Leo thang chạm trán Mỹ - Iran ở các vùng biển Trung Đông

Eo biển Hormuz, vịnh Oman, vịnh Ba Tư… những ngày qua chứng kiến loạt động thái rắn từ Iran và Mỹ, một lần nữa phản ánh cuộc chiến ngầm của các bên trên các vùng biển Trung Đông.

Những ngày qua chứng kiến sự gia tăng các sự cố chạm trán giữa Iran và Mỹ ở các vùng biển Trung Đông. Đây là động thái leo thang đáng ngại trong bối cảnh căng thẳng hai nước đang nóng xung quanh nhiều vấn đề liên quan xung đột Nga - Ukraine, Syria, thỏa thuận hạt nhân…

Loạt động thái rắn từ Iran và Mỹ

Ngày 27-4, lực lượng hải quân thuộc Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận rằng hải quân Iran đã bắt giữ tàu chở dầu tên Advantage Sweet treo cờ quần đảo Marshall đang trên vùng biển quốc tế ở vịnh Oman hướng về Mỹ, theo tờ Financial Times. Theo dõi vệ tinh cho thấy con tàu xuất phát từ Kuwait và đang đi đến Houston, bang Texas (Mỹ). Theo CENTCOM, các hành động của Iran trái với luật pháp quốc tế và gây rối loạn an ninh, ổn định của khu vực. Phía Mỹ chưa đánh giá động cơ của vụ bắt giữ.

Tàu không người lái L3 Harris Arabian Fox MAST-13 của hải quân Mỹ và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đi qua eo biển Hormuz vào ngày 19-4. Ảnh: AP

Tàu không người lái L3 Harris Arabian Fox MAST-13 của hải quân Mỹ và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đi qua eo biển Hormuz vào ngày 19-4. Ảnh: AP

Trong ngày 27-4, quân đội Iran cho biết một tàu không xác định đã đâm vào một tàu Iran ở phía bắc Ấn Độ Dương, làm bị thương hai thủy thủ đoàn Iran, trước khi bỏ trốn khỏi hiện trường. Quân đội Iran cho biết đã nhận được “sự cho phép của tư pháp” để theo dõi và bắt giữ tàu chở dầu nước ngoài. Hải quân Iran đã truy đuổi con tàu bằng trực thăng, thả người lên boong và hướng dẫn tàu vào vùng biển Iran.

Công ty Advantage Tankers xác nhận rằng tàu của mình đã bị bắt giữ nhưng nói không biết gì về vụ va chạm và không nhận định về lý do tàu bị bắt giữ.

Tám ngày trước, Tư lệnh hải quân Iran Shahram Irani nói với truyền hình nhà nước rằng hải quân Iran đã buộc một tàu ngầm của Mỹ phải nổi lên khi con tàu tiến vào vùng Vịnh, theo hãng tin Reuters.

Theo lời ông Irani, tàu ngầm Mỹ “đã cố gắng hết sức, sử dụng tất cả khả năng của nó để vượt qua hoàn toàn im lặng và không bị phát hiện” nhưng vẫn bị tàu ngầm Fateh của Iran phát hiện, tiếp cận và có hành động để buộc nó nổi lên khi nó đi qua eo biển Hormuz. Ông Irani nói rằng tàu ngầm của Mỹ đã đi vào lãnh hải của Iran nhưng đã điều chỉnh hành trình sau khi được cảnh báo.

Hạm đội 5 của hải quân Mỹ có trụ sở tại Bahrain bác bỏ thông tin “sai lệch” của phía Iran. Tư lệnh Timothy Hawkins nói với Reuters rằng tàu ngầm của Mỹ đã không đi qua eo biển Hormuz gần đây.

Trước đó, hồi tháng 2, hải quân Iran cho biết đã xác định và cảnh báo một máy bay trinh sát EP-3E của hải quân Mỹ gần vịnh Oman, theo hãng thông tấn Tasnim của Iran.

Ngày 19-4, hải quân Mỹ lần đầu tiên triển khai tàu không người lái qua eo biển Hormuz, theo đài Fox News. Tàu cao tốc không người lái L3 Harris Arabian Fox MAST-13 mang theo cảm biến và máy ảnh, được hai tàu tuần duyên USCGC Charles Moulthrope và USCGC John Scheuerman của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ hộ tống.

Theo người phát ngôn của hải quân Mỹ, sự di chuyển của tàu không người lái L3 Harris Arabian Fox MAST-13 đã thu hút sự chú ý của lực lượng vệ binh cách mạng Iran nhưng không xảy ra sự cố. Phía Iran không xác nhận sự di chuyển của tàu không người lái MAST-13.

Tàu không người lái MAST-13 đang hoạt động ở vịnh Oman. Hạm đội 5 đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm tàu không người lái vào năm ngoái, mục tiêu sẽ có một hạm đội gồm khoảng 100 tàu không người lái, cả chìm và nổi, hoạt động trong khu vực với các đồng minh của Mỹ. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2022, Iran đã thu giữ một số tàu không người lái của Mỹ đang được thử nghiệm trong khu vực.

Lực lượng Iran và Mỹ đã có nhiều sự cố đối đầu trước đây. Đầu tháng 4, hải quân Iran cho biết đã xác định và cảnh báo một máy bay trinh sát của Mỹ bên ngoài cửa vịnh. Vào năm 2019, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ cho là đang bay qua miền nam Iran.

Cuộc chiến ngầm trên các vùng biển Trung Đông

Eo biển Hormuz ngăn cách Iran với các quốc gia vùng Vịnh, là một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới. Theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, khoảng một 1/3 tổng số hàng hóa dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày. Eo biển Hormuz cũng là nơi các thủy thủ Mỹ thường phải đối mặt với các cuộc chạm trán căng thẳng với lực lượng Iran.

Vịnh Oman là nơi chứng kiến cuộc chiến ngầm trên biển, khi nhiều tàu chở dầu bị lực lượng Iran bắt giữ và hàng loạt vụ nổ đáng ngờ xảy ra với các tàu trong khu vực, bao gồm những tàu có liên quan các công ty của Israel và phương Tây. Iran phủ nhận có liên quan các vụ nổ, bất chấp cáo buộc từ phương Tây.

CENTCOM cảnh báo rằng “việc Iran tiếp tục quấy rối các tàu và can thiệp vào quyền hàng hải trong vùng biển khu vực là mối đe dọa đối với an ninh hàng hải và nền kinh tế toàn cầu”.

Hạm đội 5 của hải quân Mỹ có trụ sở tại Bahrain liên tục tuần tra các vùng biển Trung Đông, đặc biệt là vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, đảm bảo thông suốt các tuyến đường thủy cho thương mại quốc tế, cũng như bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, với Iran, sự hiện diện của hải quân Mỹ ở các vùng biển này là điều không thể để yên.

Vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu cho Mỹ cũng như các sự cố chạm trán gần đây giữa hai bên xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang rất căng thẳng. Mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa Iran và Mỹ xấu thêm vào năm ngoái, khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gặp bế tắc và sau làn sóng trấn áp biểu tình chết người ở Iran.

Mỹ thời gian gần đây áp nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào các nhà cung cấp máy bay không người lái (UAV) của Iran mà Mỹ cho là được sử dụng tấn công các mục tiêu dân sự ở Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Iran thừa nhận có gửi UAV tới Nga nhưng là trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nga luôn bác bỏ khả năng mình sử dụng UAV của Iran ở Ukraine.•

Các nghị sĩ Mỹ muốn tịch thu dầu và khí đốt Iran

Tại Mỹ ngày 27-4, nhiều nghị sĩ cả hai đảng cùng thúc giục Tổng thống Joe Biden cho phép một cơ quan chính phủ liên bang tịch thu các chuyến hàng dầu và khí đốt của Iran, theo Reuters.

Một bức thư có chữ ký của 12 nghị sĩ lưỡng đảng đề nghị Tổng thống Biden tạo điều kiện cho Văn phòng Điều tra an ninh nội địa (HSI) bắt giữ các lô hàng dầu liên quan Lực lượng Quds - hoạt động gián điệp nước ngoài và cánh tay bán quân sự của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Năm ngoái, Mỹ tịch thu một lô hàng dầu của Iran gần Hy Lạp. Động thái này khiến Iran bắt giữ hai tàu chở dầu của Hy Lạp ở vùng Vịnh. Tòa án Tối cao Hy Lạp phán quyết rằng hàng hóa phải được trả lại cho Iran. Hai tàu chở dầu của Hy Lạp sau đó đã được Iran thả.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/leo-thang-cham-tran-my-iran-o-cac-vung-bien-trung-dong-post731558.html