'Lênh đênh' nghề làm thuyền nan

Dập dìu trên sông hồ, lướt trên sóng biển, đó là những chiếc thuyền nan độc đáo được đan thủ công ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

(TNO) Dập dìu trên sông hồ, lướt trên sóng biển, đó là những chiếc thuyền nan độc đáo được đan thủ công ở đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Đến đảo Hà Nam, ngoài việc tham quan những di tích đặc biệt như bãi cọc Bạch Đằng, đền Trần Hưng Đạo, miếu vua Bà... gắn liền với nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XIII, chúng ta còn có thể đến thăm nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng: đan thuyền nan và ngư cụ.

Đặc thù cửa sông ven biển khiến cho vùng đất này phát triển nhiều làng nghề có tuổi đời lên tới vài trăm năm, hầu hết được “cha truyền con nối”.

Thuyền nan là vật dụng gắn liền với đời sống của ngư dân vùng biển đảo Quảng Ninh. Nhẹ và cơ động, thuyền nhỏ dùng để di chuyển, thuyền lớn hơn để vận chuyển hàng hóa, đánh bắt gần bờ, thậm chí còn là nơi sinh sống của cả gia đình

Thôn Hưng Học (xã Nam Hòa) được xem như cái nôi của nghề đan thuyền đảo Hà Nam. Không khó để bắt gặp hàng trăm chiếc thuyền nằm phơi trên khắp đường làng, ngõ xóm. Tuy có giảm sút so với nhiều năm trước, nhưng hiện nay, cả thôn vẫn có khoảng 250 hộ đang làm nghề... đan thuyền

Chiếc thuyền tốt được người thợ thủ công chăm chút từ khâu chọn tre, chẻ tre đến đan mê (phần nền của thuyền). Ông Hoàng Văn Choảng, nhà có ba thế hệ làm nghề, cho biết khâu này không phức tạp nhưng đòi hỏi bàn tay khéo léo và sự cẩn thận cao, một người trung bình có thể đan được 3 - 4 mê/ngày

Để tạo hình thuyền, người thợ cho mê vào một chiếc khuôn (hố) và cạp các mép, sau đó cố định lại bằng dây thép. Việc cạp thuyền thường được giao cho những người có kinh nghiệm, sao cho chiếc thuyền cân đối và chắc chắn nhất

Muốn giữ cho nan chắc và khít hoàn toàn, người Hưng Học có một bí quyết riêng độc đáo: phết một lớp phân trâu trộn mùn cưa lên toàn bộ cốt thuyền

Sau khi phơi lần đầu và sơn nhựa đường 3 - 4 lần lên cả hai mặt, một chiếc thuyền nan đã dần hình thành. Tính đến khi hạ thủy mỗi chiếc thuyền có thể “dầm sương dãi nắng” đến 4 - 5 tháng

Để thuyền thêm vững chãi, chịu được sóng lớn và có khoang, chỗ ngồi, người thợ thêm vào các xà và thang ngang

Tùy theo kích cỡ, thuyền nan Hưng Học có trọng tải từ 2 tạ đến 12 tấn, giá thành từ 1,2 triệu trở lên, có thể lắp mái chèo hay máy chân vịt tùy loại và có tuổi thọ tới gần chục năm

Lán thuyền của anh Phạm Văn Kiên trước kia có thể hạ thủy tới gần 300 chiếc/năm, ngoài khách trong tỉnh còn có khách ở Thái Bình, Nam Định... “Hai năm gần đây kinh tế khó khăn, khách mua giảm hẳn, có khi cả tháng chỉ được 2 - 3 chiếc cỡ nhỏ”, anh Kiên chia sẻ

“Thế hệ chúng tôi có mười người thì giờ chỉ còn 6 - 7 người làm nghề. Nhưng dù thế nào chúng tôi cũng vẫn giữ nghề để truyền lại cho con cháu”, ông Vũ Văn Hùng, gần 40 năm trong nghề, tâm sự. “Bao giờ hết cá mới hết làm thuyền nan”, ông nói vui

Trẻ em Hưng Học quen với nghề từ rất sớm, sân chơi của các em là những bãi thuyền nan rộng mênh mông ngay sau nhà

Thu nhập của ông Hoàng Văn Khanh (xã Hùng Thắng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc thuyền nan, được ông đến tận Hưng Học mua về

Thuyền nan đảo Hà Nam đã trở thành “thương hiệu”. Hình ảnh chiếc thuyền dập dềnh sóng nước cũng dần quen thuộc với khách du lịch trong và ngoài nước đến với vịnh Hạ Long

Trường Giang
(thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/lenh-denh-nghe-lam-thuyen-nan-35395.html