Lên núi Chứa Chan

Nghe tên núi có vẻ lạ, nhưng khi khám phá ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ sau núi Bà Đen (Tây Ninh) bạn sẽ thấy thú vị. Nơi đây không chỉ ẩn chứa sự đa dạng của sinh học mà còn vùng đất trú lâu đời của dân tộc Chơ-ro với nhiều giá trị văn hóa truyền thống, là thế mạnh cho việc phát triển du lịch thám hiểm thiên nhiên.

Trên núi còn rất nhiều voọc sinh sống.

Núi Chứa Chan còn được gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào là ngọn núi nằm ở xã Suối Cát,huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai - ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ với độ cao 837 mét so với mực nước biển. Đây là một thắng cảnh đẹp, hữu tình, hiếm gặp ở Nam bộ. Thế núi hùng vĩ, cao chót vót, có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau giống hình bát úp.

Tương truyền, thời chúa Nguyễn, lúc tiền nhân mở mang bờ cõi, núi Chứa Chan là một điểm trên con đường Nam tiến. Công nữ Ngọc Vạn (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên) đặt chân tới vùng đất này, thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ nên đã dựng trại lập đền chùa, am miếu thờ phượng phật tổ, thần linh, tiền hiền, tiên tổ cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Từ dưới chân lên đỉnh núi rất nhiều công trình kiến trúc, như: chùa Bửu Pháp, chùa Lâm Sơn, chùa Linh Sơn, chùa Quảng Đạo, Quan Âm Các, nhà nghỉ mát của Toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… Các “Giếng tiên” như miệng thúng, nước không bao giờ cạn.

Bởi vậy, du khách đến với danh thắng Núi Chứa Chan không chỉ được sống trong không gian khoáng đạt, trong lành của thiên nhiên mà còn được được vãn cảnh chùa, lễ Phật để lòng mình lắng lại, tĩnh tâm sau những bộn bề lo toan của cuộc sống, cũng là để hiểu và trân trọng thêm những giá trị truyền thống của ông cha ta.

Đặc biệt nơi đây còn nổi tiếng với “cây đa ba gốc một ngọn”. Nếu ghé thăm chùa Bửu Quang, đừng quên chiêm ngưỡng và nghe những câu chuyện đậm chất truyền thuyết về hình dáng của loài cây này.

Ngoài ra, các bãi đá tự nhiên trùng trùng điệp điệp, xen lẫn nhau tạo thành những bức tường đá kỳ vĩ. Trong các hang động có các khe suối nhỏ nước chảy quanh năm, từ xa xưa đã có nhiều vị thiền sư chọn làm nơi thiền định, đến nay vẫn còn dấu tích. Núi Chứa Chan cũng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học đặc hữu của vùng Đông Nam bộ với nhiều loài thú quý hiếm trong sách đỏ, nhiều loài đặc hữu địa phương và nhiều loài động - thực vật có giá trị kinh tế cao. Trên núi Chứa Chan rất nhiều voọc đang sinh sống, đặc biệt có cả loài cá thể voọc chà vá chân đen - một trong những loại động vật nguy cấp quý hiếm nhóm 1B, cần được đặc biệt ưu tiên bảo vệ.

Buổi sáng ở núi Chứa Chan, dưới ánh nắng rực rỡ, núi càng hiện lên sự kỳ vĩ với những loài cây đặc hữu của rừng nhiệt đới ẩm, quý hiếm như gõ, dầu lông, trâm mét, sung, gáo. Đêm, trên đỉnh Chứa Chan không gian càng huyền ảo hơn khi được ngắm bầu trời thật gần với những vì sao lấp lánh. Cảm giác như thành phố bên dưới chân núi chỉ là những vệt sáng nhỏ li ti, mờ ảo... Trên núi không có nhà nghỉ hay bất kì khách sạn nào nên nếu bạn muốn ở lại qua đêm phải chuẩn bị trại và bếp củi để có những trải nghiệm thú vị giữa thiên nhiên, hoang dã.

Ngọc Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/len-nui-chua-chan-tintuc402511