Lên kịch bản cho lễ hội Hà Nội 2020

Chỉ còn 3 tuần nữa, mùa lễ hội của Hà Nội và cả nước sẽ khai màn. Là một trong những địa phương sở hữu nhiều lễ hội cấp quốc gia và cấp vùng (1.206 lễ hội), Hà Nội đang lên các phương án chuẩn bị cho mùa hội văn minh, an toàn, đặc biệt là xây dựng kịch bản mới cho các 'điểm nóng' còn rơi rớt của năm trước.

Lễ hội Gióng, huyện Sóc Sơn năm 2019. Ảnh: Chiến Công

Lễ hội Gióng, huyện Sóc Sơn năm 2019. Ảnh: Chiến Công

Hết nghẽn đò ở chùa Hương?

Mùng 6 tháng Giêng, lễ hội chùa Hương khai hội. Nhưng từ mùng 2 Tết, hàng nghìn người đã nườm nượp kéo về suối Yến, nhịp bước lên động Hương Tích cầu tài, cầu lộc và sự bình an cho năm mới. Hiện nay, đường Quốc lộ 21B, nối dài từ trung tâm Hà Nội về chùa Hương đã được sửa sang. Bến Yến cũng được kè đá hai bên. Hệ thống hàng quán được sắp xếp trật tự, không để tình trạng nhô ra thụt vào như năm trước. Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cũng mới tổ chức 4 buổi tập huấn cho chủ nhà hàng và chủ đò, bảo đảm thái độ đón khách niềm nở, không chặt chém, vòi tiền du khách.

Đối với một số lễ hội còn bảo tồn hoặc phát sinh hoạt động nghi lễ mang tính nhạy cảm, bạo lực, Sở VH&TT cũng đề nghị Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội kịp thời tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý nhằm bảo tồn những yếu tố phù hợp với thuần phong mỹ tục, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, nhạy cảm, mang tính bạo lực.

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) Ngô Văn Nam

Tuy nhiên, đây cũng là những công việc thường xuyên trước mùa lễ hội. Vào mùa hội, từ bến Yến đến cổng Thiên Trù, người người chen chúc nên đã không thể tránh khỏi tình trạng nghẽn đò, chủ nhà hàng “vượt rào” tăng giá, chủ đò vòi tiền “bo”. Điểm mới trong công tác quản lý, chấn chỉnh những vi phạm năm nay là Ban tổ chức lễ hội sẽ sắp xếp khoảng trên 4.000 chiếc đò đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách. “Với giai đoạn cao điểm, có thể xảy ra tình trạng nghẽn đò nhưng lực lượng an ninh, trật tự sẽ được bố trí dày đặc để phân luồng trên suối Yến, không để tình trạng nghẽn tắc kéo dài” - Trưởng phòng VH&TT huyện Mỹ Đức Hoàng Mạnh Tấn cho biết. Ngoài ra, Ban quản lý Lễ hội chùa Hương cũng sẽ tăng cường xử phạt với hiện tượng nhồi khách, chạy xuồng máy. Ngay sau khi có phản ánh về đường dây nóng, tổ kiểm tra liên ngành sẽ phản ứng nhanh để kiểm tra xử lý.

Nói không với giằng, cướp lộc trong lễ hội

Sau một năm thực hiện kế hoạch bỏ tất lộc vào sáng ngày 6 tháng Giêng tại Lễ hội đền Sóc, bà con Nhân dân huyện Sóc Sơn, đặc biệt trong đó có thôn Vệ Linh và thôn Đan Tảo (2 thôn được giao nhiệm vụ làm giò hoa tre và giò cau dâng thánh) đã đồng tình ủng hộ. Trưởng phòng VH&TT huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho biết: “Hình thức tổ chức các đoàn rước lễ vật tại Lễ hội đền Sóc 2020 cơ bản sẽ giống năm 2019 để bảo đảm không xảy ra tình trạng chen lấn, cướp lộc. Huyện chủ trương vào mùa lễ hội 2020 sẽ tăng cường công tác tuyên truyền văn minh lễ hội để người dân và du khách có những ứng xử đẹp như không vứt rác bừa bãi, xếp hàng trật tự...”.

Phương án bỏ cướp lộc của cơ quan quản lý đã được người dân địa phương ủng hộ. Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vệ Linh Trịnh Nhật Nam chia sẻ, trong 2 năm 2018 và 2019, khi mới được cơ quan quản lý thông báo bỏ cướp lộc chuyển sang tán lộc, xong lại chuyển tán lộc từ sáng sang chiều người dân băn khoăn, không đồng ý ngay. Đặc biệt, các cụ cao tuổi quan tâm sự thay đổi cách thức tổ chức lễ rước lộc Thánh liệu có ảnh hưởng đến niềm tin tâm linh trong lòng người dân Sóc Sơn? Nhưng sau 2 năm thực hiện, người dân hai thôn thống nhất với sự thay đổi này. Bởi sau những thay đổi, cuộc sống của người dân vẫn thuận hòa, không xảy ra những biến cố lớn, giải tỏa những băn khoăn ở góc độ tâm linh, hình ảnh phản cảm trong lễ hội cũng không còn.

Hiện nay, Hà Nội còn lại điểm nóng duy nhất là Lễ hội Giằng bông (Sơn Đồng, Hoài Đức). Mặc dù, năm 2019, nghi thức giằng bông không để xảy ra thương tích nhưng hình ảnh chen lấn, giằng co đến sứt tay, bật dép… ở sân đình đã bị truyền thông lên án. Chính vì vậy, năm nay, Sở VH&TT Hà Nội cùng với UBND huyện Hoài Đức đang nghiên cứu các phương án đổi mới công tác tổ chức lễ hội này. Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý cho mùa hội mới sắp bắt đầu, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) Ngô Văn Nam cho biết: Hiện nay, Sở đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về di tích lịch sử; phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian; hướng dẫn Nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội.

Hoàng Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/len-kich-ban-cho-le-hoi-ha-noi-2020-361648.html