 5km, Phó Bảng là một thị trấn cổ khá lặng lẽ so với các địa điểm nổi tiếng khác ở Hà Giang hùng vĩ. Đến Phó Bảng, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian sống tĩnh mịch và chầm chậm, hệt như cách mà người dân ở miền biên thùy này vẫn hàng ngày để thời gian trôi ngoài cửa.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là "Công viên địa chất toàn cầu" năm 2010. Với những lớp lang trầm tích hàng triệu năm, sở hữu một bản sắc văn hóa phong phú với nhiều dân tộc đa dạng như H'Mông, Người Lô Lô, Pu Péo, Dao...

Đến thăm Hà Giang, ngoài những địa điểm nổi tiếng kể trên, còn rất nhiều danh thắng kì vĩ chờ đợi du khách khám phá như đỉnh Mã Pí Lèng, rừng thông Yên Minh, dốc Bắc Sum, hồ Nong, dốc Thẩm Mã, thung lũng Sủng Là, cột cờ Lũng Cú, Hoàng Su Phì...

Là tỉnh cực đầu Tổ Quốc, có biên giới giáp Trung Quốc, Hà Giang là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng trong khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm treckking. Thời gian gần đây cùng với sự phát triển của mạng xã hội, Hà Giang đang từng bước tiếp cận được với khách du lịch và người dân nơi đây bắt đầu chuyển dịch sang loại hình dịch vụ để phục vụ du khách.

Tuy nhiên, cũng như một vài tỉnh nghèo đang có "tăng trưởng nóng" về du lịch, Hà Giang vẫn chưa có những phương án để tối ưu hóa các loại hình du lịch, nhằm mang lại công việc ổn định cho người dân và tạo ấn tượng đẹp với du khách ngay từ lần đầu ghé thăm "đầu trời" này.

Chu Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/len-ha-giang-nhat-dinh-phai-den-nha-cua-pao-75050.html