Lều chõng hai trong một

Chúng ta có một năng lực sốt ruột vô cùng to lớn. Nó thúc đẩy chúng ta luôn chống lại sự trì trệ và buộc mọi việc phải cải tiến, thay đổi.

Trong số các ngành nghề chịu áp lực thì y tế và giáo dục bị áp lực nhất. Cứ sau một thời gian thì sự sốt ruột này biến thành “sóng” sốt ruột.

Hiếm có nơi nào trên trái đất này liên tục cải cách như ngành giáo dục – đào tạo của ta. Chỉ vài thập kỷ, ngành này đã cho cải cách chữ viết với loại chữ tối giản khiến trẻ em viết như que với gậy.

Gần đây việc tích hợp các môn học không liên quan vào làm một cũng khiến các bậc phụ huynh “bâng khuâng”. Kiểu như môn Khoa học tự nhiên có thể gọi tắt là môn Sinh Lý Hóa (Sinh học, Vật lý, Hóa học). Tích hợp liên môn thì cái tên sẽ khủng khiếp nữa. Chả vấn đề gì. Chúng ta sẵn sàng “đông tây y kết hợp với cúng”, có sao đâu.

Sách giáo khoa cũng cải tiến không ngừng. Tương lai gần có thể nhập cả công nghệ giáo dục tiên tiến về. Nghe đâu của Phần Lan, nền giáo dục đứng nhất địa cầu. Cho dù công nghệ hàng đầu thế giới thì chúng ta chắc cũng không “nhịn” năng lực cải tiến được đâu. Dự báo, sau một thời gian, rắn sẽ được vẽ thêm chân.

Minh họa của Tả Từ.

Nhiều thế hệ trước vật vã lều chõng thi đại học với đề thống nhất của bộ. Khó có bộ đề nào bộc lộ được năng lực theo đặc thù của từng trường. Đó là bất cập mà cả nơi đào tạo và thí sinh đều băn khoăn nên nảy sinh nhu cầu ra đề riêng. Sau nhiều cân nhắc thì việc thi đại học được giao cho từng trường làm riêng theo nhu cầu đào tạo. Trường nào ra đề thi trường ấy.

Sau một thời gian, sóng sốt ruột lại trào dâng vì lý do thi cử mô hình này tốn kém và có thể phát sinh tiêu cực kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Gần đây, ngành Giáo dục lại tiếp thu “sóng” sốt ruột nên quyết định cho tích hợp kỳ thi hai trong một để tiết kiệm chi phí. Kết quả thi thần kỳ này là “bộ lọc” phân chất lượng vừa tốt nghiệp phổ thông, vừa xét vào đại học.

Đề thi bao gồm những câu vừa tầm (để xét tốt nghiệp PTTH) và những câu khó hơn (xác định chất lượng đại học và các trường chuyên nghiệp).

Thi xong thì đề thi hai trong một gây sóng to khi các phụ huynh kêu quá khó. Trong đó có cả những bậc thầy toán. Một số giáo sư tiến sĩ toán tuyên bố “đầu hàng” vì không thể hoàn thành bài thi trong thời gian quy định. Có tiến sĩ từng giành Huy chương bạc Olympic toán quốc tế mất tới 30 phút mà chỉ giải được 3/5 câu khó nhất của đề.

Tưởng như không thể có điểm tuyệt đối, nhưng kết quả thi công bố có 14 thí sinh đạt gần như tuyệt đối với điểm toán xấp xỉ 10 và 10 tròn. Thí sinh đạt 10 toán có Hoàng Đức Thuận ở Phú Thọ và em Nguyễn Trần Công Đạt ở TP Hồ Chí Minh.

Đạt chỉ học bài 2 giờ mỗi ngày. Vậy mà các em đã giải quyết toàn bộ từ dễ đến khó, không thắc mắc. Vậy thì việc nói rằng thí sinh không thể làm đủ các câu trong đề hoàn toàn không có căn cứ. Rõ ràng các giáo sư đã thua học trò lấm lưng trắng bụng.

Đề thi đã làm đúng nhiệm vụ bộ lọc của nó, có nên kêu ca nữa không? Ngành giáo dục đã “đẽo cày giữa đường” để chiều các làn sóng sốt ruột. Với sự đòi hỏi không giới hạn thì ngành đang tiến thoái lưỡng nan. Tiến thì cũng bị kêu, lùi cũng bị kêu mà đứng yên lại càng bị kêu. Ai mà chiều được.

Còn bạn. Trước thử thách, bạn sẽ vượt qua hay là khóc?

Lê Tâm

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/leu-chong-hai-trong-mot-502180/