'Lên mây' cùng những quảng cáo trên mạng xã hội: Siết chặt quản lý thế nào?

Không chỉ tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân cũng có thể thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội để bán hàng. Thậm chí, để khách hàng tin tưởng sản phẩm, một số đối tượng đã làm giả cả giấy tờ của cơ quan chức năng.

Làm giả giấy phép của Bộ Y tế

Mới đây, cơ quan chức năng đã triệt phá ổ nhóm bán hàng online ở tỉnh Lào Cai khiến dư luận ngỡ ngàng bởi doanh thu lên đến 10 tỷ đồng/tháng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng vi phạm khai nhận, hàng hóa được lấy từ Quảng Châu (Trung Quốc) nhưng giới thiệu là hàng hiệu. Sau đó, các đối tượng này quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội facebook rồi giao hàng đi toàn quốc.

Thực tế, hiện nay việc quảng cáo trên mạng xã hội, nhất là facebook được nhiều người thực hiện nhưng không ai quản lý, thu thuế. Người bán chỉ cần mở tài khoản, rồi chụp hình, viết bài giới thiệu về sản phẩm sao cho thu hút người xem. Thậm chí, không ít người bán còn bỏ tiền chạy quảng cáo faccebook để tăng tương tác bán hàng. Nhiều người vì tin tưởng nên đã đặt hàng, tuy nhiên đến khi nhận mới tá hỏa, bởi sản phẩm không như quảng cáo.

Điều làm nhiều người lo là các loại thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) cũng được quảng cáo rầm rộ. Hầu hết quảng cáo này đều vi phạm pháp luật như chưa được cấp phép quảng cáo, quảng cáo không đúng sự thật. Thậm chí, cả thuốc giả được quảng cáo là thuốc thật.

Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi vào vai bệnh nhân tìm mua thuốc chữa bệnh viêm xoang qua mạng xã hội. Ngay sau đó, tài khoản facebook Lê Phương đã quảng cáo bài thuốc chữa viêm xoang rất tốt, đã được Bộ Y tế cấp phép. Người này hỏi triệu chứng như thế nào, chúng tôi vừa nhắn trả lời thì lập tức Lê Phương gửi lại một loạt tin nhắn khẳng định bị viêm xoang rồi giới thiệu thuốc Tiêu xoang ngũ hoa, do Công ty Bình An (ở huyện Ba Vì, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Để "câu" khách, Phương cho biết, sản phẩm này đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Thấy chúng tôi nghi ngờ, Phương bèn gửi một bản xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, có chữ ký của ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. Ngày ký là 14/1/2019.

Một trường hợp quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội về thuốc kháng virus Corona bị xử lý

Một trường hợp quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội về thuốc kháng virus Corona bị xử lý

PNVN đã liên lạc với ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, để xác minh thông tin. Sau khi xem qua giấy tờ, ông Giang khẳng định, giấy xác nhận của Công ty An Bình là giả. Ông Giang cho biết, Cục An toàn thực phẩm không có chức năng cấp phép cho các bài thuốc Đông y và Cục cũng chưa từng cấp phép cho bài thuốc nào. Hơn nữa, trước ngày 14/1/2019, ông không ký các loại giấy tờ liên quan đến xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Bởi theo phân công thì một lãnh đạo khác của Cục ký các loại giấy tờ này.

Dư luận cho rằng, các loại giấy tờ giả được làm rất tinh vi, chỉ người trong ngành mới phát hiện được, còn người dân không thể nhận biết. Vì vậy, chắc chắn đã có không ít người mua phải loại thuốc này để sử dụng.

Thực tế, thời gian qua, các bệnh viện tuyến Trung ương cũng "kêu trời" về tình trạng quảng cáo mạo danh BV để bán thuốc. Đầu năm 2020, BV TƯ Quân đội 108 đã cảnh báo về tình trạng trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin sai sự thật về việc BV có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. Tuy nhiên, thực tế BV không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này.

Mới đây, ngày 28/4, BV TƯ Huế đã có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm về việc có một số đối tượng giả danh bác sĩ Trần Ngọc Khánh (khoa Ngoại Tổng hợp, BV TƯ Huế) và BV để sản xuất và bán thuốc uống, kem bôi, bột ngâm tiêu trĩ. Hiện, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển thông tin trên đến Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế để điều tra làm rõ vụ việc.

Cần xử lý mạnh tay hơn

Trao đổi với PNVN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết thời gian qua, Cục đang nỗ lực "dẹp loạn" TPCN, TPBVSK vi phạm quy định về quảng cáo.

Tuy nhiên, theo ông Phong, Cục gặp phải rất nhiều khó khăn. Thông thường, các sản phẩm quảng cáo đều có tên doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Song, khi Cục mời làm việc thì doanh nghiệp khẳng định không thực hiện quảng cáo mà có thể do cá nhân, đại lý nào đó thực hiện để bán hàng.

"Với những quảng cáo trên mạng xã hội, Bộ Y tế đã làm việc với đại diện facebook. Tuy nhiên, phía facebook đưa ra lý do là người thực hiện quảng cáo không vi phạm về chính sách cộng đồng. Vì thế, họ không thể khóa trang được hay xử lý được", ông Phong nói.

Như vậy, khác với quảng cáo trên các cơ quan báo chí chính thống, cần thực hiện đúng theo quy định thì trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân vô tư thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Cũng theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các website vi phạm. Tuy nhiên, các website đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xử lý. Với những website trong nước, mặc dù đều có tên người đăng ký mở website nhưng việc xử lý cũng khá chậm. Vì thế, khi cơ quan chức năng đang phối hợp làm việc thì Cục phải cảnh báo để người tiêu dùng không mua các sản phẩm quảng cáo sai sự thật, vi phạm pháp luật.

Về giải pháp xử lý, ông Phong cho biết, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Với những doanh nghiệp chối bỏ sản phẩm quảng cáo vi phạm, hoặc đặt máy chủ ở nước ngoài, Cục có thể sẽ thanh tra đột xuất các nội dung khác. Ngoài ra, Cục đã gửi công văn sang các bộ, ngành, Văn phòng chính phủ đề nghị vào cuộc quyết liệt hơn. Ví dụ, với Bộ Công Thương, Cục đề nghị quản lý chặt các sàn thương mại điện tử. Bởi doanh nghiệp không thể đưa sản phẩm không đạt chất lượng lên bán, quảng cáo không đúng sự thật. Với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm những người của công chúng tiếp tay cho vi phạm. Với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục đề nghị siết quản lý hơn nữa các thông tin về sản phẩm, bởi doanh nghiệp chỉ được quảng cáo khi đã được cấp phép, xác nhận nội dung của cơ quan chuyên môn. Những doanh nghiệp quảng cáo sai cần phải xử lý nghiêm theo quy định.

Cũng theo ông Phong, theo quy định tại Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm, ngoài phạt tiền, đơn vị vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung như tước các loại giấy phép, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Chúng tôi tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải hoạt động theo quy định của pháp luật", ông Phong nói.

Các hành vi quảng cáo trên mạng xã hội nếu sai sự thật về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ là vi phạm pháp luật.

Tùy theo vi phạm, người thực hiện quảng cáo có thể bị xử phạt hành chính. Theo Điều 11 Luật Quảng cáo 2012, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi quảng cáo có đầy đủ cấu thành tội phạm theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Quảng cáo gian dối" với hình phạt cao nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp quảng cáo sai sự thật khi gây thiệt hại cá nhân, tổ chức thì sẽ phải bồi thường trách nhiệm dân sự theo Điều 585, Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Lê Trọng Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/len-may-cung-nhung-quang-cao-tren-mang-xa-hoi-siet-chat-quan-ly-the-nao-20200802173906012.htm