Lên nóc nhà chọc trời sống ảo: Người trẻ chết lúc nào không hay

'Rooftopping' với các 'tín đồ' của độ cao và sự mạo hiểm là trào lưu giúp họ thách thức giới hạn của bản thân. Những người sợ độ cao lại coi xu hướng đó là nỗi sợ hãi, ám ảnh.

Sau gần 10 năm theo đuổi parkour với hàng nghìn lần nhảy qua độ xa, độ cao nhất định trên mặt đất, Phạm Xuân Lâm (22 tuổi, Hà Nội) tìm đến các nóc nhà cao tầng ở Việt Nam vì muốn thử thách bản thân hơn nữa.

9X khá nổi tiếng trong cộng đồng người trẻ Việt ưa mạo hiểm nhờ loạt ảnh check-in ở vị trí cao nhất một tòa nhà hay video nhảy qua khoảng không giữa các tòa nhà 20-40 tầng.

Xuân Lâm đang tham gia rooftopping - trào lưu CNN nhận định đã khiến Ngô Vịnh Ninh (người được mệnh danh "Spider Man Trung Quốc" với hơn 300 clip trên mạng, thách thức 11 tòa nhà chọc trời) mãi ra đi ở tuổi 26 do ngã từ tầng 62 tòa nhà ở Hồ Nam (Trung Quốc) vào tháng 11/2017.

Cách đây vài năm, rooftopping là khái niệm còn xa lạ với nhiều người. Sự bùng nổ mạng xã hội đã khiến trào lưu này ngày càng lan rộng. Nước Nga được cho là nơi rooftopping ra đời, cũng sản sinh ra nhiều rooftopper nhất.

Gõ từ khóa "rooftopping" vào thanh tìm kiếm Google, khoảng 390.000 kết quả được trả về trong 0,29 giây. Điều này chứng tỏ sức hút của trào lưu mạo hiểm này hiện không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, kết quả của một số từ khóa liên quan như "rooftopping death" (cái chết vì rooftopping), "rooftopping trouble" (rắc rối vì rooftopping) cho thấy xu hướng này cũng tồn tại không ít mặt trái.

Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) kết hợp với Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha (Ấn Độ) tiến hành, ít nhất 127 người chết do selfie từ tháng 2/2014 đến tháng 9/2016.

PGS Ponnurangam Kumaraguru (thuộc Viện CNTT Indraprastha) nói với NBC rằng nguyên nhân tử vong chủ yếu do nạn nhân ngã từ nhà cao tầng trong khi đang mải chụp "tự sướng". Là trào lưu liên quan tới độ cao, rooftopping chắn chắn "góp phần" vào thống kê chết chóc đó.

Thực tế, trước cái chết "rúng động" truyền thông thế giới của Ngô Vịnh Ninh, hàng loạt người trẻ đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Tháng 3/2015, một nam sinh 14 tuổi, chỉ được biết với tên Maxim, leo lên cây cầu đường sắt ở Moscow (Nga) để quay video. Do mất thăng bằng khi đang di chuyển trên cao, cậu vô tình chạm tay vào cáp điện 30.000 V. Cú giật điện quá mạnh khiến Maxim rơi từ độ cao hơn 30 m xuống đường ray tử vong tại chỗ.

Tháng 9/2015, thiếu niên 17 tuổi tên Andrey Retrovsky (đến từ Nga) buộc mình vào một sợi dây, treo lơ lửng bên ngoài tòa nhà 9 tầng ở Moscow, giả bộ như đang rơi xuống. Chưa kịp bấm máy chụp ảnh, nam sinh đã tử vong do sợi dây bị đứt.

Tháng 11/2016, nữ sinh 12 tuổi - Oksana B - qua đời vì rơi từ tầng 17 một tòa nhà ở Nga. Cảnh sát cho biết cô bé đã ngồi trên lan can để chụp ảnh mạo hiểm gửi cho bạn thân, trước khi mất thăng bằng và ngã xuống.

Nhiếp ảnh gia nghệ thuật Connor Cummings qua đời ở tuổi 24 sau khi rơi từ tầng 52 khách sạn Four Seasons ở New York (Mỹ) vào năm 2016.

Các rooftoopper được nhắc đến ở trên đã phải trả cái giá đắt nhất cho hành động liều lĩnh của mình. Nhưng chưa dừng lại ở đó, người thân của họ cũng phải gánh chịu nỗi đau khó nguôi ngoai.

Một tháng sau cái chết đột ngột của Ngô Vịnh Ninh, mẹ anh sụt hơn 10 kg. Báo chí lên tin dồn dập càng khiến bà sợ hãi, bất ổn tâm lý. Người mẹ 47 tuổi không ngủ được, cả ngày khóc lóc, thỉnh thoảng bà còn bỏ đi đâu đó suốt đêm. Các bác sĩ nói bà bị chứng tâm thần, cần được chăm sóc đặc biệt.

Nhìn lại các bức ảnh ngoạn mục do Connor Cummings thực hiện, bà Linda Cummings - mẹ Connor - có tâm trạng hỗn độn.

"Tôi nghĩ chúng đẹp nhưng cũng thật đáng sợ. Con trai tôi chết khi làm thứ nó yêu thích nhất. Một số người khuyên tôi nên lấy điều đó để nguôi ngoai nỗi đau, nhưng tôi chưa làm được", Linda nói với Daily News.

Chú của nữ sinh 12 tuổi Oksana B buồn bã chia sẻ trên mạng xã hội: "Con bé rất thân thiện, học giỏi và hoàn toàn bình thường. Tương lai đang chờ con bé ở phía trước nhưng nó lại đánh đổi mạng sống chỉ để có ảnh chụp mạo hiểm khoe bạn bè, đăng lên mạng xã hội".

Nhẹ hơn mức mất mạng, hiểm họa từ rooftopping với người chơi còn là chấn thương, án phạt tiền, bị cảnh sát bắt giữ.

Tháng 3/2016, sau khi xâm phạm tòa cao ốc ở Lowestoft (Anh), Matthew Adams, Daniel Batchelor, Javier Centeno-Gomez cùng một thiếu niên 17 tuổi bị buộc tội đe dọa trật tự công cộng. Họ chịu phạt 100 bảng Anh và bị cấm trèo lên các tòa nhà cao tầng trong vòng 2 năm.

Cảnh sát Canada bắt giữ Oleg Sherstyachenko vào tháng 11/2016, buộc tội anh đột nhập trái phép, phá hoại với mức phạt 5.000 USD. Trước đó, Oleg cùng các thanh niên đi cùng đã dùng kìm cộng lực và gậy sắt để leo lên cao.

Tháng 8/2014, một du khách Nga 24 tuổi bị bắt sau khi leo lên cầu Brooklyn, Mỹ. Anh ta được thả tự do sau khi thực hiện đủ 90 giờ lao động công ích cũng như nộp phạt cho TP New York 1.500 USD.

Đầu tháng 4 năm nay, cộng đồng mạng Việt "dậy sóng" khi một diễn đàn chia sẻ video ba thanh niên leo lên nóc tòa nhà được cho là Central 1 (38 tầng, cao 158 m, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Sau khi đoạn phim lan truyền, H.L. - một trong 3 nam chính - cho Zing.vn biết anh đã làm việc với công an và đại diện ban quản lý tòa nhà. Người này cũng xóa toàn bộ video, ảnh chụp vắt vẻo trên các nóc nhà chọc trời ở Sài Gòn, Vũng Tàu khỏi trang cá nhân.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: 'Không đủ khả năng đừng dại gì thử' "Thế giới ngăn cấm 'rooftopping' cũng đúng. Bởi nếu xảy chân, người tham gia có thể chết", Phạm Xuân Lâm cảnh báo.

Rắc rối, thậm chí cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, rooftoopping là vậy! Thế nhưng "ma lực" nào khiến rooftopper đặt bản thân vào lằn ranh nhạt nhòa giữa sự sống và cái chết?

Phần lớn rooftopper khi trả lời phỏng vấn đều nói rằng mình tham gia trào lưu vì đam mê độ cao.

"Tôi yêu độ cao, thích ghi lại khoảnh khắc mạo hiểm để xem phản ứng của những người theo dõi Instagram của mình ra sao", Oleg Sherstyachenko - gương mặt hot nhất nhì cộng đồng rooftopper - nói trong bài phỏng vấn với Redbull TV.

Angela Nikolau - được mệnh danh là "cô gái selfie mạo hiểm nhất thế giới" - thích cảm giác rợn người và hồi hộp mà rooftopping mang lại. Cô tin rằng mình có thể chinh phục mọi độ cao.

Cùng với bạn trai Ivan Kuznetsov (hay Ivan Beerkus), Nikolau khiến nhiều người phải nhớ tên khi từng leo lên giàn cẩu tại công trình xây dựng tòa nhà cao thứ hai thế giới - Goldin Finance 117, cao 640 m, ở Trung Quốc.

Loạt pha mạo hiểm trên nóc tòa nhà chọc trời của Angela Nikolau Cô gái 25 tuổi thường xuyên cùng bạn trai leo lên đỉnh các tòa nhà cao tầng để chụp ảnh. Những bức hình của Angela khiến người xem không khỏi "thót tim".

Phạm Xuân Lâm - bạn trẻ tham gia rooftopping ở Việt Nam - bày tỏ phong trào mang đến niềm thỏa mãn tinh thần khi chinh phục bản thân, chiến thắng nỗi sợ ở trên cao. Cảm giác thích thú, tuyệt vời thế nào chỉ có người trải nghiệm mới hiểu.

Với nhiều rooftopper, mục đích tham gia trào lưu của họ lại là giải tỏa áp lực. Nữ nhà báo Dominique Wong (ở Bắc Kinh, Trung Quốc) tiết lộ phần lớn rooftopper mình từng phỏng vấn đều trải nghiệm rooftopping sau khi gặp biến cố trong cuộc sống.

Claire - một người đam mê rooftopping ở Trung Quốc - cho biết cô bắt đầu thích hoạt động mạo hiểm từ khi mắc bệnh trầm cảm. Tại tòa nhà Guoson Center bị bỏ hoang ở Bắc Kinh (Trung Quốc) với thành phố rộng mở, cô có cảm giác như mình được "chữa lành".

"Đứng trên nóc một tòa nhà, sự hồi hộp đủ chiếm trọn tâm trí và tôi không thể nghĩ gì khác. Điều đó khiến những suy nghĩ tuyệt vọng của tôi biến mất", cô chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cảnh báo trào lưu rooftopping tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe khi người tham gia đặt mình vào nỗi sợ, sự căng thẳng tột độ quá lâu lúc ở trên không trung.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, đôi khi căng thẳng có thể giúp con người chinh phục nỗi sợ hãi, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu. Nhưng việc liên tục ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến trạng thái vật lý và cảm xúc của cơ thể.

"Khi chịu áp lực quá lớn, cơ thể tiết ra hormone cortisol (hormone căng thẳng) có thể tạm thời giúp giải quyết vấn đề. Nếu căng thẳng liên tục, kích thích tố này không còn hữu ích và nó sẽ cạn kiệt theo thời gian", GS.TS Richard Colgan tại ĐH Maryland (Mỹ) cho biết.

Cortisol và kích thích tố khác là các thành phần của hệ thống miễn dịch. Mặc dù chúng giúp cơ thể đối phó với căng thẳng, khi cạn kiệt, cơ thể sẽ trở nên nhạy cảm hơn với bệnh tật. Bởi vậy, có thể nói rooftopping không phải lựa chọn tốt để giải tỏa áp lực như rooftopper vẫn nghĩ.

Darren - "kẻ liều lĩnh" 23 tuổi người Singapore - chia sẻ lý do tham gia rooftopping: "Rất nhiều người nghĩ chúng tôi đến với rooftopping chỉ để đổi lấy lượt like (thích), bình luận trên mạng. Tuy nhiên, tôi tham gia vì có nhiều kinh nghiệm và chắc chắn giữ được an toàn cho bản thân. Tôi vẫn sẽ thực hiện các pha mạo hiểm dù có mạng xã hội hay không".

Thế nhưng, Darren hay nhiều rooftopper khác không thể phủ nhận các hình ảnh, clip mạo hiểm ở độ cao không tưởng giúp họ có được sự nổi tiếng trên thế giới ảo, cùng hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng.

"Nhiều công ty sẽ trả tiền cho rooftopper nếu đồng ý quảng cáo thương hiệu của họ trong video. Sau khi ký hợp đồng, phía công ty sẵn sàng chịu mọi chi phí đưa rooftopper đến những thành phố lớn, nơi có nhiều tòa cao ốc, để thực hiện điều điên rồ. Nhưng nếu có thương vong xảy ra, họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm", Claire tiết lộ.

Oleg Sherstyachenko là gương mặt quảng cáo "đắt show" nhất trong cộng đồng rooftopper. 9X không tiết lộ số tiền kiếm được từ việc quảng cáo trên trang cá nhân, nhưng nhiều người cho rằng con số đó không hề nhỏ.

Trước thời điểm tử nạn, Ngô Vịnh Ninh được cho là chinh phục tòa nhà 62 tầng để thu về hơn 50.000 USD chữa bệnh cho mẹ và cưới vợ.

Theo Darren, cộng đồng rooftopper hiện có thể dưới 100 thành viên trên toàn thế giới. Nga, Anh, Đức, Mỹ là một số quốc gia có tỷ lệ người tham gia trào lưu rooftopping nhiều nhất.

Còn ở Việt Nam, theo Phạm Xuân Lâm, hiện không nhiều bạn trẻ hưởng ứng phong trào rooftopping. Lâm từng liên hệ với một số người đăng tải ảnh, clip quay mạo hiểm trên cao tại mạng xã hội, nhưng họ không muốn tiết lộ nhiều về thông tin cá nhân.

Những con số thống kê chưa chính thức có phần ít ỏi đó không có nghĩa thử thách nóc nhà chọc trời không phát triển. Thực tế, các nhà chức trách, chuyên gia và giới truyền thông đang áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn mạnh tay với rooftopping.

Tờ China Daily kêu gọi các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ hơn mảng ứng dụng phát trực tiếp ở Trung Quốc sau cái chết của Ngô Vịnh Ninh.

Chánh Thanh tra John Maricic (thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát TP Sydney, Australia) khẳng định đối tượng bị phát hiện đột nhập trái phép vào các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm sẽ bị bắt giữ. Phía cảnh sát cũng đang kêu gọi người dân đảm bảo an toàn và trình báo mọi hoạt động bất thường xảy ra quanh khu vực tòa nhà mình sinh sống.

Cảnh sát thành phố Toronto (Canada), New York (Mỹ), Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Anh sẽ bắt giữ các thanh niên trèo lên nóc nhà cao tầng để quay phim, chụp ảnh mạo hiểm. Hình thức xử lý có thể là phạt tiền, buộc lao động công ích, thậm chí chịu bản án hình sự.

PGS Ponnurangam Kumaraguru (thuộc Viện Công nghệ Thông tin Indraprastha, Ấn Độ) cùng một số sinh viên khoa Máy tính tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) đang nghiên cứu tạo ra ứng dụng cảnh báo mọi người khi họ selfie ở khu vực nguy hiểm.

"Chúng tôi kết hợp các tính năng phân tích văn bản, hình ảnh và vị trí để phân loại nơi đang chụp ảnh có nguy hiểm hay không. Ứng dụng cũng có thể tự động tắt camera để ngăn chặn người dùng cố gắng chụp ảnh", ông Kumaraguru chia sẻ với NBC.

Ở góc nhìn của chuyên gia, TS tâm lý học người Mỹ - Harry Stratyner - và bác sĩ Wendy Sue Swanson (sống tại TP Seattle, Mỹ) có chung quan điểm rằng người trẻ luôn cố gắng sống trong thế giới ảo, tìm mọi cách thu hút sự chú ý của người khác để được tung hô.

Bởi vậy, rooftopping hoàn toàn có thể ngăn chặn được bằng việc giảm sức mạnh của các bức ảnh trên mạng xã hội.

Về phía cộng đồng rooftopper, sau cái chết của Ngô Vịnh Ninh, một số người cho biết có thể cân nhắc sở thích của họ.

"Bạn cần cẩn trọng và tập trung cao độ khi chụp ảnh. Đừng coi đó là trò tiêu khiển mà thực hiện chỉ để đổi lấy danh hão trên mạng ảo", Daniel Lau (23 tuổi, Hong Kong, Trung Quốc) cảnh báo.

J.L. - mới tham gia rooftopping gần một năm - đồng tình: "Đừng làm những điều ngu ngốc để khoe mẽ và sống ảo. Không phải rooftopper nào cũng bất chấp tính mạng để có thước ảnh đẹp ở độ cao chóng mặt. Tôi tuyệt đối tôn trọng quy định về an ninh của những tòa nhà cao tầng. Nếu cửa tầng thượng mở sẵn, tôi mới lên đó chụp ảnh, rồi lại đi xuống. Nhất định không có chuyện đột nhập trái phép".

Rooftopper có nickname Faaariz cũng khuyên những người trẻ đam mê mạo hiểm nên đặt an toàn lên trên hết.

Phạm Xuân Lâm khuyến cáo những người thích cảm giác đứng ở độ cao chóng mặt nhưng chưa từng tập luyện hay có hướng dẫn không nên tham gia trào lưu nguy hiểm rooftopping. Cậu hy vọng giới trẻ thể hiện sự nghiêm túc khi theo đuổi đam mê, có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

"Khôn ba năm dại một giờ" - đừng để cảm xúc vui sướng nhất thời, những lời tung hô ảo trên mạng khiến bạn mất đi cơ hội được gặp người thân, bạn bè của mình!

Giới trẻ Việt có dám liều mạng chinh phục nóc nhà chọc trời? Hầu hết người nhận lời phỏng vấn Zing.vn đều nhầm lẫn giữa "rooftopping" và "parkour". Họ không dám trải nghiệm thú chơi mạo hiểm trên nóc nhà chọc trời như giới trẻ thế giới.

Thu Thảo - Ánh Hoàng
Đồ họa: Bảo Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/len-noc-nha-choc-troi-song-ao-nguoi-tre-chet-luc-nao-khong-hay-post832285.html